Chậu mai trắng

01:03, 17/03/2018

Gió bấc về, cội mai vàng thay áo mới. Những chiếc lá non lắc lay trong gió, mỏng manh, yểu điệu như bước chân nàng vũ công đang lả lướt điệu Tango tình tứ.

Gió bấc về, cội mai vàng thay áo mới. Những chiếc lá non lắc lay trong gió, mỏng manh, yểu điệu như bước chân nàng vũ công đang lả lướt điệu Tango tình tứ.

Nhưng với ông giáo, mỗi khi bấc mang hơi lạnh thổi hắt hiu trên đọt dừa nước là ông lại nghe nỗi buồn đang chấp chới trong lòng. Vợ, con,… không hiểu sao những người thân yêu nhất của ông đều lần lượt ra đi đúng vào mùa gió bấc.

Ví như ngày vợ ông nhắm mắt, cũng bấc thổi liu riu và trời thì se lạnh. Lúc hấp hối, bà trăng trối với ông, thều thào, nhẹ như chiếc bông gòn vừa rời xa thân mẹ: “Ông à, tui… đi… nghen ông!

Một mình ở lại, ông nhớ… nuôi dạy thằng con cho tử tế, nên người. Được bi nhiêu đó là… tui… an tâm rồi!” Sống với nhau mấy chục năm vậy mà trước lúc đi xa, bà chỉ nói được với ông có mấy lời ngắn ngủi.

Đêm nay, gió bấc trở mình, chạy loằng ngoằng trên sông rồi chòng chành ngoài đám lá. Ông giáo ngồi ở bộ bàn giữa, nhấp ngụm trà đậm, lòng đắng đót khi nghe tiếng tắc kè đang khóc trên mái ngói rêu phong.

Chợt ông nghe thằng Bạch trở mình khóc the thé trong buồng như một đứa trẻ. Nó là cháu nội của ông, gần ba mươi tuổi đầu mà giống hệt một đứa bé khô đét xương.

Chiến tranh đã qua đi, cha mẹ nó không còn nhưng chất độc da cam đã để lại trong nó một thân hình kỳ quái.

Mai ngừng tay, vào buồng thấy thằng Bạch nằm trên giường, đôi mắt trõm lơ, vô hồn nhìn vào khoảng không. Cái miệng nó bạnh ra, không biết là đang cười hay khóc.

Mai tặc lưỡi, thở dài rồi trở ra tiếp tục thái từng miếng dừa mỏng để sên mứt. Lại thêm một mùa mai nở, gia đình vẫn túng thiếu, thằng Bạch thì vẫn cứ bệnh rề rề.

Cô ngán ngẩm quơ tay đập mấy con muỗi đang vo ve như không hề sợ cái mẻ đang un un khói rồi ngước lên nhìn ông giáo:

- Nội à, mấy ngày nay ông ho nhiều, cứ thức khuya, rồi thuốc, rồi trà thì làm sao hết được? Trà ông uống vàng như nghệ, chát ơi là chát!

Nghe đứa cháu nhằn, ông giáo cười trừ trước tình thương mà chỉ những người thân, là ruột rà máu mủ mới dành cho nhau. Tết lại đến, nhìn con Mai, ông lại chạnh lòng nhớ cái câu “Con gái có thì”.

Biết vậy, nhưng ông phải làm gì khi biết rằng đứa cháu gái ở vậy là vì ông, vì thằng Bạch- đứa em trai vô phước.

Nhưng lòng ông càng đau hơn mỗi khi lại nghĩ rằng… biết đâu… con Mai lại cũng mang trong người… như em nó? Bất chợt, những giọt nước trong veo, mằn mặn từ hai hố mắt trũng sâu của ông lại rịn ra, ướt nhèm đôi má gầy gò.

Tết năm nay, bao nhiêu tiền đã đổ hết vào thằng cháu bệnh tật, nhà chẳng có gì ngoài mấy trái dừa mà thằng Đực- con thím Chín hàng xóm- mới hái dùm hồi sáng.

Được bốn buồng, con Mai bán bớt đi một ít, lấy tiền mua đường về sên mứt để có cái mà cúng kiếng ông bà, rồi khách khứa trong năm ba ngày tết.

Đã vậy mà mấy hôm rồi thằng Bạch thêm trở bệnh, phen này chắc ông phải đành lòng bán đi chậu mai trắng mà nhiều lần con Mai đã can ngăn.

Với ông, chậu bạch mai có rất nhiều kỷ niệm nhưng tính mạng của đứa cháu nội còn quý hơn thế nữa. Nó chào đời đã gặp bất hạnh, vậy thì ông có mất đi chậu mai để giữ lại sự sống cho nó cũng là phải lẽ. Chỉ tiếc rằng vì nghèo khó mà ông đành phải rời xa một kỷ vật đã theo ông gần hết cuộc đời.

*

* *

Hai mươi tám tết, chợ hoa xuân đủ sắc màu, chậu bạch mai chỉ giản dị những cánh trắng thuần khiết giữa ngàn hoa tươi thắm. Bên chậu mai trắng, Mai ngồi bó gối nhìn dòng người tấp nập, hớn hở chen vai nhau mua sắm, tự dưng lòng cô bỗng thấy buồn, thấy tủi cho thân phận.

- Chà, chậu mai trắng đẹp quá! Bán bao nhiêu vậy cô? - Một người đàn bà xuýt xoa.

- Dạ, một triệu đồng. Cây mai này lâu năm lắm rồi đó!

Người đàn bà thè lưỡi ra, tròn mắt:

- Mắc quá! Ai mua cho nổi! Mai vàng đằng kia đẹp hơn mà giá thì “rẻ bèo” luôn.

Mai thất vọng, người ta chưa thấy được giá trị của cây mai quý này. Ông cố để lại rồi đến nội, tuổi của nó đã ngót trăm năm.

Lát sau, có một cụ già đến ngắm nghía hồi lâu rồi hỏi:

- Chậu mai này giá bao nhiêu vậy cháu?

- Dạ một triệu đồng chẵn. Giống mai quý đó ông ạ!

Ông lão ngồi xuống, mân mê bộ rễ xù xì, uốn lượn như thân rồng của cây mai rồi khẽ gật:

- Ờ, bạch mai chánh tông. Giống mai trắng này bây giờ hiếm lắm, với lại nó đã cao niên nên càng quý hơn. Tui ưng nó lắm, ngặt... không đủ tiền.

Bao người đến rồi lại đi. Nắng đã lên cao, chậu mai đã được hạ giá xuống còn chín trăm rưỡi, rồi chín trăm mà cũng chẳng ai dám mua.

Chắc duyên số của nó với gia đình mình chưa hết, nhưng... còn thằng Bạch thì sao?- Mai nghĩ vậy, cho nên dù chợ hoa đã thưa người nhưng cô cố bắt chuyện với mẹ con bà bán hoa quê ở Đồng Tháp để quên cái bụng đang cồn cào kêu đói, để cho bản thân thêm chút hy vọng.

Đang lúc Mai thở dài, ngán ngẩm định quay về bỗng có một ông khách dáng cao ráo, ăn mặc sang trọng đến hỏi mua chậu mai trắng. Sợ ông khách sẽ bỏ đi vội vã, cô đành hạ giá:

- Dạ, tám trăm ngàn đồng.

Người khách ngắm chậu mai thật kỹ rồi gật đầu đồng ý khiến Mai giật mình, vừa mừng lại vừa tiếc: Gặp ông khách nhà giàu này, phải chi nói giá một triệu...

Song, khi cầm được xấp tiền trên tay, Mai cười mỉm “Được số tiền này mình sẽ mua sắm chút ít, còn lại bao nhiêu lo thuốc thang cho thằng Bạch”. Mai cười nhưng mắt lại rớt ra mấy giọt nước, lăn dài khi cố ngoái đầu nhìn lại “Người bạn tri kỷ” của nội một lần cuối.

*

* *

Xuống xe, Minh tần ngần hồi lâu trước ngôi nhà cổ. Đúng là ngôi nhà này nhưng… không biết thầy vẫn sống còn ở đây hay đã đi nơi khác sau cuộc chiến? Minh khấn vái phật trời mong thầy được bình an, mạnh khỏe để anh có dịp nhìn lại người đã mớm cho anh những con chữ đầu tiên.

Thầy đã dạy anh biết đọc, biết viết, biết nhân nghĩa ở đời. Ngày xưa, thầy hay bắt phạt quỳ gối, khẻ vào tay, vào mông nhưng đám học trò đứa nào cũng đều mến bởi thầy làm thế để lũ trẻ được nên người.

Minh đảo mắt nhìn khắp sân: “Ủa, cây bạch mai quý của thầy đâu?” Anh nhớ rất rõ, ngày trước thầy là một ông giáo trường làng nên học trò cùng lớp tuổi tác rất chênh lệch nhau.

Là một trong những đứa nhỏ nhất nhưng Minh đã loáng thoáng hiểu được dụng ý của thầy qua một số bài giảng.

Thầy thường lấy đề tài cây bạch mai trước sân để giáo dục lòng kiên định của những người dân trong hoàn cảnh mất nước: Hoa mai trắng như tấm lòng trong trắng, thủy chung của người dân Việt Nam; màu trắng ấy vẫn thuần khiết, kiên trung dù tiết trời thay đổi, dù nắng táp mưa sa,...

Không người, Minh bước vào cánh cổng khép hờ. Con mực hực mấy tiếng rồi từ trong nhà chạy ra sủa inh ỏi. Anh vừa xua chó, vừa ngóng vào trong:

- Chó! Chó! Có ai ở nhà không?

Tiếng một người già, giọng hơi khàn vọng ra:

- Mực! Mực! Ai đó? Vô đi!

Minh hồi hộp vào sân, bước lên bậc thềm quen thuộc thuở nào. Trong nhà, cảnh vật không thay đổi nhiều, câu đối đỏ vẫn thơm thoảng bên nén hương ngày tết. Thầy ngồi ở bộ ngựa? Đúng rồi! Dù đã mấy mươi năm, người già đi rất nhiều song chiếc mũi thẳng và gương mặt phúc hậu kia anh vẫn còn nhớ như in.

Vừa bước vào, Minh đã vòng tay thủ lễ và cúi người xuống:

- Dạ, thưa thầy!

Ông giáo ngạc nhiên nhìn người khách lạ:

- Ủa, cậu đây là... thiệt tình tôi không nhớ ra?

Minh bước đến gần hơn:

- Dạ, con là thằng Minh- con của ông Tám Quan- nhà ở xóm Chùa, học trò của thầy ngày xưa.

Đôi mày ông giáo nhíu lại hồi lâu rồi chợt giãn ra, mắt sáng hẳn lên:

- A, ta nhớ rồi! Thằng Minh, đứa học trò ngoan của lớp.

Sau khi Minh đốt nén nhang để làm lễ với ông bà thì thầy trò vừa uống trà vừa trò chuyện. Thằng bé ngày nào giờ tóc đã nhuốm sương nhưng khi tiếp chuyện với người thầy năm xưa lại cứ ngỡ mình rất còn non trẻ, cần được dạy dỗ nhiều điều. Còn thầy, thầy tuy đã già đi mà vẫn điềm đạm trong lời ăn tiếng nói như thuở nào.

- Mấy mươi năm nay con đã làm gì? Ở đâu?

- Dạ, ngày trước, khi nghe tin đồn thầy có dính dáng đến một tổ chức chính trị nào đó, vì là con trai một, sợ bị liên lụy nên ba má bắt con phải thôi học.

Sau đó gia đình dời lên Sài Gòn, được ít lâu thì chuyển ra tận miền Đông. Hiện con đang sống cùng vợ và hai đứa con, là một doanh nghiệp rất thành đạt trong làm ăn kinh tế, nhưng...

Minh nghẹn lời:

- Dạ thưa thầy, bao năm qua, điều làm con day dứt mãi là chưa một lần về thăm lại quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn, đặc biệt là thầy- người mà con yêu kính như ông bà, cha mẹ. Xin thầy… hãy tha thứ cho con!

Lời của cậu học trò khiến bao ký ức của ngày xưa, tưởng đã ngủ yên trong lòng ông giáo chợt thức dậy, cồn cào đến xốn xang.

- Hồi đó, thầy hổng có tham gia tổ chức nào cả, mà qua một số bài giảng về thực trạng đất nước có lẽ đã khơi dậy lòng yêu nước của một số học trò nên có em đã thấm thía nỗi đau mất nước mà đi theo cách mạng.

Nghe tin đồn, bọn lính có đến nhà khám xét, tra hỏi nhưng không có chứng cớ gì, vì vậy chuyện đó rồi họ cũng bỏ qua. Mãi đến sau này, đứa con trai và con dâu của thầy mới thật sự là những chiến sĩ đi theo cách mạng.

Nhớ đến con trai và con dâu, ông giáo bỗng nghẹn ngào, mắt ngấn nước nhìn lên bàn thờ:

- Sau ngày giải phóng rất lâu, con Mai- đứa cháu nội mới chào đời, dù muộn màng nhưng đó lại là niềm vui của cả gia đình.

Vài năm sau, khi sắp có thêm đứa cháu thứ hai thì… tre già phải khóc măng non… vết thương cũ tái phát, con trai của thầy đã… vĩnh viễn ra đi.

Vợ nó sau khi sanh con thì sức khỏe cứ yếu dần và cuối cùng cũng ra đi bỏ lại hai cháu. Con Mai giờ đã lớn khôn, thằng Bạch thì... chất độc da cam đã biến nó thành...

Thầy nói, giọng thầy run, lưng chùng xuống, mắt ràn rụa, đau đến tột cùng. Minh nhìn cái dáng còm còm của thầy và tận mắt chứng kiến tình cảnh của thằng Bạch khiến anh không sao cầm được nước mắt. Những giọt lệ cứ nối nhau lăn dài, mặn đắng như đang chảy ra từ trong máu, trong tim.

Chiến tranh không còn, bao người ngã xuống bấy nhiêu vẫn chưa đủ, vẫn còn đó những trái tim thoi thóp, những hình hài méo mó đang vật vã từng ngày.

Lát sau, nhìn ra sân, Minh thắc mắc hỏi ông giáo:

- Thưa thầy, con còn nhớ ngày trước thầy có trồng một cây mai trắng trước sân, giờ… sao con hổng thấy?

Nghe hỏi, ông giáo bất ngờ, bối rối:

- Ờ, ờ… cây bạch mai... thầy quý nó lắm, quý như hai đứa cháu nội: đứa Mai, đứa Bạch. Nhưng... nó… đã chết rồi. Cây mai đã lão nên vội ra đi để lại bao luyến nhớ cho người bạn cố tri.

Minh tặc lưỡi:

- Tiếc quá! Những ngày được học ở đây, cây mai ấy đã để lại trong chúng con rất nhiều bài học làm người vô cùng quý báu. Thưa thầy, hôm nay con đến trước là viếng thầy sau có món quà kính biếu...

Ông giáo cắt lời:

- Học trò cũ nhớ thầy, tới thăm đã là quý lắm rồi, quà cáp làm gì? Thầy...

- Thưa thầy, đó là tấm lòng thành của con- một chậu hoa mai trắng. Lúc nãy, không tiện mang vô, con còn để trước cổng.

- Bạch mai?

- Dạ!

Minh khệ nệ mang chậu mai vào, vừa đến sân thì ông giáo đã bước ra. Ông giật thót tim, giọng lắp bắp:

- Chậu... mai... trắng...?

- Thưa thầy, một dịp tình cờ con đã mua được chậu mai của một cô gái vào ngày hai mươi tám tết, định biếu thầy cho một cặp đủ đôi. Vậy mà…

Ông giáo đứng trân người không biết phải nói sao thì vừa lúc nghe tiếng con Mai từ ngoài cổng:

- Nội ơi, con mới về!

Không biết lẩn tránh cách nào, ông đành tiếp tục đứng ngây người ra, hết nhìn chậu mai lại ngó cậu học trò. Mai vừa đi tết nhà bạn về, định gật đầu chào bỗng giật mình khi nhận ra ông khách đã mua chậu mai hôm trước.

Phần Minh, anh cũng thật ngỡ ngàng và không khỏi lúng túng:

- Ủa, cô… này... là...?

- Nó... là con Mai... đứa cháu nội...

Mai ngơ ngác, tròn mắt nhìn nội và người khách bên chậu mai trắng của gia đình. Hai thầy trò không nói gì, chỉ ôm chầm lấy nhau và cứ để mặc cho những giọt nước rịn ra và lăn dài trên má.

Ngoài trời, gió xuân se lạnh nhưng lòng người vẫn ấm. Chậu bạch mai được đặt vào nơi cũ. Tết này, nó lại tiếp tục nở những đóa hoa tinh khiết cho đời.

NGUYỄN LINH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh