Nhiều dân tộc Châu Á, trong đó có người Việt Nam, có tập quán dùng đũa trong các bữa ăn từ mấy ngàn năm trước.
Nhiều dân tộc Châu Á, trong đó có người Việt Nam, có tập quán dùng đũa trong các bữa ăn từ mấy ngàn năm trước.
Nếu như ẩm thực đã phát triển đến mức độ thành một nghệ thuật thì việc cầm đũa của con người trong các bữa ăn hoặc dùng trong các cổ bàn để cúng kiến cũng theo đó có những điều được ước lệ nên và không nên làm.
Đôi đũa trong đời sống người Việt
Có nhiều dân tộc Châu Á dùng đũa trong bữa ăn theo các ước lệ khá giống nhau, nhưng không thấy quy ước nào bắt buộc phải thực hiện đại trà theo một cách...
Điều khá thú vị là các dân tộc này đều chú ý đến yếu tố phòng bệnh khi chọn chất liệu làm đũa và trong cách dùng chúng, như người Hàn Quốc thích dùng đũa nhôm, nhưng đa phần ở các nước là chọn các loại gỗ quý không thấm nước, phổ biến và bình dân nhất là làm bằng tre già… để đũa có thể sử dụng lại nhiều lần.
Sau này tại nhiều nơi ở các nước có đời sống kinh tế cao, yếu tố phòng bệnh trong dùng đũa phát triển thêm một mức độ là trong gia đình hay ở các nhà hàng đều sử dụng loại đũa dùng một lần;
người Nhật Bản với ý thức tiết kiệm thì trên đầu đũa có khắc các khoanh tròn để chỉ số lần đũa được tái sử dụng để người dùng chọn lựa; nhiều gia đình khá giả ở Hong Kong (Trung Quốc) trong bữa ăn mỗi người dùng hai đôi đũa, một để gắp thức ăn và một để đưa cơm và thức ăn vào miệng…
Ở Việt Nam, trong kho tàng sách cổ có khá nhiều chuyện liên quan đến đôi đũa, như chuyện “Bó đũa” để răn dạy con cháu về sức mạnh của sự đoàn kết, nói về khí tiết của cha ông có chuyện Nguyễn Biểu dùng đũa lấy mắt người để nhắm rượu rồi ngâm thơ trong “tiệc đầu lâu” do quân xâm lược phương Bắc bày ra để thử thách sứ giả Việt…
Trong kho tàng văn học, cũng không thiếu việc ông bà ta chú ý răn dạy con cháu dùng đũa thế nào cho lịch sự trong các bữa ăn hay việc so đũa và bày biện đôi đũa trên bàn ăn hoặc bàn cúng kiến tổ tiên, việc sau khi dùng đũa phải rửa sạch sẽ và hong khô dưới nắng để đề phòng lây nhiễm các bệnh…
Phải dài dòng về đôi đũa như thế vì có điều khá thú vị là trong lịch sử của chiếc đũa Việt Nam có lẽ đã có lần công năng của nó được cha ông bổ sung mà giản lược: đũa được dùng 2 đầu!
Đó là cùng một đôi đũa, trong một bữa cơm thì một đầu dùng để gắp thức ăn cho vào chén, đầu còn lại dùng đưa cơm và thức ăn vào miệng.
Chuyện dùng đũa 2 đầu
Đó là thời 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp tái xâm lược nước ta. Kể từ năm 1946 ở Nam Bộ, chính quyền Cách mạng non trẻ của ta lúc đó phải cùng lúc chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm theo lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Khi vận động nhân dân xây dựng đời sống mới trong vùng ta kiểm soát, về y tế, cán bộ phát động mọi người thực hiện rộng rãi nhiều biện pháp vệ sinh phòng bệnh dễ làm, chẳng hạn như “ăn chín, uống sôi”,…
Bác sĩ Nguyễn Hồng Trung- nguyên Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Long, một cán bộ y tế kinh qua 2 thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ- nhớ lại:
Trong giai đoạn đó ở Nam Bộ, tại Khu 7 đồng chí bác sĩ Trần Nam Hưng- Vụ phó Vụ Y tế khu- phát động mọi người thực hiện khẩu hiệu “Sáng đi tiêu (đại tiện)- Tối súc miệng- Ăn đũa 2 đầu”.
Đặc biệt, việc dùng đũa 2 đầu trong các bữa ăn để tránh lây bệnh cho nhau được áp dụng rộng rãi trong các đơn vị bộ đội và các cơ quan trong nội bộ của ta…
Có lẽ khẩu hiệu trên có tác dụng tốt trong vệ sinh phòng bệnh thời ấy ở Khu 7- trong đó có việc dùng đũa 2 đầu trong các bữa ăn- nên dần dần lan mạnh ra các nơi khác nên đã để lại dấu ấn sâu sắc trong một số người ở cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược của nhân dân ta tiếp sau đó:
nhiều cán bộ chiến đấu 2 thời kỳ vẫn còn giữ thói quen này và khi trở thành cán bộ lãnh đạo cơ quan việc sử dụng đũa 2 đầu được tiếp tục vận động thực hiện, một số cơ quan khác thấy hay hay cũng làm theo, trong đó có cơ quan chúng tôi.
Lúc đó là những năm sau Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, dù cuộc chiến đấu giữa ta và địch rất ác liệt nhưng thủ trưởng của chúng tôi rất nhiệt tình vận động mọi người ăn cơm dùng đũa 2 đầu.
Vùng chúng tôi đóng cơ quan ở huyện Vũng Liêm thời điểm này trung bình cứ “2 ngày có một tiệc nhỏ, 3 ngày có một tiệc to”- cách chúng tôi ví von về các cuộc càn quét của địch.
Những ngày địch càn, anh em cơ quan ăn uống rất kham khổ, thậm chí bỏ bữa do địch chà xát địa hình.
Những bữa cơm có được trong các ngày đó thì thức ăn thường có món “cá chạch Bến Tre”, gọi cho vui chớ đó là món cơm dừa rám được xắt thành những miếng mỏng và dài như con cá chạch đem kho mặn.
Đó là còn khá, những lần địch càn đến tối thì món “kho rốp” sẽ được bày ra, gọi thế cho sang chớ đó là món nước mắm kho cho khô lại nổ rôm rốp trên bếp lửa, khi ăn mọi người dùng đũa quẹt vào ơ kho một tí rồi và cơm cho có vị mặn dễ nuốt.
Có một chuyện buồn cười là ơ kho rốp được chúng tôi chiếu cố quẹt một lúc thì dưới đáy ơ muối chảy ra đọng lại một ít nước sền sệt, thủ trưởng tôi bật cười đố chúng tôi nước đó từ đâu ra rồi làm bộ như không biết gì trả lời luôn đó là nước… bọt của chúng tôi đọng lại sau các lần quẹt!
Có những lần như thế nên lý lẽ vận động dùng đũa 2 đầu của ông càng thêm vững chắc.
Thật ra khởi đầu dùng đũa 2 đầu không đơn giản chút nào, bởi cũng đôi đũa ấy nhưng bây giờ 2 đầu đã như nhau, mà dịp thực tập thì ít ỏi bởi nhiều lắm mỗi ngày chỉ có 3 bữa cơm, nên người mới thực hiện loay hoay một lúc thì đầu đũa nào cũng là đầu lùa cơm vào miệng, đó là chưa kể những lần làm cơm đổ ra bàn, nhưng dùng riết rồi cũng quen!
Thế nhưng thói quen này lắm khi gây ra chuyện khá khôi hài khi chúng tôi ra ăn cơm ở nhà dân: lúc phe ta vì thói quen loay hoay dùng đũa 2 đầu thì con chủ nhà thấy ngộ bắt chước, còn người lớn thì quên ăn mà… nhìn!
Cũng có khi chuyện này rất tai hại như chuyện kể của cô Bảy Thân (Nguyễn Kim Hoàng)- cán bộ giao thông công khai của Khu ủy Tây Nam Bộ(1):
Một lần cô vào vai con gái đưa vị khách vào vai người cha đi đường công khai, ông là cán bộ quân sự cao cấp của quân khu được phân công chuyển vùng hoạt động.
Đường đi phải qua một số tuyến xe khách và phải dùng cơm trên đường tại chợ Bạc Liêu. Bàn ăn của cô và ông ấy lần đó kế bên bàn của 2 sĩ quan quân đội Sài Gòn.
Chuyện bất ngờ xảy ra là khi ăn ông khách vì thói quen tự nhiên dùng đũa 2 đầu như đang ở nhà. 2 tên sĩ quan trố mắt thích thú nhìn, một tên kêu lên: “Ông ấy làm gì vậy ta?”
Cô Bảy thấy nguy bèn giải vây: “Ba tôi ổng ho lao nặng nên ăn cơm làm vậy để không lây cho tôi”.
Nghe cô nói vậy và biết mình đã “hố”, vị khách giả bộ ho khúc khắc khiến 2 tên sĩ quan nghe vậy ghê quá kết thúc sớm bữa nhậu, riêng cô Bảy một phen hú vía hối vị khách rút lui nhanh!
HỒNG VÂN
(1) theo quyển “Mạch ngầm” do Hội Người kháng chiến Kiên Giang xuất bản năm 1999.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin