Chuyện xưa kể lại ở Lăng Hoàng Gia

06:05, 27/05/2018

Lăng Hoàng Gia hiện tọa lạc tại ấp Lăng Hoàng Gia, xã Long Hưng, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang, là quê quán của Thái hậu Từ Dũ và những bậc công thần triều Nguyễn. Ngoài dáng vẻ kiến trúc trăm năm, di tích còn chứa đựng bao câu chuyện thuở xưa, nay xin kể lại.

 

Lăng Hoàng Gia hiện tọa lạc tại ấp Lăng Hoàng Gia, xã Long Hưng, thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang, là quê quán của Thái hậu Từ Dũ và những bậc công thần triều Nguyễn. Ngoài dáng vẻ kiến trúc trăm năm, di tích còn chứa đựng bao câu chuyện thuở xưa, nay xin kể lại.

Mộ phần Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng. 

Nhân vật phải kể đến đầu tiên ở Lăng Hoàng Gia là ông Phạm Đăng Long, người khai phá vùng đất này. Ông Phạm Đăng Long giỏi Nho học, phong thủy, đã chọn Gò Rùa, tên chữ là Sơn Quy, thuộc Gò Công, một thế đất cực tốt làm nơi định cư, lập nghiệp.

Ông Phạm Đăng Hưng là con trai thứ 3 của ông Phạm Đăng Long, sinh năm 1764, tại Gò Rùa, là người văn võ song toàn, từng làm đến chức Lễ bộ Thượng thư triều nhà Nguyễn và từng được giao giữ Kinh thành Huế.

Sau khi mất tại Huế vào năm 1825, ông được đưa về quê hương Gò Rùa yên nghỉ và được Vua Tự Đức truy phong tước Đức Quốc Công.

Ông Phạm Đăng Hưng không ai khác chính là thân sinh của Thái hậu Từ Dũ, ông ngoại của Vua Tự Đức. Tên Lăng Hoàng Gia ra đời là vì vậy.

Cũng cần nói thêm một chi tiết về Gò Rùa, đó là một trong những đại bản doanh của nghĩa sĩ Trương Định và được sự hậu thuẫn của Thái hậu Từ Dũ.

Bà lấy cớ “long mạch bị động” nên ra lệnh cho đắp lũy thành ở Gò Rùa nhưng thực chất là giúp nghĩa quân Trương Định đắp lũy chống giặc. Sự kiện này được cụ Nguyễn Đình Chiểu nhắc tới khi làm thơ Điếu Trương Định:

“Mây giăng Truông Cóc đường quan vắng
|Trăng xế Gò Rùa tiếng đẩu tan”

Ly kỳ tấm bia ngự ban

Lối vào khu mộ ông Phạm Đăng Hưng, phía bên trái có một nhà bia bằng đá trắng. Điều kỳ lạ là trên cùng tấm bia có hình thánh giá cùng dòng chữ bằng tiếng Pháp, hiểu là “Đây là nơi yên nghỉ của Trung úy Barbé”. Nhưng nhìn kỹ, lại thấy nền của tấm bia chi chít dòng Hán tự được chạm khắc rất khéo léo, đã bị chữ tiếng Pháp chồng lên.

Ông Phạm Đăng Được, cháu đời thứ 9 của dòng họ Phạm Đăng trên đất Gò Công kể rằng, tấm bia này tìm thấy ở TP Hồ Chí Minh, trong lần địa phương giải tỏa nghĩa địa Mạc Đĩnh Chi để xây dựng công viên Lê Văn Tám.

Người ta thấy tấm bia còn sót lại trên nền tàn dư nghĩa địa nên báo ngành chức năng. Sau quá trình nghiên cứu mới thảng thốt rằng, đó là tấm bia mà Vua Tự Đức ngự ban cho ông ngoại của mình- Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng.

Tấm bia này trong quá trình di chuyển từ kinh thành Huế vào Gò Công, đến cửa biển Cần Giờ đã bị quân lính của Trung úy Barbé cướp, giữ lại. Lại kể về tên Barbé này, hắn có mối tình với một cô gái Bến Nghé. Trong lần hẹn hò với cô này, Barbé bị nghĩa quân Trương Định phục kích giết chết. Câu chuyện này được tái hiện trong vở cải lương nổi tiếng ở Nam bộ với tên “Nàng Hai Bến Nghé”.

Trung úy Barbé không ngờ tấm bia mà hắn cướp vào năm 1858 lại chính là tấm bia cho mồ chôn hắn vào 2 năm sau, tức năm 1860. Vậy là đúng 140 năm sau, vào năm 1998, tấm bia ca ngợi công đức của Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng mới được dựng lên đúng vị trí như dự định ban đầu.

Nhìn tấm bia hàng chữ Pháp trên nền chữ Hán, du khách ai cũng thắc mắc. Ngờ đâu, trong đó là một chuyện sử ly kỳ như tiểu thuyết.

Chúng tôi đã đi tìm lời giải cho phần văn bia Hán tự ấy ghi gì về ông ngoại nhà vua. Và biết rằng, bia này do hai vị quan Phan Thanh Giản và Trương Quốc Dụng “tìm tòi hành trang của ông, đem khắc nêu ra đặng cho khỏi mất mát”.

Phần bia là những lời ca ngợi công đức của dòng họ Phạm, cách riêng với Phạm Đăng Hưng, từ thuở bé đến khi nhắm mắt lìa đời. Văn bia ghi nhận:

“Năm Tự Đức thứ năm (1852) bàn bạc bổ sung điển thờ công thần, chúng tôi cho rằng ông buổi đầu dựng nước giúp việc quân cơ, sau lúc bình yên, tham gia chính trị, công lớn rõ ràng, trước sau trọn tiết, xếp vào thờ hàng đầu cũng đúng với lễ nghi báo đáp. Cho nên ông cùng Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định được đưa vào thờ ở miếu Trung Hưng công thần”.

 Đoạn cuối văn bia, được chúng tôi ghi nhận như sau (phần tạm dịch):

“Mộ ông và bà đều tại Gò Rùa, cách nhau chừng vài trăm bước. Hỡi ơi! Phước đức trung nghĩa của ông như thế mà chức khắc vào bia đá là một thiếu sót! Nay vưng lệnh làm ra để tỏ lòng đời sau vậy.

Minh rằng:

Ngự Long đặt họ, vốn tự Đào Đường
Thương Chu lập nước, thờ cúng phép thường
Đền thờ Hạ Tấn họ Phạm tỏ tường
Ấy đời hưng thạnh, truyền lại miên trường”

Đối diện tấm bia này, phía bên tay phải, lại có một tấm bia khác, bằng đá hoa cương, do Vua Thành Thái ngự ban vào năm 1899 sau khi tấm bia đầu tiên bị chiếm đoạt, nội dung không khác nhau là mấy.

Giếng ngọc ở Lăng Hoàng Gia

Trong khuôn viên Lăng Hoàng Gia có một giếng nước cổ, được xây rất đẹp, tiếng đồn có tuổi thọ vài trăm năm. Ông Phạm Đăng Được kể rằng, người phát tích xây dựng giếng cổ này là ông Phạm Đăng Long, cụ là ông nội của Thái hậu Từ Dũ.

Chuyện kể rằng, trong quá trình chọn Gò Rùa làm nơi lập nghiệp, ông Phạm Đăng Long biết rằng do nơi đây gần cửa biển nên mạch nước ngọt rất hiếm hoi, lại thêm hạn hán triền miên, người dân đào giếng gặp toàn mạch nước mặn, phèn, không thể dùng trong sinh hoạt.

Vì vậy, ông chọn điểm cao nhất của vùng này là Gò Rùa để đào giếng. Quả nhiên, nước giếng nơi đây ngọt ngào, trong vắt.

Giếng nước cổ trong khuôn viên Lăng Hoàng Gia. 

Dân gian Gò Công còn truyền nhau chuyện lạ khi vợ ông Phạm Đăng Hưng hạ sinh con gái Phạm Thị Hằng (tức Thái hậu Từ Dũ sau này).

Khi bà Hằng cất tiếng khóc, các giếng nước trong vùng bỗng dưng cạn khô, dù là nước mặn hay nước ngọt, chỉ riêng giếng nước của gia tộc họ Phạm Đăng là đầy dòng nước ngọt, mát lạnh ngay khi đã múc lên bờ. Nhờ giếng ngọc này mà dân trong vùng được cứu khỏi nạn khô hạn.

Ai nấy đều biết ơn gia tộc Phạm Đăng. Chuyện thứ hai là khi bà Hằng cất tiếng khóc chào đời thì Gò Rùa xuất hiện vầng trăng soi sáng khắp vùng và rồi rơi xuống ngay khuôn viên Phạm Đăng gia.

Ông Phạm Đăng Hưng thấy điềm lạ nên đặt tên con gái là Hằng để ghi nhớ sự kiện này. Dân trong vùng thì tin rằng người con gái ấy sẽ làm nên nghiệp lớn. Quả nhiên, bà đã trở thành Đức Thái hậu Từ Dũ uy nghi, nhân hậu, xứng danh bậc Mẫu nghi thiên hạ.

Chúng tôi đã tìm trong quyển thi ký “Nam kỳ phong tục nhân vật diễn ca” của tác giả Nguyễn Liên Phong, Phát Toán xuất bản hồi năm 1909 và phát hiện ra những câu thơ ông viết về sự kiện này:

Gò Công nước uống gian nan
Mà nơi giồng ấy nước càng ngọt hơn
Đất nhằm kiết cuộc thủy sơn
Như mô rùa dạng, thường cơn vun hoài”

Tác giả Nguyễn Liên Phong hết lòng ca ngợi thế cuộc của vùng đất này:

Thiệt là một chỗ địa linh
Phát Hoàng Thái hậu hiển vinh họ hàng”

Khoảng năm 1889, Thái hậu Từ Dũ đề nghị Vua Thành Thái về Gò Rùa, thăm mộ tổ tiên họ ngoại và dường như cũng để thị sát dân tình, thăm dò lòng ngưỡng vọng của người phương Nam với triều đình nhà Nguyễn.

Cũng trong chuyến đi này, Vua Thành Thái cho khắc lại bia ca ngợi công đức Đức Quốc Công Phạm Đăng Hưng bằng đá hoa cương, thay cho tấm bia trước đã bị cướp (hai tấm bia đã kể trên). Về sự kiện này, tác giả Nguyễn Liên Phong ghi trong “Nam kỳ phong tục nhân vật diễn ca” rằng:

Năm trước ngự giá ngai vàng
Vua Thành Thái đến viếng an phủ thờ
Hai bên hương án đầy bờ
Viên quan Hương chức chực hờ bái nghinh”

*   *   *

Năm 1992, Lăng Hoàng Gia được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp quốc gia.

Theo Báo Cần Thơ

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh