Được chạm vào ước mơ

05:07, 16/07/2018

Nửa đời người bôn ba sống vội vì con cái, vì cuộc mưu sinh, Kim Thanh chẳng thể quan tâm đến niềm vui của riêng mình. Cho đến khi về Vĩnh Long tìm bình yên thì cuộc bén duyên "kỳ lạ" với nghệ thuật được nghệ nhân đờn ca tài tử, nhà thơ Kim Thanh ví như "được chạm vào ước mơ tiếp thêm nghị lực sống".

Nửa đời người bôn ba sống vội vì con cái, vì cuộc mưu sinh, Kim Thanh chẳng thể quan tâm đến niềm vui của riêng mình. Cho đến khi về Vĩnh Long tìm bình yên thì cuộc bén duyên “kỳ lạ” với nghệ thuật được nghệ nhân đờn ca tài tử, nhà thơ Kim Thanh ví như “được chạm vào ước mơ tiếp thêm nghị lực sống”.

Ở tuổi 50, cô Kim Thanh vẫn sáng tác đều đặn.
Ở tuổi 50, cô Kim Thanh vẫn sáng tác đều đặn.

Cô Trần Thị Kim Thanh sinh năm 1960 tại Tân Trụ (Long An). Lên 4 tuổi, Kim Thanh mồ côi mẹ vì bom đạn của địch.

Khi mọi người tản cư về chợ sống, trong vùng giải phóng “đám lá tối trời”, chị họ của cô vẫn bám trụ lại mảnh đất quê, cưu mang cô và nuôi chứa bộ đội.

Trưởng thành từ tình thương của chị, chứng kiến khói lửa chiến tranh, những năm tháng sống, cùng ăn, cùng học với bộ đội đã tạo nên một Kim Thanh gan góc, sôi sục tình yêu quê hương.

Khi tròn 16 tuổi, Kim Thanh về TP Tân An, tham gia công tác đoàn ở Liên hiệp công đoàn Quận 8. Đến năm 1980, cô đến Cà Mau dạy chữ cho các em ở trường làng thuộc huyện Cái Nước.

Cô lấy chồng là người địa phương, cùng trồng trọt, chăn nuôi, xây tổ ấm trên vùng đất cuối trời của Tổ quốc.

Hạnh phúc gia đình không viên mãn, năm 2000, Kim Thanh cùng 3 đứa con thơ lên TP Hồ Chí Minh. Để nuôi các con, cô bươn chải làm công nhân, rồi buôn bán đắp đổi qua ngày.

Những “đứa con tinh thần” được cô Kim Thanh lưu giữ.
Những “đứa con tinh thần” được cô Kim Thanh lưu giữ.

Ở tuổi 50, trải qua bao thăng trầm, khi con cái ổn định, Kim Thanh “thật sự trăn trở về quãng đời còn lại” và quyết định tìm bình yên ở Vĩnh Long- quê hương của một người thân.

Và cuộc gặp gỡ với thầy đờn Nguyễn Văn Thu là bước ngoặt lớn đối với Kim Thanh. Từ khi chưa biết gì về cung đàn, phím nhạc, Kim Thanh kiên trì theo thầy học sáng tác, học hát, thường xuyên trau dồi, rèn luyện ở CLB Đờn ca tài tử đình Long Thanh.

Những bài vọng cổ, bài thơ và những vở kịch của Kim Thanh thường viết về đề tài quê hương đất nước, biển đảo, nông thôn đổi mới.

Trưởng thành bên dòng sông Tiền, sông Hậu hiền hòa, cũng từng tảo tần sớm hôm vì cuộc mưu sinh, Kim Thanh viết về dòng sông quê, nói về giới cần lao nhẹ nhàng, kín đáo, nhưng lại chạm vào cảm xúc bởi khả năng nắm bắt khoảnh khắc, chi tiết và góc nhìn của một tâm hồn nhạy cảm.

Kim Thanh cho biết, điều đặc biệt của một người cầm bút ở tuổi 50 là “dùng sự hồn nhiên, vô tư của cây bút “trẻ” để viết về trải nghiệm của người… không còn trẻ”.

Tác phẩm đã in của Kim Thanh: tuyển tập lời mới vọng cổ “Khúc tình ca quê mới”, “Hương thề tóc em”; tập thơ “Đợi bóng trăng tròn”, “Nửa mùa thu chưa quên”. Kim Thanh nhận 2 giải ba về sáng tác lời mới 20 bản Tổ nhạc tài tử Nam Bộ trong Festival Đờn ca tài tử quốc gia lần II, nhiều giấy khen của Hội Văn học- Nghệ thuật tỉnh về thành tích trong các phong trào văn học nghệ thuật.

Là cây bút đều đặn có nhiều sáng tác xuất hiện trên các tạp chí, báo văn nghệ, Kim Thanh chia sẻ: “Cầm bút để được bung tỏa đầu óc. Mỗi năm tôi lại được tiếp thêm sức mạnh tinh thần, nghị lực.

Càng cầm bút, càng yêu, càng thấy sung sướng. Hạnh phúc khi cầm bút không gì so sánh được nên phải “ăn gian” cả giờ ăn, giấc ngủ để sáng tác”.

Cô Kim Thanh kể: bén duyên với nghệ thuật rất muộn nên cô gặp không ít khó khăn, đôi lúc muốn bỏ cuộc nhưng lại tiếp tục kiên trì nhờ sự giúp đỡ và an ủi chân tình của những người đi trước.

Người tặng cô bài hát, người dúi cho tập thơ nên “Chiếc lá hôm nay phát sáng/ Đằng sau nó thấm đẫm màu hồng/ Trang sách mới đầy những niềm tin” (Trích bài thơ “Phía sau chiếc lá”).

Kim Thanh nói đờn ca tài tử được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể, trở thành động lực, niềm tự hào cho những người theo đuổi bộ môn này.

Tuy nhiên, nếu không xét toàn diện các giá trị truyền thống và hiện đại để xây dựng các giá trị mới phù hợp với yêu cầu của công chúng, thì e rằng sức hút của nó sẽ kém đi.

Cần tạo sân chơi, khích lệ để giới trẻ hướng về loại hình nghệ thuật này, dùng sức trẻ giữ gìn và phát huy nét đẹp văn hóa của dân tộc.

Thời gian tới, Kim Thanh cùng tác giả Hồng Bảo sẽ xuất bản tuyển tập 20 bài bản Tổ và duy trì thường xuyên sinh hoạt CLB, sẻ chia niềm đam mê cùng những người trẻ thích đờn ca tài tử.

Lẩn khuất đâu đó trong những trớ trêu, nghịch cảnh là ước mơ còn dang dở. Qua nửa đời người, Kim Thanh mới tìm thấy nó.

Những suy tư, vui buồn, trăn trở của nửa đời người nhẹ nhàng, mềm mại, tung tẩy đi từ những cánh đồng màu mỡ, qua con sông có lục bình tím êm trôi đến một xóm nhỏ nào đó và cái đích cuối cùng luôn lấp lánh niềm vui sống và tình cảm dành cho mảnh đất quê hương…

Theo ông Trần Thanh Sơn- Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Vĩnh Long: Kim Thanh gắn bó với văn nghệ Vĩnh Long chưa lâu nhưng điều đáng quý của cô là niềm đam mê cháy bỏng và chịu khó học hỏi, vươn lên. Cô tích cực tham gia các hoạt động, đi đâu cũng sẵn sàng dù là đi xuống xã vùng sâu vùng xa, ở lại đó để sáng tác.

Bài, ảnh: PHƯƠNG THÚY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh