Tại khu trưng bày với chủ đề "Phụ nữ trong lịch sử" của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, một chiếc chổi tưởng chừng như không có gì đặc biệt, nhưng khi được nghe giới thiệu về nó, nhiều khách tham quan rất ấn tượng và dừng lại ngắm nhìn. Đó là chiếc chổi của bà Lê Thị Khá, quê ở Tiền Giang.
Tại khu trưng bày với chủ đề "Phụ nữ trong lịch sử" của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, một chiếc chổi tưởng chừng như không có gì đặc biệt, nhưng khi được nghe giới thiệu về nó, nhiều khách tham quan rất ấn tượng và dừng lại ngắm nhìn. Đó là chiếc chổi của bà Lê Thị Khá, quê ở Tiền Giang.
Chiếc chổi của nữ giao liên Lê Thị Khá được trưng bày tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. |
Bà Khá làm giao liên cho Thị ủy Mỹ Tho từ năm 1964 đến năm 1975, hoạt động tại Bến Tre và Mỹ Tho. Để cất giấu và vận chuyển tài liệu một cách an toàn trong lòng địch, bà đã nghĩ ra cách thức đưa thư, tài liệu mật bằng… chổi.
Cây chổi được bà bó bằng cọng tàu dừa. Trong vai người bán chổi rong, bà đã chuyển nhiều tài liệu an toàn từ Bến Tre đến các xã ven thị xã Mỹ Tho, như: Mỹ Phong, Đạo Thạnh, Trung An…, bằng cách nhét tài liệu vào cây chổi xấu nhất, bó lỏng, nên không ai mua.
Nhờ trí thông minh và lòng quả cảm, những lần đối mặt với địch, bà khéo léo không để chúng phát hiện tài liệu được giấu trong chiếc chổi. Cứ như thế, suốt 11 năm làm nhiệm vụ, bà chưa một lần để thông tin bị thất lạc.
Có mặt tại khu trưng bày, cùng các em học sinh nhà trường tìm hiểu về hiện vật, chị Nguyễn Thị Anh, giáo viên Trường Mầm non Bimbon (quận Hoàng Mai, TP Hà Nội), chia sẻ: "Thông qua hiện vật, tôi thêm cảm phục sự sáng tạo, mưu trí của nữ giao liên Lê Thị Khá. Hiện vật được trưng bày góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống "Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang" của Phụ nữ Việt Nam trong quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc".
Theo MINH THÚY (Quân đội nhân dân)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin