Tâm linh huyền bí trong các hang động ở miền bắc Thái Lan

03:07, 12/07/2018

Sau câu chuyện cảm động và ly kỳ về cuộc giải cứu đội bóng Heo Rừng ở Thái Lan, giáo sư nhân chủng học người Mỹ Andrew Alan Johnson (ĐH Princeton) giải thích thêm về tín ngưỡng và sự thần bí liên quan đến hang động và rừng núi.

Sau câu chuyện cảm động và ly kỳ về cuộc giải cứu đội bóng Heo Rừng ở Thái Lan, giáo sư nhân chủng học người Mỹ Andrew Alan Johnson (ĐH Princeton) giải thích thêm về tín ngưỡng và sự thần bí liên quan đến hang động và rừng núi.

Đội cứu hộ trong hang Tham Luang - Ảnh: REUTERS
Đội cứu hộ trong hang Tham Luang - Ảnh: REUTERS

Tham Luang Nang Non - nơi đội bóng Heo Rừng bị mắc kẹt, là một hang động nằm sâu bên trong dãy núi Doi Nang Non hình thành nên biên giới tự nhiên giữa Thái Lan và Myanmar. Cái tên mang ý nghĩa là "hang động của quý cô đang ngủ".

Chuyện kể rằng ngày xưa, một nàng công chúa tự kết liễu cuộc đời do bị cấm đoán yêu một người đàn ông thường dân. Sau khi chết, thân thể của nàng trở thành dãy núi, còn bộ phận sinh dục chính là cái hang. Vong hồn của nàng cai quản cả khu vực này.

Mùa mưa năm 2007...

Hang Tham Luang là một cảnh tượng mê hoặc. Lối vào của nó rộng, như cánh cổng dẫn vào một tòa giáo đường, và vào mùa mưa hơi ẩm bốc ra từ miệng hang tạo nên một khung cảnh cô tịch và huyền bí.

Cũng có thể ví Tham Luang như một cánh cổng dẫn vào thế giới khác. Trong tín ngưỡng tôn giáo và thần thoại ở vùng đất Bắc Thái Lan, núi và hang động là nơi linh thiêng. Chỉ cần lữ khách hỏi, người dân ở đây có thể kể cho họ nhiều truyền thuyết về các vong hồn của núi rừng...

Tượng Phật trước cửa hang Tham Luang - ảnh: Hindustian Times
Tượng Phật trước cửa hang Tham Luang - ảnh: Hindustian Times

Những vị chúa tể

Từ thành phố Chiang Mai - thủ phủ vùng tây bắc Thái Lan, lái xe lên phía Bắc khoảng 1 giờ là đỉnh Chiang Dao (phía nam hang Tham Luang). Đây là một ngọn núi ấn tượng, chọc thẳng lên trời từ giữa cánh đồng lúa.

Giống như nhiều dãy núi khác trong khu vực, có một cái hang ăn sâu vào lòng núi Chiang Dao. Biên niên sử địa phương và truyện dân gian truyền miệng kể những câu chuyện khác nhau về nguồn gốc của nơi này.

Có người nói cái hang là nhà của một đám quỷ khổng lồ - yaksha - bị cai trị bởi vong hồn của một vị vua. Người khác kể một vị chúa tể lập nên vương quốc Lanna ở miền Bắc Thái Lan đã chạy về hang này sau khi đế chế của ông sụp đổ.

Một phiên bản khác: Một vị chúa tể tên là Jao Luang Kham Daeng bị lừa đi vào hang theo chân một phụ nữ xinh đẹp. Sau đó ông bị các vong hồn trong hang bắt mất. Cũng có phiên bản nói sau cái chết, vong hồn vị chúa tể cai quản luôn nơi này.

Trong mỗi câu chuyện trên, cái hang luôn là nơi trú ngụ của một vong hồn hùng mạnh, thậm chí đôi khi nguy hiểm. Người dân Bắc Thái tin rằng để giữ cho vùng đất của họ an toàn, thịnh vượng và khỏe mạnh, cần phải kính trọng các vong hồn và sức mạnh của rừng núi.

Các học giả như Pattana Kitiarsa, Erick White, Justin McDaniel... giải thích rằng tín ngưỡng ở vùng đất Bắc Thái là sự hòa trộn giữa 3 ảnh hưởng khác nhau: Đức tin về sức mạnh của con người (vua, chúa...) và địa danh; sự sùng bái Phật giáo; và truyền thống Hindu giáo.

Minh họa cụ thể nhất là câu chuyện về các hang động trong Công viên quốc gia Sri Lanna: Tương truyền đây là nơi trú ẩn của hai nàng công chúa sau khi vương quốc của họ bị diệt vong. Đức Phật nghe lời cầu nguyện của hai nàng đã phái một vong hồn hùng mạnh đến bảo vệ. Và vong hồn đó vẫn còn trong hang cho đến ngày nay.

Câu chuyện này có đủ các yếu tố: Vua chúa, Phật giáo và vong hồn.

Đền thờ bên trong hang Phraya Nakhon ở Thái Lan - Ảnh: Mapio
Đền thờ bên trong hang Phraya Nakhon ở Thái Lan - Ảnh: Mapio

Một thế giới khác

Trong tín ngưỡng của nhiều nền văn hóa, hang động là khoảng không gian chuyển tiếp. Chúng dẫn đến một thế giới khác - một thế giới chìm trong màn đêm, không dễ xâm nhập và thường nguy hiểm đối với con người. Câu chuyện của đội bóng Heo Rừng đúng là như vậy.

Trong hang còn có các vong hồn. Ở Thái Lan, vong hồn thường là phụ nữ. Họ có thể ban phát cho các tín đồ những thứ các vị sư Phật giáo không thể màng tới, chẳng hạn như tình yêu, tiền bạc và những thứ trần tục khác.

Và vong hồn cũng có thể trừng phạt nếu bị xúc phạm.

Ở Chiang Mai, mỗi năm người dân địa phương tổ chức một nghi thức cúng tế, trong đó 2 vong hồn của rừng núi nhập vào 2 thân xác con người. Họ sau đó ăn thịt trâu sống, uống máu của nó trước khi thuần phục trước Đức Phật và đồng ý giúp thành phố mưa thuận gió hòa.

Câu chuyện giải cứu 12 cậu bé và anh huấn luyện viên đội bóng có thể diễn giải ở nhiều tầng lớp nghĩa. Với một số người, đó là nghĩa cử anh hùng của những người cứu hộ chống chọi lại môi trường thiên nhiên khắc nghiệt.

Với người khác, câu chuyện nêu bật tinh thần hiếu Phật của anh huấn luyện viên và sức mạnh của lời cầu nguyện trước các vong hồn của ngọn núi.

Mà dù dưới góc độ nào đi nữa - khoa học hay tâm linh, đứng trước sức mạnh của thiên nhiên, con người luôn là nhỏ bé.

Theo PHÚC LONG (TTO)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh