Cùng với cộng đồng dân tộc Khmer Nam Bộ, bà con Khmer tỉnh Vĩnh Long chuẩn bị đón Tết Năm mới (Chol Chnam Thmay) được xác định theo lịch Khmer, năm nay diễn ra vào 3 ngày 14- 15- 16/4.
Cùng với cộng đồng dân tộc Khmer Nam Bộ, bà con Khmer tỉnh Vĩnh Long chuẩn bị đón Tết Năm mới (Chol Chnam Thmay) được xác định theo lịch Khmer, năm nay diễn ra vào 3 ngày 14- 15- 16/4.
Đây là tháng thứ 5 (tháng Chet) theo Phật lịch nhưng được dân gian Khmer quan niệm như tháng đầu tiên trong năm. Lễ thỉnh Đại lịch (Maha Sangkrang), được xác định vào lúc 9 giờ 12 phút, ngày 14/4, đồng bào Khmer chính thức bước vào năm mới.
Chuẩn bị triển lãm thành tựu nông thôn mới của đồng bào Khmer, tại chùa Cần Thay (xã Tân Mỹ- Trà Ôn). Đây là địa điểm diễn ra những ngày hội Văn hóa, thể thao đồng bào Khmer tỉnh Vĩnh Long lần thứ VIII năm 2018. Ảnh: Dương Thu |
Một cái tết đậm nét văn hóa cổ truyền Khmer Nam Bộ, càng vui hơn trong không khí nông thôn ngày càng thêm mới, cuộc sống bà con ngày một ấm no, khá giả.
Gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống
Theo nông lịch Khmer, đây chính là giai đoạn nông nhàn gần như tuyệt đối, vì là cao điểm của mùa khô, lúa đã thu hoạch xong, mọi hoạt động trồng trọt chăn nuôi đều bị chựng lại để trông chờ những cơn mưa đầu mùa. Do đó, lễ hội này mang ý nghĩa chào đón mùa mưa và mùa màng mới.
Ông Thạch Chia- người uy tín của chùa Gò Xoài (ấp Mỹ Bình, xã Tân Mỹ- Trà Ôn)- hồ hởi chia sẻ: “Không khí chuẩn bị vui lắm, bà con dọn dẹp trang hoàng nhà cửa, đặc biệt là bàn thờ tổ tiên.
Còn lại mọi nghi lễ quan trọng đều diễn ra trên chùa. Ngày 13/4 là ngày vào năm cũ, nhưng lễ đón năm mới của đồng bào Khmer không cố định như giao thừa của người Kinh, mà được xác định theo Phật lịch và thay đổi từng năm.
Do đó, năm nay bà con chính thức bước vào năm mới lúc 9 giờ 12 phút, ngày 14/4, gọi là Maha Sangkrang (thỉnh Đại lịch).
Biểu diễn nhạc ngũ âm của đồng bào Khmer- nét văn hóa không thể thiếu trong dịp lễ tết của đồng bào Khmer. Ảnh: MINH THÁI |
Mọi người dân Khmer đều nô nức tắm gội sạch sẽ, ăn mặc đẹp để tới chùa thỉnh lịch Maha Sangkrang (Đại lịch) để dùng trong suốt một năm. Khi tới chùa, họ tổ chức đi vòng quanh bên ngoài chính điện 3 vòng rồi mới bước vào chính điện lễ Phật.
Ngày thứ hai, sáng và trưa người dân làm lễ dâng cơm cho các sư, đến chiều họ tiến hành nghi thức đắp núi cát. Đắp núi cát là một nghi thức quan trọng của Tết Năm mới, được tiến hành ở 8 hướng xung quanh ngôi chính điện của chùa.
Việc đắp núi cát này có rất nhiều ý nghĩa gắn liền với Phật giáo Nam tông và có nguồn gốc sâu xa hơn từ đạo Bà- la- môn.
Riêng ở chùa Gò Xoài, theo ông Thạch Chia thì việc đắp núi cát được gắn liền với ý nghĩa thế tục. Mấy năm nay, riêng chùa Gò Xoài thay đắp núi cát bằng núi lúa.
Bà con người đóng góp thúng lúa, giạ lúa tùy khả năng, sau đó lúa sẽ được đóng góp cúng kiếng, sửa sang chùa.
Ngày thứ ba là lễ tắm tượng Phật (mộc dục) và tắm sư. Đây cũng chính là nghi thức thể hiện lòng tôn kính Đức Phật và các vị sư, đồng thời cũng là nghi thức ma thuật gắn chặt với việc cầu mưa để bắt đầu vụ mùa mới.
Đây cũng là dịp đồng bào tưởng nhớ và cúng bái tổ tiên, cúng dường các sư và thỉnh các nhà sư tụng kinh nơi tháp cốt để cầu siêu cho người thân đã khuất.
Chol Chnam Thmay là một nét đẹp truyền thống độc đáo của cộng đồng Khmer gắn liền với nghi thức Phật giáo Nam tông.
Riêng đồng bào Khmer Vĩnh Long, cái tết càng thêm vui, thêm rộn rã tiếng cười từ sự đổi thay của bộ mặt nông thôn, đời sống người dân không ngừng phát triển.
Niềm vui nông thôn mới
Từ những ngày rộn ràng chuẩn bị cho Chol Chnam Thmay năm nay, chúng tôi về thăm lại những phum sóc đã hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, chứng kiến niềm vui của bà con nơi đây.
Con đường dẫn vào chùa Cần Thay đang được nâng cấp, mở rộng. Ảnh: Dương Thu |
Từ một địa phương có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống trước đây gặp nhiều khó khăn, xã Đông Bình (TX Bình Minh) trở thành xã nông thôn mới.
Trên địa bàn xã hiện không còn nhà tạm, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 38 triệu đồng/năm, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên chiếm gần 94%.
Đặc biệt, trong số 600 hộ đồng bào dân tộc Khmer ở ấp Phù Ly 1 và Phù Ly 2, tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn hơn 2%.
Là một trong các hộ dân được hỗ trợ cất nhà kiên cố, bà Thạch Thi ở ấp Phù Ly 1, không còn nơm nớp lo sợ mỗi khi mưa bão. “Có nhà lành lặn để ở, vợ chồng tui mừng dữ lắm. Giờ tui đan đát để kiếm thêm thu nhập, nhờ vậy cuộc sống cũng ổn định hơn”- bà Thạch Thi nói.
Ông Va Ley- Bí thư kiêm Trưởng ấp Phù Ly 1- cho biết: “Cuộc sống của bà con ngày càng khởi sắc, phấn khởi lắm. Nhà ở được Nhà nước hỗ trợ “3 cứng” nên không còn nhà xập xệ. Bà con cũng chí thú làm ăn, vượt khó thoát nghèo”.
Theo ông Ngô Vĩnh Tuân- Phó Chủ tịch UBND xã Tân Mỹ (Trà Ôn), đời sống của đồng bào dân tộc Khmer ngày càng được nâng cao. Đặc biệt là việc hỗ trợ nhà ở, riêng trong 2 năm qua, được sự hỗ trợ của Đài THVL, xã đã cất 510 căn cho hộ nghèo dân tộc Khmer.
Hướng tới thì UBND xã tiếp tục có nhiều chương trình hỗ trợ, đặc biệt là chương trình theo Quyết định 2085 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề cho đồng bào dân tộc Khmer, gắn kết với phát triển sản xuất cũng như là buôn bán, rồi chăn nuôi để phát triển bền vững hơn.
Đồng chí Trương Văn Sáu- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh- ghi nhận và đánh giá cao những đóng góp tích cực của bà con đồng bào Khmer trong việc góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội tỉnh nhà.
Đồng chí cũng bày tỏ sự tin tưởng và mong các vị sư sãi, chức sắc, cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang và đồng bào dân tộc Khmer tích cực tăng gia sản xuất, xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ;
phát huy tinh thần trách nhiệm trong công tác; ra sức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; tích cực xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; chung sức chung lòng xây dựng nông thôn mới, góp phần thúc đẩy kinh tế- xã hội tỉnh nhà ngày càng phát triển.
Bắt đầu bước vào năm mới với niềm hy vọng đón mùa mưa mới cho mùa màng tốt tươi, bà con tiếp tục xây dựng nông thôn ngày càng đổi thay, chất lượng đời sống tất cả bà con đều được ấm no, hạnh phúc. Tiếp tục lưu truyền, gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, song hành với những chuẩn mực, tinh hoa mới của thời đại.
Từ ngày 10- 13/4/2018, đoàn lãnh đạo của tỉnh thành lập 8 đoàn đến thăm viếng, chúc tết Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh, Trường Dân tộc Nội trú tỉnh và 13 chùa Nam Tông Khmer ở 4 huyện- thị trong tỉnh. Đây là hoạt động thiết thực, nhằm thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước chăm lo đời sống vật chất, tinh thần đối với đồng bào dân tộc, đồng thời cũng là dịp để lãnh đạo tỉnh tìm hiểu, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của bà con, động viên bà con đồng bào dân tộc Khmer tiếp tục giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc phát huy truyền thống đoàn kết yêu nước, tích cực thi đua phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo góp phần xây dựng nông thôn mới. |
NGỌC TRẢNG- THÚY QUYÊN
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin