Các cơ sở thủ công mỹ nghệ ở TP. Huế đang tận dụng tối đa nhân lực, vật lực, tập trung hoạt động để cho "ra lò" những sản phẩm tinh hoa nhằm giới thiệu và quảng diễn tại Festival Nghề truyền thống Huế 2017.
Các cơ sở thủ công mỹ nghệ ở TP. Huế đang tận dụng tối đa nhân lực, vật lực, tập trung hoạt động để cho “ra lò” những sản phẩm tinh hoa nhằm giới thiệu và quảng diễn tại Festival Nghề truyền thống Huế 2017.
Thời điểm này, không khí làm việc ở cơ sở thủ công mỹ nghệ Tre Việt tại đường Đào Duy Từ (TP. Huế) “nóng” hẳn bởi đang “vào mùa” chuẩn bị cho Festival Nghề truyền thống Huế sắp tới.
Ngoài đội ngũ thợ lành nghề, cơ sở Tre Việt còn có trên dưới 40 lao động là người khuyết tật được cở sở đào tạo nghề, nhận gia công tại nhà.
Tại Festival nghề 2017 diễn ra vào cuối tháng tư tới, cơ sở Tre Việt sẽ giới thiệu thêm hàng chục mẫu mã mới với công nghệ đan lát nhằm đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng như: Quả trứng gà; Cửu đỉnh; Bộ nhạc cụ cung đình Huế; Đèn treo cánh chim; Đèn ống áp tường; Đèn nơm cá treo tường…
Cơ sở Tre Việt sẽ trưng bày gian hàng với khoảng hơn 170 mẫu sản phẩm khác nhau để khách hàng tham quan, lựa chọn và mua sắm, cũng như quảng diễn, quảng bá tại lễ hội.
Nghệ nhân Nguyễn Đình Hưng – chủ cơ sở thủ công mỹ nghệ Tre Việt cho biết: “Festival Nghề truyền thống Huế là dịp giới thiệu các sản phẩm làng nghề đến với du khách, mở rộng thêm thị trường tiêu thụ, kinh doanh.
Vì thế, chúng tôi đặt nhiều tâm huyết vào từng công đoạn sản xuất để cho ra các sản phẩm tinh túy nhất”.
Tận mắt chứng kiến quá trình sáng tạo của các nghệ nhân mới biết rằng, việc cho ra đời một sản phẩm mỹ nghệ mây - tre đẹp mắt, độc đáo không hề đơn giản.
Công đoạn quan trọng nhất là phác họa rồi lên khung hình được chính nghệ nhân Nguyễn Đình Hưng phụ trách. Sau đó, chọn từng cây tre phù hợp để làm các sản phẩm mẫu, có khi để hoàn chỉnh một sản phẩm phải ấp ủ, “thai nghén” nhiều năm ròng.
Đến cơ sở đèn lồng Cố Đô (26 Phạm Tu, phường Hương Long), tại đây mỗi người phụ trách một công đoạn: cưa gỗ, tiện hoa văn, cắt vải, viết chữ..., rất khẩn trương để hoàn thiện những chiếc lồng đèn.
Chị Lan Vy – đại diện cơ sở đèn lồng Cố đô Huế cho biết: “Tham gia Festival Nghề truyền thống 2017, cơ sở chuẩn bị khoảng 1.000 đèn lồng đủ chủng loại, kích cỡ vừa để trưng bày, vừa bán cho du khách tham quan”.
Năm nay, cơ sở đèn lồng Cố Đô đưa ra giới thiệu khoảng trên 20 chủng loại sản phẩm đèn lồng mang phong cách truyền thống Huế gồm: đèn cung đình, đèn kéo quân, đèn ú, đèn sen, đèn tỏi... được chạm khắc hoa văn nổi bật.
“Chúng tôi ưu tiên thiết kế nhiều lồng đèn có kích cỡ nhỏ, tinh tế hơn để du khách tiện vận chuyển. Tại không gian trưng bày của đèn lồng Cố đô, sẽ có nghệ nhân trực tiếp thao diễn nghề làm đèn lồng.
Đó là cách làm mà cơ sở đèn lồng sẽ tiếp tục phát huy từ lần tham gia Festival Nghề trước”, chị Lan Vy nói.
Tại Festival nghề truyền thống Huế 2013, chị Lan Vy đã mang sản phẩm đèn lồng tham gia triển lãm và bắt đầu được người dân và du khách chú ý.
Số lượng đơn đặt hàng cũng theo đó tăng lên, từ đó gia đình chị bắt tay tạo dựng thương hiệu Cơ sở đèn lồng Cố Đô.
Đèn lồng Huế được nhiều du khách đánh giá cao không chỉ bởi mẫu mã đẹp, đa dạng mà còn bởi chất lượng, có thể sử dụng lâu dài, chịu được mưa gió vì làm từ vải gấm, lụa tơ tằm và loại gỗ thông đẹp được phơi khô, chạm trổ hoa văn tinh xảo.
Với những nỗ lực trong công tác quảng bá sản phẩm, đến nay đèn lồng Cố Đô không chỉ có mặt tại thị trường trong nước mà còn chinh phục thị trường “khó tính” như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Ấn Độ, New Zealand, Malaysia...
Sản phẩm của cơ sở đèn lồng Cố Đô đạt liên tiếp nhiều giải thưởng như: Top 100 thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng do Bộ Công thương trao tặng.
Với sự tích cực, tâm huyết của các làng nghề, hứa hẹn Festival Nghề truyền thống Huế năm nay sẽ là ngày hội thực sự của giới sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ khắp cả nước.
Theo Ban Tổ chức Festival chuyên đề Huế 2017
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin