Bao năm nay bài thơ "Một thế kỷ, mấy vần thơ" (được in lần đầu vào năm 1956 tại Sài Gòn) là một trường ca mà Truy Phong- người con Vũng Liêm- Vĩnh Long- Nam Bộ- đã thay mặt người dân Việt Nam trong chiến thắng hào hùng và đầy nhân đạo tiễn chân đội quân viễn chinh Pháp để kỷ niệm hơn 100 năm nước Việt đau khổ, bất khuất vùng lên, để giành lấy tự do.
Bao năm nay bài thơ “Một thế kỷ, mấy vần thơ” (được in lần đầu vào năm 1956 tại Sài Gòn) là một trường ca mà Truy Phong- người con Vũng Liêm- Vĩnh Long- Nam Bộ- đã thay mặt người dân Việt Nam trong chiến thắng hào hùng và đầy nhân đạo tiễn chân đội quân viễn chinh Pháp để kỷ niệm hơn 100 năm nước Việt đau khổ, bất khuất vùng lên, để giành lấy tự do.
Nhà thơ Truy Phong lúc còn là nhà giáo trẻ tại quê nhà Vĩnh Long. |
Khi nhà thơ chưa mất, 13 năm trước, cùng với các bác, các cô chú trong CLB Kháng chiến TP Hồ Chí Minh về quê hương của nhà thơ Truy Phong, thăm nhà thơ lúc ông đã gần 80, sức khỏe đang yếu.
Ra giữa dải cù lao Dài (Vũng Liêm)- nơi mênh mông dòng sông Tiền mà ông cư ngụ- mới biết vì sao ông lấy bút hiệu Truy Phong.
Khi còn sống, ông cho hay, tên thật ông là Dương Tấn Huấn, sinh tháng 10/1925, quê làng Thạnh Phú (Vũng Liêm).
Bút hiệu Truy Phong có nghĩa là tìm (truy) cái đẹp, phẩm cách (phong). Quê hương ông là một ốc đảo- một cù lao dài trải dài giữa bốn bề sông nước dòng sông Tiền.
Cách chợ xa thành, trên đất cù lao Dài lộng gió giữa sông Tiền mênh mông là miền quê đầy màu xanh cây trái.
Thuở nhỏ, do nhà nghèo nên ông ngồi ghế nhà trường rất ít. Ông chỉ học hết bậc sơ học và tiểu học (1934-1939) tại trường quận ở huyện Càng Long (Trà Vinh).
Lớn lên, kiến thức ông được mở rộng nhờ từng trải trong cuộc sống, tiếp xúc với bạn bè và… ra đi kháng chiến, được đồng đội dạy bảo học chữ thêm.
Đáng nói hơn hết, như lần các bạn tù kháng chiến về thăm ông, khi ông chưa ngã bệnh, ông đã cho các bạn tù trong CLB Hội Kháng chiến TP Hồ Chí Minh biết, là ông mày mò tự học là chính, chứ nhà nghèo thì lấy đâu ra tiền mà đi học ở trường Tây.
Năm 16 tuổi, ông đã biết làm thơ, chơi hát bội và hát cải lương với bọn trẻ trong làng. Vai diễn thích nhất là Tạ Ôn Đình và cũng vào tuổi ấy ông đã biết đờn tranh, đờn được bản vọng cổ.
Năm 20 tuổi (1945), ông tham gia kháng chiến chống Pháp tại Vĩnh Long. Vừa đánh giặc, vừa sáng tác. Năm 1945, ông được giải nhì về văn của Phòng Chính trị Quân khu 9 với tập “Mấy phóng sự về kháng chiến”.
Năm 1948, ông được 2 giải thưởng: giải nhất về thơ của Phòng Chính trị Quân khu 9 với tập thơ “Dân quê kháng chiến” và giải nhất về cuộc thi thơ của Viện Văn hóa kháng chiến- bấy giờ do Hoàng Xuân Nhị làm Viện trưởng- với tập thơ “Lòng quê” (sau sửa lại là “Tấm lòng quê”) đăng trong “Một thế kỷ, mấy vần thơ” của tác giả.
Lúc đó, nhà thơ Nguyễn Bính đạt giải nhì với tập thơ “Sóng biển cỏ”.
Ngoài ra, Tiểu ban Văn nghệ Quân khu 9 cũng đã in nhiều tập thơ khác của ông, phần đông là những tác phẩm có nội dung tuyên truyền về công tác địch vận.
Năm 1953, ông trở ra thành, dạy Trường Tiểu học tư thục của Nguyễn Văn Chưởng ở Trà Vinh, rồi Trường Tư thục Thánh Gioan (1954), lại trở về Trường Trung học bán công Nguyễn Thông- Vĩnh Long (1963) và đến năm 1973, khi sức khỏe yếu thì ông nghỉ dạy học, về làng ở ấp Thanh Lương (xã Quới Thiện).
Ông mất ngày 8/5/2005 tại quê nhà- giữa cù lao Dài bốn bề lộng gió sông Tiền.
Trước năm 1954, trong thời gian về thành, ông lại sống bằng nghề dạy học và thường xuyên liên kết với các nhà văn Sơn Nam, Kiên Giang, Mặc Khải,… hoạt động tuyên truyền trên mặt trận văn hóa- văn nghệ chống địch tại Quân khu 9.
Trong thời gian chống Mỹ, thơ Truy Phong đăng trên nhiều tờ báo ở Sài Gòn như Tiến thủ, Mã thượng, Bông lúa, Thần chung, Chánh đạo, Tin văn, Tin sáng, Điện tín, Dân chủ mới, Đồng bào, Chân trời,…
Mỗi bài thơ của Truy Phong đều mang nặng tình dân tộc và cổ vũ tinh thần yêu nước, trong đó, bài thơ nổi tiếng nhất của ông là “Một thế kỷ, mấy vần thơ”.
Bài thơ này được đăng lần đầu trên tuần báo Tiến thủ (1956), rồi sau đó được đăng lại trên tuần báo Mã thượng (1960) và tiếp theo đăng trên nhiều báo khác ở Sài Gòn.
Lúc bấy giờ, bài thơ chẳng những được nhắc nhiều trên dư luận báo chí như là một bài thơ hay, một bài thơ hào hùng, đánh dấu cáo chung một giai đoạn thực dân thống trị trên đất nước ta, mà bài thơ còn phổ biến sâu rộng trong giới học sinh, sinh viên, trí thức và cả các nhà tù của chính quyền Sài Gòn ở miền Nam.
Nhiều người đã thuộc lòng bài thơ mang đầy tính lịch sử này.
Truy Phong còn nhiều bài thơ xuất sắc in trong các tập thơ của ông đã xuất bản: “Một thế kỷ, mấy vần thơ” (1970), “Thái bình trả lại” (1971), “Mặt trời lên” (1975).
Tâm hồn thơ của Truy Phong là tâm hồn đầy nhân ái, đôn hậu, thủy chung và hào phóng đến “hết mình” của người dân Nam Bộ.
“Một thế kỷ, mấy vần thơ” được tuần báo “Tiến Thủ” ra ngày 27/4/1956 là tờ “giấy khai sinh đặc biệt” cho bài thơ ra mắt bạn đọc.
Tác giả có lần kể: “Trong nhóm Văn nghệ kháng chiến Khu 8 thời 9 năm, có người đi tập kết như nhà thơ Nguyễn Bính, có người ở lại hoạt động hợp pháp như nhà thơ Kiên Giang, nhà văn Sơn Nam,… Tôi về dạy học ở Trà Vinh…
Viết xong bài “Một thế kỷ- Mấy vần thơ”, tôi nhờ em Điệp- một nữ sinh tin cẩn- có cha chạy xe đò Trà Vinh- Sài Gòn, mang trao tận Tòa soạn báo Tiến Thủ, một tờ báo tiến bộ ở Sài Gòn lúc ấy. Nếu ở Sài Gòn, tôi sẽ ký tên thật hoặc bút hiệu quen thuộc. Lỡ có sao, anh em mình ở đó đông hơn.
Nhưng ở tỉnh lẻ Trà Vinh, tác giả có thể bị thủ tiêu một cách lặng lẽ”. Lần đầu tiên báo Tiến thủ đăng bài thơ “Một thế kỷ, mấy vần thơ” với tên tác giả ký tắt T.P., trên trang nhất với cái “tít” màu đỏ thật lớn chạy suốt chiều ngang tờ báo khổ rộng, lối trình bày này như một thách thức làm “xốn mắt” chính quyền lúc bấy giờ.
Báo vừa phát hành thì hàng chục cú điện thoại gọi tới tra hỏi, hăm dọa đủ điều, kết quả là báo bị tịch thu sạch sành sanh, chính quyền Sài Gòn mướn đám lưu manh hùng hổ bao vây, đập phá tòa soạn, đi tìm để “mần thịt” chủ nhiệm báo Lê Văn Thử, may sao ông nhanh trí chạy sang tòa Đại sứ quán Anh quốc gần đó (đường Lê Duẩn ngày nay) lánh nạn.
Bài thơ “Một thế kỷ, mấy vần thơ” được nhiều người dân Nam Bộ nhớ sau khi được đăng trên tuần báo Tiến thủ (1956) tại Sài Gòn, đăng lại trên tuần báo Mã thượng (1960) và trên nhiều báo khác ở Sài Gòn.
Lúc bấy giờ, bài thơ chẳng những được dư luận báo chí cho là một bài thơ hay, một bài thơ hào hùng, đánh dấu sự cáo chung một giai đoạn thực dân thống trị trên đất nước ta, mà bài thơ còn được phổ biến sâu rộng trong giới học sinh, sinh viên, trí thức và cả các nhà tù của chính quyền Sài Gòn ở miền Nam.
Tại nhà tù Côn Đảo hay các phong trào đấu tranh của sinh viên, học sinh Sài Gòn thời ấy, nhiều học sinh- sinh viên đều thuộc lòng bài thơ mang tính lịch sử này- TS. Trương Minh Nhựt- nguyên Vụ trưởng, Trưởng Cơ quan đại diện phía Nam của Ban Tuyên giáo Trung ương- cho biết.
“Một thế kỷ, mấy vần thơ” là một bản trường ca mang đầy âm hưởng của chiến thắng, mà cũng đầy lòng khoan dung như cha ông ta tự ngàn năm trước đã làm. Ta hãy nghe nhà thơ Truy Phong, thay mặt bà con người Việt Nam tâm sự:
… Bao năm khói lửa
Ta hiểu nhau rồi!
Cái gì bạo ngược là phi nghĩa
Là trái lòng dân, nghịch ý trời…
Sắt thép tinh ròng, binh tướng dữ
Không sao thắng được trái tim người!
Anh về là phải anh ơi!
Về bây giờ để còn đời nhớ anh
Những cái gì tôi hận
Những cái gì tôi khinh
Trăm năm chuyện cũ thôi mình bỏ qua…
Thật lạ là con người Việt Nam ta như thế, dù kẻ thù bỏ bom, đạn... gây chết chóc song khi họ thua rồi thì với nhân nghĩa “đánh kẻ chạy đi, ai đánh kẻ chạy lại”, lại triết lý: “Trăm năm chuyện cũ thôi mình bỏ qua…”
Và Truy Phong cũng thay mặt người dân Việt Nam khẳng định rằng là người Việt Nam thì phải nhớ:
“Việt Nam, nước của tôi
Già như trẻ
Gái như trai
Chết thì chịu chết
Không cúi lòn ai!
Tham lam ai muốn vô xâm chiếm
Thì giặc vào đây, chết ở đây!”
Rất nhiều nhà thơ ở Nam Bộ đều cho rằng “Một thế kỷ, mấy vần thơ” của Truy Phong đã nói lên tất cả sự gian khổ, hy sinh, mất mát và đầy tinh thần bất khuất, khảng khái, ý chí chiến đấu kiên cường của nhân dân ta trong kháng chiến chống thực dân Pháp và cuối cùng giành được thắng lợi vẻ vang.
Nhà thơ Kiên Giang, khi sinh thời mỗi khi về cù lao Dài thăm Truy Phong (cũng là bạn thân của Truy Phong trước năm 1975) đã cho chúng tôi hay: Khi nghe tin Truy Phong mất, anh em nghệ sĩ đất Sài Gòn buồn, nhớ mãi một khí tiết hiên ngang của đất Chín Rồng.
Nhà thơ Truy Phong là một thi sĩ với hồn thơ nồng đậm tình yêu quê hương đất nước… đã làm chấn động thi đàn năm 1956 với bài thơ “Một thế kỷ, mấy vần thơ”- một thi phẩm mang tính giá trị vượt thế kỷ.
Còn nhà văn Sơn Nam đã cảm nhận và còn làm thơ: “Bài thơ dài, sáng tác trên 14 năm qua nhưng vẫn còn đẹp, theo thiển ý của chúng tôi thì đây là một trong những bài thơ đẹp của thế kỷ XX này. Lời thơ hồn nhiên nhưng sâu đậm, giản dị nhưng không tầm thường.
Lại còn thái độ bao dung, ôn hòa của thi sĩ, chỉ đứng vào tư thế một người dân, một công dân. Yêu nước, chống ngoại xâm không phải là độc quyền của nhà cách mạng, nhưng là vấn đề công dân giáo dục.
Người khó tánh sẽ cho rằng thi sĩ nói chưa đúng mức nỗi căm hờn 80 năm, nhưng đây là đợt sóng nhỏ của biển Đông yên lặng khi mặt trời mọc”...
Dân tộc ta vốn từ xưa đã có truyền thống và được nhân dân thế giới, kể cả kẻ thù cũng phải kính phục ở chỗ “Lấy nhân nghĩa thắng hung tàn”, “Lấy chí nhân thay cường bạo” (Nguyễn Trãi), “đánh kẻ chạy đi, ai đánh kẻ chạy lại”)...
Những triết lý cao quý đó là nguồn sức mạnh từ đạo lý nhân văn cao cả của người dân Việt Nam. Và tuy vậy, dân tộc ta luôn sẵn sàng nhìn đời, nhìn người, kể cả nhìn ngoại xâm… để tìm ra những cách đối phó hay nhất, nhằm đập tan mọi âm mưu phá hoại và xâm lăng, nhưng cũng sẵn sàng thiện chí hữu nghị, giao hảo bình đẳng với mọi dân tộc trên thế giới.
Xưa, Nguyễn Huệ sau khi đại thắng quân nhà Thanh, đã cấp ngựa, xe cho tàn quân thua trận. Nay, đó phải chăng là tư tưởng nhân nghĩa ngàn đời người Việt Nam, của cả dân tộc Việt Nam trên sự hội nhập toàn cầu hôm nay và cả mai sau của người dân Việt Nam hòa đồng mà không bao giờ hòa tan.
PHẠM BÁ NHIỄU
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin