"Tết" cho những người yêu sách

05:05, 07/05/2018

Đều đặn duy trì tổ chức "Tết sách" 4 năm qua, thầy Huỳnh Văn Thế cùng các học trò Trường THPT Mang Thít và những người yêu sách, đã không ngừng nỗ lực để sách đến gần hơn với học sinh (HS) vùng nông thôn, xây dựng văn hóa đọc để tích lũy tri thức và nuôi dưỡng tâm hồn các em.

Đều đặn duy trì tổ chức “Tết sách” 4 năm qua, thầy Huỳnh Văn Thế cùng các học trò Trường THPT Mang Thít và những người yêu sách, đã không ngừng nỗ lực để sách đến gần hơn với học sinh (HS) vùng nông thôn, xây dựng văn hóa đọc để tích lũy tri thức và nuôi dưỡng tâm hồn các em.

Tết sách đã góp phần nâng cao văn hóa đọc trong học sinh.
Tết sách đã góp phần nâng cao văn hóa đọc trong học sinh.

Bán bánh, phế liệu… gom tiền mua sách

Mang Thít những ngày cuối tháng 4 vàng ươm những cuộn rơm chất thành dòng trên bờ ruộng, cây phượng vĩ lốm đốm trổ vài cánh hồng, ve ngày hè cũng vào mùa rả rích kêu.

Hòa cùng không khí ấy, một góc Trung tâm Văn hóa và Thể thao huyện vô cùng nhộn nhịp bởi hàng trăm người về dự “Tết sách” vào ngày 22/4/2018.

Là người hiện thực ý tưởng xây dựng “Tết sách” với mong muốn nhen nhóm tình yêu đọc sách cho HS, thầy Huỳnh Văn Thế (giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Mang Thít) cho biết: “HS vùng sâu chưa có thói quen đọc sách, không đủ tiền mua sách, không biết đọc sách gì hay nên chúng tôi tổ chức Tết sách.

Đây là ngày tôn vinh sách, để tôn vinh người làm sách, viết sách và là ngày tặng sách cho người yêu sách”.

Để có tiền mua sách, bên cạnh vận động, 11 tháng qua thầy trò thầy Thế bán tranh thư pháp, bán bánh tét, bán viết, phế liệu… để kiếm lời mua sách. 3 năm qua, nhờ được ủng hộ, Tết sách đã mang đến 1.500 quyển sách cho trò nghèo. Riêng năm nay, đã vận động được hơn 800 quyển sách.

“Nổi tiếng” yêu sách vì không ngại đạp xe hàng chục cây số từ TP Vĩnh Long về Mang Thít để không bỏ lỡ bất kỳ hoạt động nào của CLB Sách và hành động Mang Thít, bạn Nguyễn Thị Thúy Duy (sinh viên năm nhất Khoa Giáo dục tiểu học, Trường CĐ Sư phạm Vĩnh Long) cho biết: “Qua bạn bè giới thiệu nên em biết chương trình ý nghĩa này của thầy Thế.

Hiện nay có nhiều cách tiếp cận kiến thức mới nhưng em vẫn thích đọc sách nhất. Em hay tiết kiệm tiền để mua sách, đọc xong rồi tặng sách cho thầy để chia sẻ lại cùng các bạn”.

Duy nói thêm: “Em rất hạnh phúc khi thấy các bạn chuyền tay quyển sách của mình, cùng chia sẻ những điều tiếp thu được. Khi mạnh dạn trao đổi, em dần tự tin hơn và vững vàng về cả kiến thức lẫn kỹ năng khi đứng trước đám đông”.

Bạn Đặng Quốc Hưng (Chủ nhiệm CLB Sách và hành động tuổi trẻ ở TP Hồ Chí Minh) gắn bó với chương trình Tết sách từ những ngày đầu.

Khi chúng tôi hỏi về những khó khăn, bạn liền lắc đầu, cười tươi: “Thầy Thế cần thì em sẽ chạy về”. Quốc Hưng thẳng thắn: “Em cũng từng là HS dưới mái trường Mang Thít.

Được thầy truyền lửa, em hiểu rằng chia sẻ sách cũng là cách thêm tri thức cho mình, một trang sách hay có khi thay đổi được cả đời người. Nên được góp sức làm Tết sách cũng là một niềm vui”.

Chung tay gieo mầm tri thức

Dù chỉ diễn ra trong thời gian ngắn, nhưng Tết sách 2018 để lại ấn tượng khó quên khi những người tham gia trải qua nhiều cung bậc cảm xúc: hào hứng với trưng bày sách, lắng đọng với những lời giới thiệu sách đầy cảm xúc, vui tươi bởi phần văn nghệ, diễn kịch và phần đặc biệt nhất là buổi giao lưu với những diễn giả nổi tiếng.

Gác lại công việc nghiên cứu ở Tiền Giang, nhà nghiên cứu độc lập Phạm Hoàng Quân đến Mang Thít để chia sẻ với các em HS tình yêu với sách, lợi ích của việc đọc sách và những thăng trầm trên con đường ông đeo đuổi nghiên cứu lịch sử và vấn đề biển đảo của dân tộc.

Nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân chia sẻ: “Tôi đã rất bất ngờ khi ở đây có rất đông các em chỉ mới học cấp 2, cấp 3 mà đã thích và tìm đến vì tình yêu sách”.

Ông cho biết, Tết sách này mang đến cảm xúc đặc biệt vì “là dịp để tôi gần gũi hơn, hiểu hơn độc giả nhỏ tuổi của mình.

Qua tương tác, khi các em được giao lưu với tác giả đã viết nên quyển sách, các em sẽ thấy hứng khởi hơn, tri thức trong sách sẽ không còn quá khô khan”.

Nhà nghiên cứu cười với ánh mắt đầy hy vọng: “Biết đâu trong đám đông dưới kia có người yêu lịch sử hơn cả chúng tôi, sẽ là đồng nghiệp của tôi trong tương lai không xa”.

Em Nguyễn Thị Trúc Linh (lớp 10/1, Trường THPT Mang Thít) chăm chú lắng nghe và vỗ tay trước những chia sẻ của nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân.

Em bộc bạch: “Lần đầu tiên đến với Tết sách, được tận mắt gặp nhà nghiên cứu mà em chỉ biết qua sách báo, qua ti vi, em vui quá.

Nghe tâm huyết của chú, những vất vả của nghề nghiên cứu, em thấy quý hơn và ý thức hơn về chủ quyền của quê hương mình. Biết được lợi ích của việc đọc, khi về em sẽ chăm chỉ đọc sách hơn”.

Bên cạnh đó, các em còn được giao lưu, trò chuyện với nhà văn trẻ Thái Cường, chia sẻ về cách đọc sách như thế nào là hiệu quả, hữu ích…

“Thông qua việc đọc sách, chúng tôi mong muốn rèn luyện năng lực tự học của HS, rèn luyện tâm trí, biết yêu thương, biết sẻ chia”- thầy Thế nói về hoạt động Tết sách trong 4 năm qua.

Thầy tâm sự: “Hy vọng những năm tiếp theo, văn hóa đọc được nâng lên, mọi người sẽ cùng nhau chung tay gieo mầm tri thức, cũng như tiếp sức cho trò nghèo”.

Cô Nguyễn Thị Thanh Hiền- đại diện Thư viện Trung tâm Văn hóa và thể thao huyện- đến dự Tết sách, cho hay:

“Là người làm thư viện thì hơn ai hết, tôi thấy được văn hóa đọc trong đời sống hiện nay. Lượng bạn đọc truyền thống, nhất là bạn trẻ đã giảm đi nhiều từ khi có internet và nhiều hình thức giải trí khác như trò chơi điện tử, mạng xã hội,…

Tết sách là hoạt động rất ý nghĩa, thực tế và gần gũi với các em HS. Đây không chỉ là sân chơi bổ ích mà còn góp phần lan tỏa văn hóa đọc. Chương trình đáng quý vì xây dựng tình yêu sách là điều không hề dễ dàng”.

Bài, ảnh: PHƯƠNG THẢO

[links()]

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh