Bài "Vè bóng đá" của một vị tướng

04:07, 01/07/2018

Trung tướng Vương Thừa Vũ (tên thật là Nguyễn Văn Đồi, sinh năm 1910 tại làng Vĩnh Ninh, xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội - mất năm 1980) là một vị tướng, một nhà lãnh đạo, chỉ huy có tài của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông còn nổi tiếng với tình yêu dành cho bóng đá với một bài vè bóng đá.

Trung tướng Vương Thừa Vũ (tên thật là Nguyễn Văn Đồi, sinh năm 1910 tại làng Vĩnh Ninh, xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội - mất năm 1980) là một vị tướng, một nhà lãnh đạo, chỉ huy có tài của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông còn nổi tiếng với tình yêu dành cho bóng đá với một bài vè bóng đá.

Hồi ấy, Tướng Vũ thường đến xem và chỉ đạo việc huấn luyện đội Thể Công, trực tiếp cho nhiều ý kiến bổ ích về chiến thuật.

Nếu như trong chiến đấu, anh có nhiều bài tổng kết và thường dùng những từ ngắn gọn để chỉ đạo phương châm hành động như: “Vây, lấn, tấn, phá, triệt, diệt” ở Điện Biên Phủ, thì với bóng đá, anh cũng có một bài vè dài, nêu lên các nguyên tắc và nghệ thuật của môn bóng đá dưới hình thức diễn ca…

Mở đầu bài vè, tác giả nêu phương châm chiến thuật: “Đối tượng cao, to, khỏe/ Ta lấy ngắn trị dài/ Ta lấy thấp trị cao/ Thấp, ngắn, nhanh, mạnh, chuẩn/ Khéo luồn lách thọc sâu”.

Tiếp đến phải phải nắm đối tượng: “Điều quan trọng nhất/ Hiểu bạn ra sao/ Nắm ta thế nào?/ Sở trường, sở đoản”.

Sau đó: “Đội hình dàn ra/ Chỉ là cơ bản/ Bóng lăn người chuyển/ Biến hóa khôn lường/ Đánh lừa đối phương/ Không sao hiểu nổi”.

Khi tổ chức tấn công thì: “Mở rộng hai biên/ Xuyên hông luồn nách/ Đưa xuống sát vạch/ Gần phía khung thành/ Bật lên thật nhanh… / Chớ chuyền loanh quanh/ Thời cơ mất hết/ Ý ta bạn biết/ Sẽ cụm về đông/ Ta phá “bê tông”/ Càng thêm vất vả”.

Cũng có lúc: “Hoặc dùng nghi binh/ Hút về một hướng/ Phía kia lởn vởn/ Bất ngờ lao lên/ Đón bóng nhanh chân/ Sút ngay giành thắng”.

Về nguyên tắc chung thì: “Tất cả cách đánh/ Đều phải tập trung/ Trên hướng tấn công/ Xác định chủ yếu”.

Tấn công phải chú ý đến phòng thủ: “Chớ mãi tấn công/ Mà quên chốt giữ/ Phía sau sơ hở/ Sẽ dễ bị thua/ Chốt giữ của ta/ Hình thành tam giác/ Nhiều tầng nhiều lớp/ Cần có chiều sâu/ Đừng ỷ lại nhau/ Chớ lùi quá bước/ Có người phía trước/ Cản phá kiên cường/ Người lót sau lưng/ Sẵn sàng hỗ trợ”.

Trên sân phải đề cao kỷ luật: “Trên sân thi đấu/ Phải có chỉ huy/ Lên, xuống, đứng, đi/ Nhịp nhàng, đúng hướng/ Điều khiển binh tướng/ Chặt chẽ vững vàng/ Đấu pháp đã bàn/ Đồng tâm thực hiện”.

Về phẩm chất, cụ viết: “Cầu thủ bóng đá/ Phải thật đàng hoàng/ Luyện tập thường xuyên/ Mới thành tài giỏi/ Giữ đạo đức mới/ Đẹp mắt, đẹp lòng/ Khán giả ước mong/ Nhân dân mong đợi”…

Bài “Vè bóng đá” của Trung tướng Vương Thừa Vũ sử dụng hình thức thể loại văn học dân gian cùng với giọng điệu vui đùa hóm hỉnh nên dễ thuộc dễ nhớ.

Chính một phần nhờ sự quan tâm sâu, sát và chỉ đạo chính xác của tướng Vương Thừa Vũ mà ngày ấy, đội Thể Công đã vận dụng một phần nguyên tắc chỉ đạo tác chiến trong quân sự vào bóng đá, đạt nhiều kết quả trong luyện quân, nâng cao trình độ chuyên môn và thành công trong thi đấu.

TRẦN VĂN LỢI

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh