Nói như Khánh Ly thì ông Trịnh Công Sơn không phải của riêng ai cả, ông là của tất cả mọi người.
Nói như Khánh Ly thì ông Trịnh Công Sơn không phải của riêng ai cả, ông là của tất cả mọi người.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn |
Hôm nay đã là 17 năm ngày người hát rong về "những giấc mơ đời hư ảo" hóa thân thành cát bụi. Năm nào cũng vậy, cứ vào cái cữ xuân đương tàn nhưng hạ còn chưa chín, khi tháng tư bước tới thềm nhà, không hẹn mà cùng, người người lại xốn xang hát Trịnh.
Chẳng từ ở đâu, trong phòng trà hay trong nhà hát, cũng chẳng từ người nào, dù là diva gạo cội, dù là ca sĩ mới tập tễnh vào nghề, có người là tri âm của ông Trịnh Công Sơn, có người khi sinh ra thì ông đã không còn nữa, có người nổi tiếng nhờ hát nhạc ông, có người vì hát nhạc ông mà hứng không ít lời đàm tiếu.
Mà chín người mười kiểu hát nhạc ông, cùng một Diễm xưa, Khánh Ly thì hát hằn lên nỗi đau, Hồng Nhung hát như bay lên tận mây trời, Miu Lê nhẹ bẫng như hạt mưa sa xuống tầng tháp cổ, còn Lệ Quyên vẫn có chút nỉ non luyến láy kiểu bolero quen thuộc. Không phải kiểu nào cũng khiến thính giả nao lòng.
Nhưng thôi, "ca hát là để nhớ nhau và đôi lúc để an ủi mình", ông Trịnh Công Sơn đã từng viết vậy đấy, mà âm nhạc của ông dường như đã vượt lên ranh giới giữa tiếng nói và tiếng hát, giữa nhạc sang và nhạc hèn, giữa nhạc xưa và nhạc nay.
Còn tuổi nào cho em, Hạ trắng, Biển nhớ..., những giai điệu ấy cứ lan vào đời rồi bất giác trào qua khóe môi để cất lên thành lời ca. Và người ta không ngừng chọn Trịnh để hát bởi cũng chỉ trong nhạc ông, họ mới nhác thấy mình.
Mới đây, nhân lúc hàn huyên chuyện cũ, Hồng Nhung kể rằng có lần cùng Trịnh Công Sơn nghe những ca sĩ không chuyên hát nhạc ông, dù họ hát sai chỗ nọ, hổng chỗ kia nhưng ông vẫn cứ vô cùng vui vẻ, cũng không thấy mình phải sửa họ điều gì.
Trịnh Công Sơn từng cảm thán: "Khánh Vĩnh Hồng hay Ly Trinh Nhung là điều phải có, gần như tất yếu trong cuộc đời sáng tác của một người. Mà hình như còn nhiều nữa...". Cuộc đời sáng tác của ông bất tử bởi lớp tre còn chưa thôi hát nhạc ông đã ngay lập tức có lớp măng tìm tới ông để hát.
Như tên một đêm nhạc tưởng nhớ 17 năm ngày ông tạ thế - Phúc âm, nhạc của ông cũng là một thứ phúc âm, tùy tuổi đời, tùy trải nghiệm mà mỗi người hát ra một cách. Từ Khánh Ly tới Miu Lê là nhiều thời đại. Nhưng thời nào cũng cần có Trịnh, ngày sau sỏi đá cũng cần có Trịnh.
Theo TTO
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin