Dưa năn - món ăn dân dã

11:07, 09/07/2018

Quê tôi là vùng phèn trũng, mỗi năm chỉ làm được một vụ lúa mùa và hoàn toàn phụ thuộc vào nước trời, vì vậy mùa màng cũng trúng, thất bất thường. 

Quê tôi là vùng phèn trũng, mỗi năm chỉ làm được một vụ lúa mùa và hoàn toàn phụ thuộc vào nước trời, vì vậy mùa màng cũng trúng, thất bất thường.

Ba tôi có thêm nghề phụ là sửa chữa xuồng ghe cũ, còn má tôi thì làm dưa năn bán kiếm thêm tiền lo cho mấy chị em tôi có đủ hai bữa cơm no. 

Năn mọc ở đất phèn, trên cạn là năn chỉ, cọng nhỏ, còn năng bộp cọng to mọc theo bờ kinh, mương nội đồng nơi có mực nước sâu hơn.

Năn dễ nhổ hơn bồn bồn nhưng rất nhọc công để có được phần nõn của nó. Má tôi ngâm mình dưới nước vài tiếng đồng hồ mới nhổ đầy xuồng năn, đem vô nhà mấy chị em tôi xúm lại tước sạch, rửa rồi để ráo nước, má tôi đánh sẵn khạp nước dưa bằng nước cơm vo, muối và một chút đường.

Chuẩn bị xong má nhẹ nhàng sắp xếp từng lớp năn vào khạp. Hai ngày sau dưa đã dậy mùi chua dịu, má tôi đem khạp dưa năn xuống xuồng be tám và bơi dọc theo xóm, tiếng rao của má đã quen thuộc lắm với xứ sở này.

Đó là chuyện của mấy mươi năm về trước, còn bây giờ ít người biết đến món dưa năn dù họ ở ngay cánh đồng ngày xưa má tôi bơi xuồng nhổ năn hằng ngày.

Mấy đứa con tôi cũng vậy, khi nghe tôi nhắc chuyện tước năn làm dưa nó không hình dung cọng năn như thế nào, ngày đó bà ngoại chúng chịu thương chịu khó dãi nắng dầm mưa ra sao để có được đồng tiền nhỏ nhoi từ công việc ngâm mình dưới nước nhổ năn làm dưa đem bán.

Thế hệ con tôi bây giờ thích thứ nào cứ vô siêu thị, từ thịt, cá, rau, củ cho đến hàng hoá cao cấp.

Ảnh Internet
Ảnh Internet

Năn bộp phải nấu với cá đồng hay tép rong, nếu đem nấu với thịt mỡ sẽ làm mất mùi đặc trưng của nó. Năn có thể trộn gỏi, xào, nhúng lẩu, nhưng ngon nhất vẫn là nấu với cá đồng và không nêm quá nhiều gia vị bởi bản thân cọng năn vừa ngọt, vừa thơm.

Nếu không làm dưa thì dùng làm rau ăn sống rất giòn, còn khi đã làm dưa thì đem nấu canh chua hay chấm thịt kho là đúng sách.

Từ khi vùng đất lúa trở thành xứ nuôi tôm chuyên nghiệp, cây năn cũng biến mất vì nước mặn chiếm lĩnh toàn bộ. Lâu lâu năn bộp xuất hiện ở các chợ tự sản tự tiêu, những người đem nó đi bán cũng giống như má tôi ngày xưa.

Nhìn những  thau năn héo úa khi nắng lên cao mà chưa bán hết, trên gương mặt sạm nắng của họ, nét lo lắng cũng hiện lên. Phải chăng món năn bộp chỉ dành cho người nhà quê, chốn thị thành chưa biết hoặc chưa quen dùng?

Lâu lâu chợt nhớ về vùng quê với cánh đồng xanh ngát khi lúa nở bụi, dưới mương bông súng trải những chiếc lá tròn mướt rượt, dọc bờ kinh năn bộp như hàng rào tô điểm cho “con đường” giữa ruộng, chạy ngoằn ngoèo mút tầm mắt trẻ thơ.

Nơi đó có hình ảnh chiếc nón lá nhấp nhô theo đôi tay má nhổ từng cọng năn non cho đến khi đầy chiếc xuồng nhỏ thì mái dầm mới khuấy nước, đẩy mũi xuồng hướng về phía mái lá xa xa có đàn con đang mong đợi. Ôi da diết làm sao...

Theo Báo Cà Mau

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh