"Say" tiếng đờn bầu

04:06, 08/06/2018

Ðờn bầu là một trong những nhạc cụ tiêu biểu nhất của kho tàng nhạc cụ dân tộc Việt Nam, có xuất xứ lâu đời từ dân gian và được nhiều thế hệ nghệ sĩ dày công cải tiến. 

Ðờn bầu là một trong những nhạc cụ tiêu biểu nhất của kho tàng nhạc cụ dân tộc Việt Nam, có xuất xứ lâu đời từ dân gian và được nhiều thế hệ nghệ sĩ dày công cải tiến.

Muốn học đờn bầu đòi hỏi người học phải chịu khó, nghiên cứu, học hỏi, vì đây là cây đờn khó học và khi đã đờn thì không phải tiếng đờn của ai cũng dễ đi vào lòng người…

Ở  cái tuổi gần
Ở cái tuổi gần "thất thập cổ lai hy" nhưng khi nói về đờn bầu nghệ nhân Lê Văn Tâm rất hăng say, nhiệt huyết và có niềm đam mê sâu sắc.

* Say mê đờn bầu dù ở tuổi gần "Thất thập cổ lai hy"

Với truyền thống 3 đời theo nghiệp đờn ca từ đời ông, đời cha và hiện nay là ông- một nghệ nhân đàn bầu.

Ông chính là nghệ nhân Lê Văn Tâm- tên cha mẹ đặt cho, thế nhưng mọi người trong giới đờn ca vẫn thường gọi ông cái tên thân mật "Anh Tám Thạch".

Hiện, ông đang sinh sống tại xã Trường An (TP Vĩnh Long) và sinh hoạt tại CLB đờn ca tài tử Trung Tâm Văn hóa tỉnh Vĩnh Long. Ông đã 69 tuổi, ở cái tuổi gần "thất thập cổ lai hy" nhưng khi nói về đờn bầu ông rất hăng say, nhiệt huyết và đam mê sâu sắc.

Vốn say mê đờn ca từ nhỏ, tuổi 15,16 đã tập tành ca hát và theo cha làm nghề, ông nội và cha ông vốn là những nghệ nhân nhạc lễ.

Rong ruổi biểu diễn khắp nơi, lời ca tiếng đờn của các cô chú lúc ấy đã làm cho câu bé Tâm say mê và dần dà ông đã làm quen với cây đờn sến. Những năm tiếp theo ông còn sử dụng được đờn cò, ghita phím lõm và sau cùng cũng là cái nghiệp của ông sau này chính là cây đờn bầu.

Ông nhớ lại, khoảng năm 1999, ông được vào làm tại Công ty Du Lịch Cửu Long, cũng nơi này ông bắt đầu bén duyên với cây đờn bầu. Lúc ấy, theo sự động viên của các thành viên trong nhóm đờn ca phục vụ khách, trong đó có nghệ nhân Hồ Kịp (đờn ghita) đã giúp ông gần gũi và đam mê cây đờn bầu.

Ông kể, lúc đó trong nhóm không có người đờn bầu, chỉ có đờn ghita phím lõm, kìm, cò... nghệ nhân Hồ Kịp khuyến khích ông thử đờn bầu xem thế nào.

Lúc đầu cũng bập bõm vài ba chữ đờn, có lúc đờn không thành tiếng (điếc), lạ thay chỉ vài hôm ông đờn thành tiếng và say mê lúc nào không hay. Từ đó, ông tự mày mò học hỏi, khám phá và đến nay thì ông đã đờn được hết 20 bản tổ của tài tử và nhiều điệu lý, vọng cổ, bản vắn khác.

Theo ông người đờn bầu cần phải có cái tâm, phải đờn bằng cả trái tim, nắn nót bàn tay theo sự điều khiển của trái tim. Người ta hay nói "đờn bầu chỉ đờn một mình", có nghĩa là khi đờn người cầm trịch cây đờn bầu không thể nhìn ai nếu nhìn sẽ đờn không đúng nốt (bắt buộc phải nhìn nốt), do cấu tạo đặc biệt của cây đờn này.

Ngoài ra phải thành thạo các nốt, cách khẩy, cách điều khiển cần đờn. Đặc biệt đối với đờn bầu đòi hỏi người đờn phải nghe được chính tiếng đờn của mình, từ đó mới thẩm thấu và nhấn nhá tới chữ đờn, cho nên đi biễu diễn hay thu âm ông đều mang theo thùng loa để nghe tránh lẫn lộn với các tiếng đờn khác.

 Ông còn kể cho chúng tôi nghe một mẫu chuyện vui khi có hôm khách nước ngoài yêu cầu ông đờn. Khi tiếng đờn vừa cất lên bao nhiêu khách nước ngoài đều bước đến gần ông vừa nhìn, vừa chăm chú nghe.

Họ thán phục và trầm trồ khen ngợi, không hiểu tại sao cây đờn có 1 dây mà tiếng kêu nghe réo rắt, đờn được nhiều loại nhạc, có cả tân nhạc. Khách còn yêu cầu ông dạy cách đờn và có ông khách đờn kêu thành tiếng thì vui mừng vô kể.

Suy tư một lát, ông hỏi: Cháu có biết bài hát "Tiếng đàn bầu" do ca sĩ Trọng Tấn hát không? Tôi nói: Dạ biết, đó là một sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc. Ông hồ hởi nói, trong bài hát ấy nói lên ý nghĩa của tiếng đờn bầu rồi đó, tiếng đàn bầu là tiếng đờn của cha mẹ, của đất nước. Quả đúng  như vậy, trong bài hát có đoạn: Cung thanh là tiếng mẹ, cung trầm là giọng cha…

* Học đàn bầu cũng là cách truyền cảm hứng cho bạn trẻ

Từ trong bụng mẹ đến lúc cất tiếng khóc chào đời đã nghe tiếng đàn ghita phím lõm, đờn kìm nhặt khoan của ông nội và tiếng réo rắt từ cây đàn tranh của cha nên Lưu Quốc Tuấn (ngụ xã Trường An- TP Vĩnh Long) có niềm đam mê đờn từ nhỏ không là chuyện lạ.

Ông nội là nghệ nhân Lưu Minh Sang, cha là nghệ nhân Lưu Minh Trọng, Quốc Tuấn sở hữu thế mạnh “con nhà tông không giống lông cũng giống cánh” và đã có 6 năm trong nghề đờn bầu.

Em vẫn thường theo ông nội và cha trong các buổi sinh hoạt tài tử, thỉnh thoảng cũng có ngồi nghe lóm các buổi dạy hát và đờn của ông nội cho một số anh chị, cô chú yêu hát tài tử- cải lương.

Dù được tư vấn và học thử nhiều loại đàn nhưng em quyết học đờn bầu, vì theo em "đờn bầu là nhạc cụ truyền thống của Việt Nam, là tiếng nói, tiếng lòng, tâm tư tình cảm của dân tộc".

Người thầy đầu tiên của Quốc Tuấn là nghệ nhân Nguyễn Quốc Trạch (Vũng Liêm), Vì điều kiện nhà xa, vả lại Quốc Tuấn còn phải mất nhiều thời gian cho việc học văn hóa nên thầy chỉ dạy em có... 1 ngày.

Sau này em cũng được học thêm từ một người thầy theo nhạc lễ trong tỉnh Vĩnh Long nhưng cũng vì nhiều lý do nên cũng chỉ học thêm được... 1 ngày nữa.

Như vậy có 2 người thầy trong nghiệp cầm ca của em cho đến lúc này nhưng cả 2 chỉ truyền đạt vỏn vẹn có 2 ngày, còn lại em tự học là chính. Em học bằng cách nghe các nghệ nhân đi trước đờn qua băng, đĩa, trên mạng, đặc biệt học qua các chương trình ca cổ, cải lương được phát sóng trên đài.

Từ tiếng đàn ghita phím lõm, đờn kìm nhặt khoan của ông nội và tiếng réo rắt từ cây đàn tranh của cha mà  Lưu Quốc Tuấn có niềm đam mê đờn từ nhỏ không là chuyện lạ.
Từ tiếng đàn ghita phím lõm, đờn kìm nhặt khoan của ông nội và tiếng réo rắt từ cây đàn tranh của cha mà Lưu Quốc Tuấn có niềm đam mê đờn từ nhỏ không là chuyện lạ.

Quốc Tuấn cho biết, em chỉ nghe và học tiếng đờn của người khác chứ không đờn giống vì “mỗi người nên có cách đờn riêng, chắc lọc cái hay của người khác thành cái riêng của mình”

Tại Festival Đờn ca tài tử lần thứ 2 tổ chức tại tỉnh Bình Dương, em cũng có mặt cùng đoàn tham gia biễu diễn một số tiết mục và đạt giải cao.

Khi được hỏi còn trẻ sao em lại chọn học đờn bầu mà không chọn đờn tân nhạc hay hát các bài nhạc trẻ, nhạc hip, hop? Quốc Tuấn nói như khẳng định mình, em cho rằng không có thể loại nhạc hay và dở, nếu không hay thì thể loại nhạc đó không tồn tại đến ngày hôm nay và quan trọng ở người nghe cảm nhận bài hát, bản đờn đó như thế nào mà thôi.

Quốc Tuấn cho biết tới đây sẽ thi vào Nhạc viện TP Hồ Chí Minh sau khi hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2018 để thỏa niềm đam mê của mình.

Quốc Tuấn còn rất trẻ, tương lai đang chờ em phía trước, chúng tôi tin rằng với lòng đam mê, ham học hỏi và ý nghĩ thật trách nhiệm của mình em sẽ thành công trên con đường mình đã chọn. Xin chúc cho dự định của em sẽ thành hiện thực, chúc ngón đờn của em ngày một hay hơn, chúc niềm đam mê luôn rực cháy trong tâm hồn em.

Nghệ nhân Tám Thạch: Tiếng đờn bầu là một trong những tiếng đờn độc đáo, đặc sắc nhất trong một dàn nhạc. Nếu dàn nhạc mà thiếu đi tiếng đờn bầu thì nghe chưa hay. Đờn bầu thuộc âm trầm buồn phù hợp với các điệu thức Oán, Nam, cất lên người nghe như thấy cả linh hồn dân tộc. Ngoài ra, các điệu lý, vọng cổ mà có tiếng đàn bầu chen vào cũng tăng đáng kể âm giai âm điệu và âm sắc hấp dẫn người nghe. Bởi vì đàn tranh, ghita là những cây đờn giọng kim, giọng sắc thì đàn bầu giọng mộc, thổ có thể len lõi, đan xen tạo nên một hợp âm thú vị, làm cho dàn nhạc ấm lên.

Bài, ảnh: HỒ VĂN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh