Thông qua cuộc đời của một nhân vật điển hình, tiểu thuyết "Những trang đời lộng gió" (NXB Văn học) của tác giả Nguyễn Trọng Thùy tái hiện những giai đoạn lịch sử của đất nước từ những năm 1960 đến nay.
Thông qua cuộc đời của một nhân vật điển hình, tiểu thuyết “Những trang đời lộng gió” (NXB Văn học) của tác giả Nguyễn Trọng Thùy tái hiện những giai đoạn lịch sử của đất nước từ những năm 1960 đến nay.
Đồng thời, phác họa nên chân dung của một thế hệ thanh niên đầy nhiệt huyết, hết lòng cống hiến, bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước.
Tiểu thuyết gồm 432 trang với 5 phần: “Những năm sáu mươi”, “Những tháng năm rực lửa”, “Học đường và tình yêu”, “Thương trường nghiệt ngã”, “Những niềm vui bình dị”.
Mỗi phần tương ứng với một giai đoạn lịch sử của dân tộc và sự trưởng thành, phát triển của nhân vật trên đường đời.
Mang hơi hướng của một cuốn tự truyện với những trải nghiệm của chính tác giả nên tác phẩm có những chất liệu thực tế, gần gũi và sống động.
Như chính lời đề tựa của tác giả: “Xin dâng lên hương hồn đồng đội của tôi – những người đã ngã xuống bên chiến hào đẫm máu; và thân tặng những người đã vượt qua lửa đạn của cuộc chiến để viết tiếp những trang đời lộng gió”.
Câu chuyện xoay quanh cuộc đời của Lâm từ thuở thiếu niên cho đến khi về già. Những trang đời của Lâm bắt đầu từ Đội trưởng Đội Thiếu niên Tiền phong ở quê nhà, cho đến khi trưởng thành, nhập ngũ, chiến đấu nơi chiến trường Trị - Thiên khốc liệt.
Khi đất nước hòa bình thống nhất, Lâm xuất ngũ với thẻ thương binh, anh học đại học và sau khi ra trường, góp phần xây dựng, kiến thiết quê hương bằng tri thức và lòng nhiệt huyết.
Thời chiến tranh, Lâm và những đồng đội Lương, Tỵ, Sơn Râu, Trần Thái… là những điển hình cho một thế hệ thanh niên gác mọi ước mơ, sự nghiệp lên đường bảo vệ Tổ quốc.
Lâm có cha là liệt sĩ, thuộc diện miễn nghĩa vụ quân sự, lại đậu đại học và được cử đi du học Liên Xô, nhưng anh vẫn viết huyết thư xin được nhập ngũ.
Dù cảnh nhà neo đơn, cha mất sớm, mẹ già đau yếu nhưng Tỵ vẫn xin đi bộ đội khi vừa tròn 17 tuổi.
Sơn Râu đang làm việc tại Phòng Kỹ thuật của một Nhà máy điện và chỉ còn 1 tháng nữa là bảo vệ luận án tốt nghiệp Đại học, đã gác lại tất cả để lên đường cứu quốc…
Tình đồng đội ấm áp trong những ngày luyện tập nơi thao trường và sự hy sinh anh dũng trên chiến trường khốc liệt được tác giả khắc họa chi tiết, sống động, mang lại nhiều cảm xúc cho người đọc.
Thời bình, Lâm ra Hà Nội tiếp tục con đường học hành dở dang lúc trước. Những năm tháng ở giảng đường đại học có lẽ là thời kỳ đẹp đẽ và ngọt ngào nhất của anh khi có được tình yêu, tình bạn gắn kết và chuẩn bị hành trang bước vào đời.
Sau khi ra trường, chuyện tình của anh tan vỡ do sự phản đối của gia đình bạn gái, Lâm vào Nam lập nghiệp. Từ đây, những trang đời mới tiếp tục mở ra.
Điều đáng quý nhất ở Lâm là giữ vững những phẩm chất tốt đẹp của bộ đội Cụ Hồ trước những sóng gió của thương trường, của dòng đời nghiệt ngã.
Dù ở hoàn cảnh nào, anh vẫn sống và làm việc theo đúng lương tâm, trách nhiệm, không bị mua chuộc bởi danh lợi, tiền bạc.
Vì thế, có những lúc anh bị mưu hại, suýt rơi vào vòng lao lý, sự nghiệp gần như mất trắng… Thế nhưng, với tài năng, bản lĩnh của mình và sự hỗ trợ của bạn bè, lãnh đạo, anh đã làm lại từ đầu và ngày càng thành đạt.
Tác phẩm truyền đến độc giả niềm tin lý tưởng và lối sống đẹp, góp phần viết nên “Những trang đời lộng gió”.
Theo Cần Thơ Online
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin