Anh hùng LƯU VĂN LIỆT và trận đánh đầu tiên mở đầu cho phong trào đánh biệt động ở đô thị

03:04, 10/04/2018

Khi đến Phường 2 (TP Vĩnh Long)- nơi trận đánh diệt Mỹ đầu tiên được anh Lưu Văn Liệt thực hiện năm 1966- tìm hiểu nhiều nhân chứng của thời điểm năm 1965-1968 tại đô thị Vĩnh Long, chúng tôi được cô Nguyễn Ngọc Điệp (Hai Đê)- cán bộ lão thành cách mạng tại Phường 1- cho biết: 

Khi đến Phường 2 (TP Vĩnh Long)- nơi trận đánh diệt Mỹ đầu tiên được anh Lưu Văn Liệt thực hiện năm 1966- tìm hiểu nhiều nhân chứng của thời điểm năm 1965-1968 tại đô thị Vĩnh Long, chúng tôi được cô Nguyễn Ngọc Điệp (Hai Đê)- cán bộ lão thành cách mạng tại Phường 1- cho biết:

Anh Lưu Văn Liệt từ Tam Bình lên tỉnh lỵ Vĩnh Long hoạt động trong số các học sinh yêu nước. Lúc đó, anh vẫn là một thanh niên tích cực, đang phấn đấu để gia nhập tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Và anh là một chiến sĩ biệt động đã làm nên những kỳ tích đầu trong phong trào đánh Mỹ và diệt Mỹ.

Thời điểm năm 1965, quân Mỹ đổ bộ ồ ạt vào miền Nam với chiến lược chiến tranh cục bộ. Lúc này có nhiều quán bar nổi lên để phục vụ cho binh lính và sĩ quan Mỹ; trong đó, có quán bar Lệ Hoa nằm phía trên cầu Lộ, ở số 66 Lê Thái Tổ là quán dành riêng cho sĩ quan Mỹ và ngụy.

Sau những thắng lợi của các phong trào đấu tranh nội ô, đội Biệt động của lực lượng thanh niên tại nội ô được củng cố.

Ngày 6/11/1964, Đội biệt động do đồng chí Tám Long chỉ huy, phối hợp với cơ sở nội tuyến của quân báo tỉnh đánh kho xăng cầu Lầu, đốt cháy 3 triệu lít xăng.

Đúng 18 giờ chiều 6/2/1966, đội viên đội Biệt động là Lưu Văn Liệt và Võ Bá Chiến- vốn là học sinh lớp đệ tam (lớp 10) Trường Trung học tư thục Long Hồ- đóng giả sĩ quan nhảy dù của ngụy vào quán bar Lệ Hoa, mang theo mìn hẹn giờ để trong ba lô.

Chủ quán Trương Lệ Hoa thấy 2 sĩ quan lạ, lại quá trẻ, nên nghi ngờ, điện thoại báo cho bọn an ninh quân đội.

20 giờ 50 phút, một tốp sĩ quan Mỹ vào ăn nhậu. Võ Bá Chiến giả vờ ra ngoài xem chừng xe, Lưu Văn Liệt thì giả vờ đi vệ sinh. Mụ chủ quán tinh quái ôm Lưu Văn Liệt lại. Anh hất mụ chủ quán té sấp xuống. Tức thì, một tiếng nổ long trời phát ra.

Anh Chiến băng qua đường Quận Nghĩa (nay là đường Ngô Quyền), rút về đình Tân Giai an toàn.

Lưu Văn Liệt bị thương vào vai do mìn nổ quá gần, anh chạy qua cầu Lộ, rẽ đường Thoại Ngọc Hầu (nay là Võ Thị Sáu, Phường 1) chạy về hướng cầu Kinh Cụt, nhưng cầu đã sập trước đó mấy ngày mà các anh chưa hay. Anh đổi hướng chạy về đường Nguyễn Du. Địch đuổi[1] theo phía sau.

Anh rút chốt lựu đạn cầm tay. Bất thình lình tên đại úy cảnh sát ác ôn Nguyễn Văn Ngọc đang ở nhà vợ bé trên đường Nguyễn Du chạy ra chặn đường. Một tên lính dí súng vào anh định bắt sống.

Tên Ngọc vừa tới, Lưu Văn Liệt gạt nòng súng ra và buông lựu đạn. Anh Lưu Văn Liệt hy sinh, tên cảnh sát Ngọc bị thương nặng. Trong trận đánh này, tại quán bar Lệ Hoa, nhiều tên lính Mỹ và ngụy Sài Gòn chết và bị thương.

Đây là trận đánh diệt Mỹ đầu tiên ở ĐBSCL của đội Biệt động Vĩnh Long mới thành lập; trận đánh đã mở đầu phong trào diệt Mỹ ở Tây Nam Bộ và cũng mở ra lối đánh biệt động táo bạo vào các cơ quan đầu não sau này.

Sau trận đánh bar Lệ Hoa của Lưu Văn Liệt, 4 trường trung học lớn nhất tỉnh năm trên địa bàn Hộ 1, cũng là 4 trường trung học lớn nhất của tỉnh Vĩnh Long: các trường trung học Tống Phước Hiệp, Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Thông và Long Hồ bị mật vụ, cảnh sát quan tâm đặc biệt.

Chúng tăng cường xét hỏi, bắt bớ những học sinh nông thôn lên trọ học, cài một số sĩ quan vào các trường học giảng dạy môn công dân để tra xét.

Thế nhưng, qua trận đánh đó đã cổ vũ phong trào học sinh càng có tổ chức chặt chẽ, bí mật hơn và đi vào hiệu quả hơn.

Nhạc sĩ Xuân Điền- tức Huỳnh Anh Kiệt, nguyên Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Long- là người rất am hiểu về những hoạt động bí mật đó của đội Biệt động Vĩnh Long trong học sinh, trí thức trẻ hồi đó, vì cũng hoạt động trong lực lượng đoàn viên trẻ Vĩnh Long tại nội đô đã cho tôi biết:

Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy ngay từ năm đó, đã phát động viết về người anh hùng Lưu Văn Liệt. Sự hy sinh máu lửa, tinh thần chiến đấu quả cảm “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của người chiến sĩ biệt động trẻ tuổi Lưu Văn Liệt là tấm gương về tinh thần yêu nước, cũng như giúp nhân rộng phong trào.

“Mọi người rất phấn khởi, người thì làm thơ, người viết truyện, người viết ký, người viết tiểu sử, viết vọng cổ, riêng tôi chọn theo cách viết nhạc và bài hát “Tiếng bom Lưu Văn Liệt” ra đời được mọi người đón nhận.

Nhất là bài hát “Tiếng bom Lưu Văn Liệt” được anh em trong Ban Tuyên huấn nhiệt tình ủng hộ, sau đó chuyển bài hát cho đoàn văn công tập luyện, vì giai điệu dễ thuộc nên nhanh chóng đi vào lòng người”- nhạc sĩ Xuân Điền kể.

Giữa những năm tháng kháng chiến gian khổ vô cùng đó, người người cùng hát bài hát “Tiếng bom Lưu Văn Liệt”- nhất là thanh niên học sinh.

Sau giải phóng, bài hát còn được chọn làm tác phẩm “Đài hiệu” cho Đài Truyền thanh TX Vĩnh Long hay hát trong các buổi họp mặt truyền thống của Đoàn thanh niên.

Thưởng thức bài hát này, người nghe vừa xúc động, vừa cảm phục trước lòng quả cảm của người chiến sĩ biệt động đã hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân. Bài hát sau đó nhanh chóng trở nên nổi tiếng, có giá trị nghệ thuật lan tỏa trong tỉnh và ra toàn quốc.

Hơn 50 năm trôi qua, trận đánh đầu tiên của 2 đội viên Biệt động Vĩnh Long với cách đánh biệt động đầy táo bạo sẽ mãi mãi còn khắc sâu trong lịch sử và tâm trí cán bộ, đảng viên, thanh niên tuổi trẻ Vĩnh Long.

[1] Theo tài liệu lưu trữ của địch mang số hiệu H.51, báo cáo số 1584 của Trưởng Ty Cảnh sát Vĩnh Long, ngày 8/2/1966: chết tại chỗ 2 tên lính Mỹ, 1 cảnh sát ngụy. Sau đó, 7 tên Mỹ tử thương ở bệnh viện, 2 tên ác ôn khác bị trọng thương.

PHẠM BÁ NHIỄU

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh