Một thời xem phim ở sân bãi

01:07, 17/07/2018

Thời bao cấp, không có nhiều loại hình giải trí như bây giờ. Hằng đêm, ngoài việc đi xem ti-vi "ké" nhà hàng xóm, bọn trẻ xóm tôi thường đi xem phim màn ảnh rộng.

Thời bao cấp, không có nhiều loại hình giải trí như bây giờ. Hằng đêm, ngoài việc đi xem ti-vi “ké” nhà hàng xóm, bọn trẻ xóm tôi thường đi xem phim màn ảnh rộng.

Phim màn ảnh rộng hồi đó do các đội chiếu bóng lưu động quốc doanh phụ trách (thời kỳ này tỉnh Minh Hải có đến 16 đội chiếu phim lưu động).

Những đội chiếu bóng này phục vụ miễn phí cho thương binh, bộ đội và quần chúng tại bệnh xá, doanh trại quân đội hoặc các khu đất trống vào tối thứ Bảy, Chủ nhật.

Những sân bãi ở thị xã Cà Mau lúc đó các đội chiếu bóng thường đến phục vụ là sân Bệnh xá Tỉnh đội (Sở Tài chính ngày nay), Tỉnh đội (UBND tỉnh), sân Bưu điện (Trung tâm Văn hoá Hùng vương), sân Kim Thanh (Nhà thi đấu Kim Thanh), sân vận động (Trung tâm Mua sắm Nguyễn Kim)...

Minh hoạ: MT
Minh hoạ: MT

Mặc dù nhiều sân bãi như vậy, nhưng hễ chỗ nào có đội chiếu bóng đến phục vụ là bọn tôi biết ngay, vì chiều thứ Bảy, Chủ nhật nào cũng chia nhau ra đi lùng sục từng sân bãi, sau đó về thông báo cho nhau.

Hôm nào có chiếu phim thì khoảng 4-5 giờ chiều đội chiếu bóng đã có mặt để chuẩn bị, lắp ráp máy móc, dựng màn ảnh.

Lúc đó, chúng tôi thập thò mon men đến đoàn phim để khai thác vài thông tin về bộ phim chiếu tối hôm đó, hay nuôi hy vọng kiếm được vài đoạn phim đứt để về lấy le với chúng bạn, như sở hữu một bảo bối.

Đoạn phim ấy soi lên ánh đèn sẽ thấy đủ các hình ảnh, tha hồ mà tưởng tượng.

Sau khi lắp ráp máy móc xong, đội chiếu bóng bắt đầu cổ động. Tôi còn nhớ như in lời cổ động của các đội chiếu bóng thời đó: "Đồng bào, đồng chí và các bạn thân mến!

Vào lúc 19 giờ tối đêm nay, tại sân bãi Bưu điện Phường 5, thị xã Cà Mau, Đội Chiếu bóng lưu động số 16 chúng tôi sẽ trình chiếu phục vụ bộ phim khoa học viễn tưởng màu, màn ảnh rộng do Liên Xô sản xuất được mang tên Người cá.

Mời đồng bào, đồng chí và các bạn tranh thủ đến xem và cổ vũ cho nhiều người cùng đến xem”. Cứ thế, lâu lâu người ta đọc lại một lần cổ động cho đến khi buổi chiếu phim bắt đầu.

Phim màn ảnh rộng thời kỳ cuối những năm 70, đầu những năm 80 chủ yếu là phim của các nước xã hội chủ nghĩa sản xuất như: Liên Xô, Cộng hoà dân chủ Đức, Tiệp Khắc… gồm nhiều thể loại chiến tranh, thần thoại, tình cảm…

Có những phim mà cho đến bây giờ thế hệ chúng tôi vẫn nhớ mãi, như phim: Phong toả, Mặt trời trắng trên sa mạc, Sư trưởng Chapayev, Những đứa con của gấu mẹ vĩ đại, Aladin và cây đèn thần, Người cá, Ruslan và Ludmila…

Còn nhớ, Người cá - bộ phim nổi tiếng của Liên Xô thời bấy giờ, sau khi chiếu, được rất nhiều người ưa thích và sau đã có bài nhạc chế theo giai điệu bản nhạc

"Tình đất đỏ miền Đông" của Nhạc sĩ Trần Long Ẩn, mà bọn trẻ chúng tôi đi đâu cũng nghêu ngao. Bài nhạc chế có đoạn:

"Trong lúc bơi tình cờ tôi bắt gặp, cô em gái nhỏ nằm chìm cả thân mình, bị đàn cá vây quanh nàng nằm yên bất tĩnh. Tôi liền đưa nàng lên chiếc ớ ơ... chiếc xuồng con.

Đây chiếc nơ em làm rơi đáy biển, anh giữ lấy làm kỷ niệm ban đầu. Hình dáng em yêu chập chờn trong trí nhớ. Anh mơ cùng nàng bơi khắp ớ ơ... dưới đại dương.

Người cá ơi, anh yêu nàng mãi mãi, dù nàng có đi xa, anh vẫn cứ đợi chờ. Dù nàng có đi xa, anh vẫn đợi nàng ơi".

Cùng thời điểm này, phim Việt Nam có Cô Nhíp, Mối tình đầu, Cánh đồng hoang, Mùa gió chướng… Có một kỷ niệm mà tôi nhớ mãi là lần xem phim Mùa gió chướng tại sân của Công ty Thuỷ sản Cà Mau (sau này là Công ty Camimex), hiện nay là dãy nhà ngay chợ Nông sản Phường 7.

Phim đang chiếu, mọi người ai cũng chăm chú xem. Đến đoạn Đại uý Long chôn sống ông Tám Quyện, cả sân bãi im phăng phắt.

Bỗng nhiên có tiếng súng nổ đùng sát bên tai. Hoảng hồn, hoảng vía kẻ bò, người chạy, hoảng loạn chưa từng có.

Lúc đó tôi sợ quá, không chạy kịp nên bò vô gầm chiếc xe tải nằm ém ở đó, chờ đến khi vãn hồi mới chui ra. Hồi sau mới được biết, đêm đó có mấy ông cán bộ vừa nhậu vừa xem phim.

Thấy cảnh Đại uý Long chôn sống ông Tám Quyện, căm phẫn nên rút súng bắn chỉ thiên. Hú hồn một đêm xem phim thừa chết thiếu sống.

 Cũng xem phim Cánh đồng hoang cả một thời gian sau đó, con nít xóm tôi dùng câu nói của một bà lão trong phim nói với đứa cháu khi ông Tám Quyện đã bị chôn sống: “Lạy ông Tám đi rồi về con”.  Khi đứa nào làm chuyện gì đó không hay là có đứa nói: “Coi chừng lạy ông Tám bây giờ”.

Tới bây giờ tôi cũng không hiểu sao lại làm sai là bị nói như vậy? Xem phim chiến đấu của Liên Xô chúng tôi gọi Hồng quân Liên Xô là bọn mình, là phe ta, gọi lính Đức là bọn nó. Giờ nghĩ lại thấy vẫn còn vui.

Xem phim màn ảnh rộng ngoài sân bãi có cái thú là nhiều người xem đông vui, trời thanh gió mát, không nóng nực như trong rạp, việc giải quyết “sự khó khăn” cũng thoải mái, cứ bước ra vài bước là vô tư sinh thái luôn.

Xem phim bãi có cái vui cũng có cái khổ. Khổ nhất là đang xem phim hay mà gặp trời mưa. Sấm chớp đùng đùng mà phim thì đang đoạn gay cấn, không nỡ bỏ về. Ai đoán được thời tiết thì cầm sẵn áo mưa từ nhà, lúc này giơ lên che đầu để ngồi xem tiếp.

Người nọ chui nhờ mảnh áo mưa của người kia, cố gắng cầm cự xem cho hết phim. Xem xong ai cũng ướt như chuột lột. 

Các đội chiếu bóng lưu động chiếu phục vụ miễn phí tại các sân bãi kéo dài đến khoảng nửa đầu những năm 80 thì không còn chiếu nữa.

Những phim thời kỳ này không thể so với phim bây giờ, nhưng qua những bộ phim đó, đã cho thế hệ chúng tôi một sức sống tràn đầy nhiệt huyết, với những hoài bão, ước muốn cao đẹp trong cuộc sống, khi tất cả đều đang độ tuổi trưởng thành./.

Theo Báo Cà Mau

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh