Papua New Guinea huyền ảo với Lễ hội mừng độc lập

11:07, 09/07/2018

'Goroka show' - lễ hội mừng độc lập có một không hai trên thế giới, hơn 100 bộ lạc đủ sắc tộc từ mọi miền tụ tập về Goroka- thủ phủ cao nguyên phía đông Papua New Guinea.

'Goroka show' - lễ hội mừng độc lập có một không hai trên thế giới, hơn 100 bộ lạc đủ sắc tộc từ mọi miền tụ tập về Goroka- thủ phủ cao nguyên phía đông Papua New Guinea.

Lễ hội Goroka show

Không hổ danh quốc gia đa văn hóa nhất địa cầu, trên 850 ngôn ngữ từ hàng ngàn dân tộc bắt nguồn cho hằng hà sa số nền nghệ thuật, âm nhạc, kiến trúc...lạ lùng.

Đoàn du khách chúng tôi hoa cả mắt trước nghìn người đông nghịt, màu sắc rực rỡ, điểm trang thiên biến vạn hóa.

Nhóm bôi bùn trắng toát khắp thân, đầu chụp kín mít mặt nạ bằng đất nung chỉ chừa mắt miệng, mỗi mặt nạ là một nét quỷ sứ, thần đất, thần nước... khác hoàn toàn nhau, trông vừa đáng sợ vừa hấp dẫn.

Rừng rừng đỏ xanh vàng tím, không biết được gương mặt thật ai là ai vì người nào cũng dùng sơn, phấn vẽ đầy hoa văn, trạm trổ trên mặt, trán, má, môi.

Mỗi bộ lạc có một khuôn mặt tô trét khác nhau, bộ lạc thì vẽ má với hai gạch vàng, đầu gắn hai cánh chim vàng chói lọi, sóng mũi lằng nhằng uốn éo dăm nét vàng luôn, cổ đeo lớp lớp vỏ sò to đùng, ngực trần, bụng quấn khố cỏ khô lủng lẳng cành lá lòe xòe.

 

Trang điểm thiên biến vạn hóa... tại Lễ hội Goroka show
Trang điểm thiên biến vạn hóa... tại Lễ hội Goroka show

Các chiến binh gõ nhịp giáo xuống đất của bộ lạc kia thật oai hùng với mũ vải đỏ cắm đầy lông chim cao vút hơn một mét, khắp người hừng hực nhựa cây đỏ hoe.

Quân lính Huli kiêu hãnh ngẩn cao các bộ tóc giả được kết bằng chính tóc của họ thành hình cặp sừng đen nhánh làm nổi bật mấy lông két mỹ miều cắm trên đó, lủng lẵng cọng tre đâm thủng giữa mũi, mặt sơn vàng khè.Nét sơn vẽ trên mặt hay màu sắc thoa lên người biểu hiện niềm tự hào, đặc trưng của từng bộ lạc. 

Lông chim sặc sở phất phới tràn lan, lá cọ, dừa, rơm khô, xơ mướp, vỏ sò, xương thú lủng lẵng quanh ngực, mông tạo nên vạn kiểu áo quần nguyên sơ vui nhộn.Rờn rợn nhưng gây tò mò nhất là các lỗ mũi được xiên qua bằng cành cây nhọn hoắt. 

Tục xỏ xuyên lỗ mũi phổ biến khắp các bộ lạc hoang dã ở Papua, nó tỏ cho mọi người biết khí phách anh hùng của một thanh niên trưởng thành.
 

Tùy thứ bậc, già trẻ mà vật xuyên qua mũi khác nhau, lúc là một khoen đồng, vàng, bạc, mảnh sò, vòng ngà, nhưng nhiều nhất là cây tre, lông chim "King of Saxony" kết lòe loẹt.

Vang lừng muôn khúc nhạc hoang dã hòa chung bập bùng tiếng trống Kundu, loại trống eo thon chính giữa được làm bằng bất cứ cây gỗ nào mà có thể khoét rỗng ruột được ở cao nguyên Papua.

Chợ Papua
Chợ Papua

 

Hội Goroka
Hội Goroka

Rậm rịt rồng rắn hết tốp này tới tốp khác uốn éo, dậm chân, múa may, vươn cung, khoe giáo... Ngắm hoài ngắm mãi vẫn chưa hết những vũ điệu thiên nhiên sơ khai hồn nhiên khi hùng tráng khi uyển chuyển... lâu lâu đệm thêm vài tiếng hú, hét reo hò.

Hơn 80% dân số Papua vẫn sống đời hoang dã, thậm chí có bộ lạc còn cách ly hẳn với nền văn minh hiện đại. Ẩn khuất dưới tán lá rậm rạp ẩm ướt quanh năm là sự di chuyển không ngừng của những đoàn du mục, nay cắm lều chỗ này mai dời sang nơi khác.

Nhiều tộc thiểu số kỳ lạ như bộ lạc Korowai Batu thích làm nhà trên cây, cứ 3 năm lại đổi nhà một lần.

Theo Kassam Pass Highway chúng tôi thám hiểm vùng cao nguyên Papua huyền bí. Rải rác trong các lùm cây vài ngôi nhà hoàn toàn bằng lá mái tròn, dân chúng khá nghèo, chủ yếu lấy bột cây cọ, khoai mì, khoai lang, ngô... làm thức ăn.

Chứng kiến một gia đình đẵn cọ, mài ruột rồi bọc trong lá treo lên ép lấy bột làm bánh, du khách mới thấm thía và thấy ngon hơn khi thưởng thức bánh tráng bột cọ cuốn thịt heo rừng nướng.

Các em bé Papua New Guinea
Các em bé Papua New Guinea

 

Tộc người IHuli-Wigmen
Tộc người IHuli-Wigmen

Heo vùng này đúng nghĩa heo rừng vì đen thủi đen thui, thả rong ngoài bụi tự kiếm ăn nên thịt thơm, chắc nịt, ít mỡ.

Lửa được quý trọng nhất vì đôi làng còn đánh lửa bằng cách xoay tít cây tre nhọn trên đám bùi nhùi cũng bằng dăm bào tre cho tới khi ngọn lửa bùng lên thì thôi.

Bánh khoai mì, dứa rừng mọng nước, ngọt lịm được đem ra đãi khách nồng hậu. Nhiều con thác be bé chảy róc rách trong các rãnh núi gây thú vị bất ngờ khi lữ khách phương xa có thể trầm mình giữa dòng mát rượi trong veo.

Hoặc bắt chước dân địa phương trượt cái ùm từ đỉnh thác xuống phấn khích vô cùng, mấy chú cá nhỏ xíu dạn dĩ dám bu quanh chân tay.

Chèo thuyền độc mộc dọc sông Asaro vừa ngắm rừng cây, núi thẳm hai bên sông vừa thả câu thú vị còn gặp tượng gỗ điêu khắc chim, thú, thần linh của dân chúng thờ dọc bờ sông.

Đất núi lửa đen mun phì nhiêu khiến rẫy cà phê, ca cao, dừa mượt mà trải rộng ngút ngàn. Càng du khảo sâu cao nguyên Papua càng ngược về cội nguồn cổ xưa.

Âm thanh duy nhất vang động là tiếng lá rơi, nước chảy róc rách, tiếng nói cười của trẻ con, người lớn ở trần đóng khố chẳng mảnh vải trên thân đùa giỡn vô tư.

Vũ khúc hoa Papua New Guinea
Vũ khúc hoa Papua New Guinea

 

Thuyền độc mộc
Thuyền độc mộc

Ánh lửa phun trăm tia hồng đêm khuya sôi động những màn nhảy lửa hồi hộp. Khi lửa tàn ngọn cũng là lúc chú heo lùi tro chín tới bay mùi sực nức mũi, nước ngọt chảy ròng ròng tỏa đủ thứ hương lá rừng nhồi trong bụng làm cồn cào bao tử.

Tới Tari, Mount Hagen lữ khách đôi lúc được chiêm ngưỡng tuyệt tác của tạo hóa, báu vật vô song được in trên cờ Papua-Tân Ghi nê, chim thiên đường.

Ảo ảnh hay một giấc mơ, phải gọi như thế, lông vũ thướt tha xòe dài cam lóng lánh, đầu vàng óng ả mỹ miều, khi dang cánh tung mình hệt hào quang muôn màu sắc.

Chim thiên đường
Chim thiên đường

 

 

Chim thiên đường đang dụ chim mái Jaya
Chim thiên đường đang dụ chim mái Jaya

Hơn 38 loài chim thiên đường sinh sống ở Papua, trong đó loài Paradisaea apoda raggiana và Lesser Bird đẹp nhất, đủ thứ màu sắc huyền diệu. Phải chăng đây chính là loài chim phượng hoàng huyền thoại ? Được ngắm chim thật lộng lẫy mê hồn còn hơn trong truyện cổ tích nhiều. Muốn xem đầy đủ tất cả chim rừng Papua phải mất ít nhất 3 tuần lễ vòng khắp các cao nguyên từ đông sang tây.

GHI NHỚ:

1 - Nếu chọn đúng địa điểm khởi hành thì du lịch tới Papua New Guinea vừa rẻ vừa ít tốn thời gian.

Thời gian hoàn toàn khác nhau: Từ New Zealand tới Papua New Guinea (PNG) mất 5 giờ. Từ Sydney bay qua PNG khoảng 4 giờ, và từ Brisbane là 3 giờ nhưng xuất phát từ Cairns Region, Queensland, Australia chỉ có 2 giờ.

2 - Đồ ăn của dân địa phương vì khác phong thổ dễ làm đau bụng những ai yếu. Vì vậy chỉ nên dùng đồ biển luộc chín, trái cây tươi, đồ ăn nóng.

3 - Mỗi dân tộc có phong tục khác nhau. Các bộ lạc nhiều kiêng kỵ vì vậy thấy dân địa phương làm gì mình làm y như vậy. Đừng khác lạ mà nhiều khi làm mất lòng họ.

4 - Không đi vô rừng về đêm và dưới 10 người mà không có hướng dẫn viên địa phương.

5 - Nên đem theo đồ ăn khô và nước uống đóng chai nếu bạn thuộc loại khó ăn.

Theo TTO

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh