Lệ Minh và tôi đều là học viên khóa 8, Trường Báo chí Trung ương Cục Miền Nam. Lệ Minh là con gái Sài thành, phóng viên Đài Phát thanh Giải phóng.
Lệ Minh và tôi đều là học viên khóa 8, Trường Báo chí Trung ương Cục Miền Nam. Lệ Minh là con gái Sài thành, phóng viên Đài Phát thanh Giải phóng.
Còn tôi, công tác ở Tiểu ban Thông tấn Báo chí- Ban Tuyên huấn tỉnh nhà. Hồi ấy, dù Hiệp định chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở miền Nam đã được 4 bên liên quan ký kết ở Thủ đô Paris (Pháp), nhưng cuộc chiến vẫn tiếp tục diễn ra ác liệt vì Mỹ và chính quyền Sài Gòn cố tình vi phạm.
Dù trong hoàn cảnh như vậy, nhưng ở rừng Tây Ninh, ngoài việc tổ chức tốt cho việc học tập lý luận chính trị và chuyên môn nghiệp vụ, Trường Báo chí Trung ương Cục Miền Nam vẫn có được đội văn nghệ, đội bóng đá, bóng chuyền vừa tạo sinh khí vui vẻ vừa rèn luyện thể lực cho học viên.
Tôi thì thích thể thao, nhất là bóng đá. Lệ Minh thì có năng khiếu bóng chuyền lẫn ca hát nên phần lớn hoạt động văn thể của trường chúng tôi thường có mặt.
Về đội bóng đá, bóng chuyền của trường, dù mỗi người mỗi xứ nhưng nhờ đa phần trước đó đều biết chơi nên có được trình độ chuyên môn khá tốt.
Nhờ vậy mà hầu hết các trận thi đấu giao hữu với đội bóng bạn ở các trường chuyên môn nghiệp vụ khác của các ban ngành trung ương đóng trên khu vực Sa Mát, Lò Gò, Xóm Giữa,… phần thắng thường thuộc về đội bóng của trường chúng tôi.
Được học chung trường và thường có mặt trong các hoạt động văn thể nên tôi và Lệ Minh ngày một biết nhau nhiều hơn rồi thân nhau.
Lệ Minh có đôi mắt to đen tròn, làn da bánh mật, mái tóc quăn huyền ôm quá bờ vai. Cô ít nói và gương mặt trông rất đôn hậu.
Từ lúc thân nhau, thỉnh thoảng 2 chúng tôi hẹn nhau đi chơi đây đó- lúc vào rừng tìm trái cây khi thì dùng xe đạp chở nhau về cơ quan Lệ Minh hoặc đi chợ Lò Gò…
Những lần đi bên nhau như vậy, Lệ Minh và tôi thường kể về gia đình về ước muốn của mình… Đề rồi từ cuộc hẹn hò bên nhau ấy, trong tôi hình bóng Lệ Minh ngày một sâu đậm. Lòng cảm thấy buồn những lúc không được gặp Lệ Minh.
Rồi ngày tháng trôi qua, thời gian khóa học cũng cạn dần. Điều ấy cũng có nghĩa thời điểm học viên chia tay ngày một gần hơn. Nghĩ đến phải xa Lệ Minh, tôi nghe lòng se se buồn.
Rồi trong cảnh nhiều học viên hăm hở chuẩn bị về địa phương, về đơn vị công tác; tôi hẹn Lệ Minh ra bờ suối Sa Mát quen thuộc.
Lần này, tôi nắm lấy tay Lệ Minh và nói lên tiếng nói của lòng mình: “Lệ Minh, anh thương em nhiều lắm, thật sự muốn cùng em nên vợ nên chồng, em đồng ý không?”
Sau câu hỏi này, Lệ Minh vẫn để yên bàn tay trong tay tôi và đôi mắt đen tròn nhìn thẳng vào mắt tôi không nói lời nào, đôi mắt rưng rưng dòng lệ, dường như hờn trách tôi sao chậm nói điều này.
Sau lễ tổng kết bãi khóa của nhà trường, học viên các ban ngành Trung ương Cục được điều về cơ quan của mình, chỉ riêng Lệ Minh là ở lại.
Các đoàn học viên địa phương như T1 (các tỉnh miền Đông), T2 (các tỉnh khu vực Kiến Tường, Kiến Phong, Mỹ Tho, Bến Tre, Long An,…), T4 (khu Sài Gòn Gia Định) lần lượt ra về; còn đoàn học viên T3 (các tỉnh miền Tây) rời Tây Ninh sau cùng.
Những ngày ấy, dù ở bên tôi nhưng đôi mắt của Lệ Minh gần như lúc nào cũng đẫm lệ. Hôm thật sự chia tay, Lệ Minh tiễn tôi đến tận Xóm Giữa, cách trường hơn chục cây số.
Lúc này, tôi và Lệ Minh giao ước: Từ nay để biết tin tức của nhau, nếu chương trình ca nhạc theo yêu cầu của Đài Phát thanh Giải phóng có phát những bài hát mà Lệ Minh hát mà tôi ưa thích thì đó là tín hiệu Lệ Minh cho biết mình vẫn khỏe và vẫn đợi chờ tôi.
Về phần mình, tôi hứa khi viết những bài viết gửi về Đài Phát thanh Giải phóng thì lấy bút danh tên thật của mình để báo đến Lệ Minh là tôi vẫn bình yên và cũng vẫn chờ mong ngày sum họp.
Đúng như giao ước, từ lúc rời chiến khu Tây Ninh đến nhiều ngày sau đó, qua những lần phát sóng chương trình ca nhạc theo yêu cầu của Đài Phát thanh Giải phóng, tôi đều nhận được tín hiệu của Lệ Minh qua những bài hát được giao ước.
Mỗi lần như vậy, tôi vừa mừng vừa rất nhớ Lệ Minh. Nhưng, bỗng dưng 1 tháng rồi 2 tháng, tôi không còn nhận được tín hiệu gì từ phía Lệ Minh dù thời gian này tôi đã viết khá nhiều bài với bút danh giao ước và nhiều lần được phát trên đài nhưng vẫn không nhận được hồi âm.
Trong khi đó, cũng qua chương trình thời sự của đài này, tôi biết được thời gian ấy địch nhiều lần dùng máy bay ném bom gây tội ác ở nhiều khu vực căn cứ Tây Ninh.
Địch đánh phá ác liệt như vậy nên khi không nhận được tín hiệu, tôi hết sức lo lắng cho sự an toàn của Lệ Minh.
Sau ngày 30/4, bỗng chiều nọ, lúc ngồi làm việc trong phòng ở cơ quan, nghe bên ngoài có tiếng phụ nữ hỏi tìm tôi. Nghe vậy, tôi bước vội ra ngoài.
Thật bất ngờ, dù cái quần, chiếc áo, mái tóc “chiến khu” đã được thay bằng bộ quần áo thị thành và trên gương mặt có chút phấn son nhưng tôi vẫn nhận ra đó là chị Thủy- phóng viên Báo Phụ nữ giải phóng và cũng là học viên khóa 8 Trường Báo chí Trung ương Cục Miền Nam.
Sau mấy năm được gặp lại, chúng tôi mừng lắm. Nhưng thấy chị có phần mệt mỏi vì phải ngồi xe khách 7- 8 giờ liền từ Sài Gòn xuống đây nên sau vài câu chào hỏi, tôi tổ chức cơm nước cho chị và sắp xếp cho chị sớm nghỉ ngơi, để sáng sớm mai chị còn phải đi xuống huyện Cầu Ngang làm bài phóng sự về công trình thủy lợi đập Bến Giá theo yêu cầu của đài.
Đến chập tối, chừng thấy chị khỏe lại, tôi lấy xe gắn máy chở chị đi một vòng tham quan thị xã; sau đó ghé vào quán giải khát bên cạnh cơ quan để vừa uống nước vừa ôn lại kỷ niệm những ngày ở chiến khu “miền Đông gian lao mà anh dũng”.
Khi những câu chuyện buồn vui trong kháng chiến ở rừng Tây Ninh của chị Thủy và tôi cạn dần thì chị từ từ lấy ra băng cát sét đựng trong cái túi xách nhỏ của mình.
Vừa đưa băng cát sét cho tôi, chị Thủy vừa chậm rãi nói: “Đây là kỷ vật của Lệ Minh gửi cho anh”. Nhận băng cát sét từ tay chị Thủy, tôi vui mừng không kể xiết vì nghĩ rằng từ chị tôi sẽ gặp lại Lệ Minh.
Khi tôi vừa đặt xong băng cát sét lên bàn nước, chị Thủy kể tiếp: “Trường bãi khóa được hơn 1 tháng thì để tăng cường cho địa phương, lãnh đạo Đài Phát thanh Giải phóng phân công chị Lệ Minh về công tác ở tỉnh Phan Thiết (Bình Thuận).
Bên Trung ương Hội Phụ nữ cũng phân công tôi về đó nên 2 chị em nhiều lần được gặp nhau. Lúc này, chị Lệ Minh mới kể về chuyện anh và chị ấy. Những ngày ở chung với chị Lệ Minh, tôi mới thấy hết chị ấy yêu anh nhiều lắm mà càng yêu anh thì chị càng cố gắng công tác.
Chị cố phấn đấu với khao khát lần công tác này khi về chị sẽ được đứng vào hàng ngũ Đảng như anh mong muốn. Chính vì vậy mà chị đã nhiều lần theo bộ đội, chịu bom đạn để viết bài.
Chị Lệ Minh kể vì cấp trên phân công về đây nên chị không thể nào thực hiện được lời giao ước với anh. Ở đây, tôi thấy chị Lệ Minh mỗi lần nghe đài phát bài viết của anh thì chị mừng đến rơi nước mắt.
Có lần nghe xong bài anh viết, chị Lệ Minh ôm chặt tôi, nước mắt rưng rưng và nói: “Anh ấy còn khỏe rồi, chắc bây giờ anh ấy cũng nhớ mình lắm”.
Nhưng rồi sau đó, chị Lệ Minh lại buồn vì không biết cách nào để nhắn tin đến anh. Rồi lần tôi cùng chị Lệ Minh theo bộ đội tấn công mặt trận phía Nam Phan Thiết cuối năm 1974, chị Lệ Minh trúng phải đạn pháo của địch và hy sinh.
Lúc kiểm lại ba lô của chị, tôi mới phát hiện được băng cát sét này”. Nghe chị Thủy kể đến đây lòng tôi nghẹn lại. Tôi cố nén xót thương mà nước mắt vẫn cứ rơi; rồi bao hình ảnh, bao kỷ niệm về Lệ Minh cùng lúc tràn về.
Đêm ấy, lúc về phòng nghỉ, chờ anh chị em cơ quan đi ngủ hết, tôi một mình mở băng cát sét của Lệ Minh với âm thanh vừa đủ nghe.
Ngay lời đầu tiên phát ra từ cát sét: “Anh thương yêu, em nhớ anh nhiều lắm, nhưng anh ơi em được phân công về Phan Thiết rồi nên em không thể thực hiện được lời hứa với anh.
Mong anh đừng buồn, xin lỗi anh, xin được hôn anh”. Kỷ vật mà Lệ Minh để lại cho tôi chẳng khác nào nhật ký; bởi gần như mọi việc làm trong ngày trong tuần… đều được Lệ Minh dùng lời ghi lại.
Vì thế cả 2 mặt băng cát sét có thời gian 120 phút đều có tiếng nói của Lệ Minh. Dù đã ghi lại nhiều đến thế, nhưng mỗi lần nhật ký thì Lệ Minh đều có cùng câu mở đầu: “Anh thương yêu, em nhớ anh nhiều lắm” và phần cuối cũng là “xin được hôn anh”.
56 năm trôi qua, dù tôi cố giữ nhưng âm thanh trong cát sét ấy không còn được như ngày nào nhưng với tôi, hình ảnh của Lệ Minh vẫn không sao mờ nhạt.
Chiều nay, bất ngờ nghe lại được bài hát “Câu hát Bông Sen” của Phan Nhân- phát trên Đài Tiếng nói Việt Nam- bài hát mà gần như luôn được Lệ Minh phục vụ vào các buổi văn nghệ ở trường.
Khi đó đôi mắt đen tròn của Lệ Minh luôn hướng về tôi khi hát đến đoạn “… Anh ơi anh tình sen trong trắng em dành cả cho anh…” Bây giờ được nghe lại bài hát ấy, tôi càng nhớ lại hình ảnh Lệ Minh và nghe lòng quặn lại.
TRỌNG DÂN (Ghi theo lời kể của anh N.)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin