Cuộc thi sáng tác lời mới bài ca vọng cổ và nhạc tài tử Nam Bộ do Đài PT- TH Vĩnh Long tổ chức lần đầu tiên nhưng đã có trên 1.200 tác phẩm của hơn 300 tác giả đến từ 30 tỉnh, thành của cả nước tham dự.
Trao giải cho các tác giả cuộc thi sáng tác lời mới bài ca vọng cổ và nhạc tài tử Nam Bộ năm 2017. |
Cuộc thi sáng tác lời mới bài ca vọng cổ và nhạc tài tử Nam Bộ do Đài PT- TH Vĩnh Long tổ chức lần đầu tiên nhưng đã có trên 1.200 tác phẩm của hơn 300 tác giả đến từ 30 tỉnh, thành của cả nước tham dự.
Đây là dịp để những người yêu thích ĐCTT, cải lương có dịp hôi ngộ, giao lưu trao đổi kinh nghiệm trong việc sáng tác bài bản tài tử, nhất là các bài bản trong 20 bản tổ và bài ca vọng cổ- một bài ca vua của sân khấu cải lương.
Cuộc thi chính thức thông báo và nhận bài thi từ đầu tháng 8/2017 đến ngày 31/12/017, dù chỉ với thời gian ngắn nhưng đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các tác giả.
Các tác phẩm dự thi cũng phong phú, đa dạng, tập trung vào các chủ đề về tình yêu quê hương đất nước, ca ngợi Đảng, Bác Hồ, ca ngợi truyền thống đấu tranh hào hùng của dân tộc, tình yêu đôi lứa... với ca từ trau chuốt, giàu chất thơ, giữ được nét đặc trưng ngôn ngữ của thể loại bài ca vọng cổ.
Chị Nguyễn Thị Bế là nội trợ ở ấp Long Thạnh, xã Long Hòa, huyện Bình Đại (Bến Tre) chân tình: Mình đến với cuộc thi để học hỏi, trao đổi việc viết lách, thỏa mãn niềm đam mê và cũng mong...có giải để một lần qua Vĩnh Long cho biết.
Vợ chồng cô giáo Huỳnh Mỹ Trân (huyện Đông Hải- Bạc Liêu) đều mê tài tử, biết hát và biết sáng tác. Đạt giải 1 thể loại tài tử với bài vọng cổ nhịp 16, chị không giấu sự phấn khởi: Bài vọng cổ này là của vợ công chồng vì em là người viết, sau đó chồng xem lại, chỉnh sửa!
Tác giả Trịnh Văn Nghe ở TP Hồ Chí Minh cũng tham gia với 1 tập sách in ấn cẩn thận, đẹp mắt, trong đó có rất nhiều bài bản trong 20 bài tổ nói về Vĩnh Long và cụ Phan Thanh Giản.
Anh cho biết, trước đây anh có thời gian sinh sống tại Vĩnh Long nên tình đất và tình người nơi đây đã thôi thúc anh dự thi và có nhiều bài ca ngợi về đất và người Vĩnh Long hiền hậu và mến khách.
Đối với anh cuộc thi là dịp để tác giả khắp nơi gặp gỡ, trao đổi chuyện sáng tác và mong rằng thời gian tới không dừng lại ở đây Đài tiếp tục phát động các cuộc thi khác về tài tử- cải lương để anh em mộ điệu khắp nơi có dịp tranh tài, trước là trao dồi nghề nghiệp sau góp phần giữ gìn một loại hình nghệ thuật là vốn quí của dân tộc.
Hội thi Giọng ca cải lương Út Trà Ôn- 1 trong những cuộc thi về ca cổ, cải lương do Đài PT- TH Vĩnh Long tổ chức thành công. |
Thành phần ban giám khảo cũng là những người am hiểu nhiều về tài tử- cải lương, có nhiều bài tài tử, vọng cổ nổi tiếng và công trình nghiên cứu về lĩnh vực sân khấu cải lương và tài tử Nam Bộ như soạn giả Thanh Hiền, Thạc sĩ, nhạc sĩ, NSUT Huỳnh Khải- Trưởng khoa âm nhạc dân tộc Nhạc viện TPHCM, soạn giả Huỳnh Thanh Tuấn đã làm việc bằng cả sự công tâm, nhiệt tình và trách nhiệm cao.
Từ số lượng đông đảo tác giả và tác phẩm dự thi, các giám khảo cũng rất hăng say trong việc chấm điểm.
Các giám khảo đánh giá rất cao về tính chất nghệ thuật được thể hiện trong từng tác phẩm như phát biểu đánh giá nhận xét về cuộc thi của soạn giả Thanh Hiền, ông cho rằng đây là cuộc đổ bộ của các tác giả, số lượng đông đảo đội ngũ sáng tác tham gia cho thấy đờn ca tài tử- dòng nhạc dân gian Nam bộ này luôn tồn tại mãi trong tâm thức người phương Nam, những âm giai âm điệu, ngũ cung nhị thứ đã được các tác giả gìn giữ và lưu truyền.
Theo ông Phạm Thanh Xuân- Phó Giám đốc Đài PT-TH Vĩnh Long, Trưởng ban tổ chức cuộc thi thì đây thực sự là niềm vui, sự bất ngờ và sự thành công trên cả sự mong đợi đối với BTC khi cuộc thi nhận được sự tham gia của lực lượng tác giả, soạn giả chuyên và không chuyên trãi dài trên 3 miền Tổ quốc.
Điều đó cũng chứng tỏ bộ môn nghệ thuật đờn ca tài tử vẫn luôn có sức sống mãnh liệt trong đời sống tinh thần của các tầng lớp nhân dân và ngày càng lan tỏa sâu rộng hơn.
Cuộc thi đã khép lại nhưng để lại ấn tượng sâu sắc cho BTC và các tác giả đến tử khắp nơi. Đây là dịp để những người yêu thích ĐCTT, cải lương có dịp hội ngộ, giao lưu trao đổi kinh nghiệm trong việc sáng tác bài bản tài tử.
Đài PT- TH Vĩnh Long sẽ lần lượt biên tập những tác phẩm có chất lượng cao về nội dung và nghệ thuật để đưa lên sóng PT- TH Vĩnh Long và phát hành tập bài ca cổ và tài tử trong thời gian tới, nhằm góp phần bảo tồn loại hình nghệ thuật truyền thống dân gian đặc sắc của vùng đất phương Nam.
Bài, ảnh: HỒ VĂN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin