Nhân dịp Hội nghị GMS 6 và CLV 10, sáng 31/3, Phu nhân Thủ tướng Chính phủ Trần Nguyệt Thu, Phu nhân Thủ tướng Lào Naly Sisoulith và Phu nhân Thủ tướng Thái Lan Naraporn Chan-o-chan đã đến thăm Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, tìm hiểu về lịch sử, di sản văn hóa, cuộc sống của phụ nữ Việt từ lịch sử đến đương đại.
Nhân dịp Hội nghị GMS 6 và CLV 10, sáng 31/3, Phu nhân Thủ tướng Chính phủ Trần Nguyệt Thu, Phu nhân Thủ tướng Lào Naly Sisoulith và Phu nhân Thủ tướng Thái Lan Naraporn Chan-o-chan đã đến thăm Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, tìm hiểu về lịch sử, di sản văn hóa, cuộc sống của phụ nữ Việt từ lịch sử đến đương đại.
Bà Trần Nguyệt Thu, Phu nhân Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân các Trưởng đoàn tham quan Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam. Ảnh: TTXVN. |
Tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Phu nhân Trần Nguyệt Thu và Phu nhân các Trưởng đoàn đã nghe giới thiệu về lịch sử hình thành và phát triển của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, lắng nghe những câu chuyện, phẩm chất đáng quý của phụ nữ Việt Nam trong thời chiến cũng như thời bình, các vấn đề của phụ nữ Việt Nam hiện nay thông qua ba khu trưng bày theo chủ đề: Phụ nữ trong gia đình; phụ nữ trong lịch sử và trang phục nữ.
Các Phu nhân đều bày tỏ khâm phục những phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam được truyền nối trong suốt chiều dài lịch sử của đất nước. Sự đóng góp thầm lặng của họ đã đúc kết nên những giá trị đạo đức truyền thống “Anh hùng-Bất khuất-Trung hậu-Đảm đang”. Các Phu nhân cũng đặt nhiều câu hỏi tìm hiểu những đặc trưng vùng miền về người phụ nữ Việt Nam.
Với nhiệm vụ nâng cao kiến thức và hiểu biết cho công chúng về lịch sử, di sản văn hóa của phụ nữ Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đã thu thập, bảo quản, giới thiệu hơn 1.000 hiện vật, tư liệu, hình ảnh trưng bày thông qua sưu tập hiện vật, phương pháp tiếp cận nhân học lịch sử, phản ánh đa dạng, nhiều chiều những vấn đề của phụ nữ Việt Nam trong cuộc sống từ lịch sử đến đương đại.
Nội dung trưng bày tại Bảo tàng được trình bày một cách khoa học, đẹp mắt với các trang thiết bị hiện đại; thể hiện một bảo tàng về giới giàu bản sắc, cung cấp nhiều thông tin về những truyền thống văn hóa, các vấn đề xã hội đương đại.
Sau khi tham quan Bản tàng Phụ nữ Việt Nam, các Phu nhân đã thưởng thức trình diễn “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ-Nghi lễ Chầu văn”. Đây là Di sản đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Thờ Mẫu là tín ngưỡng dân gian thuần Việt, có lịch sử lâu đời, biến chuyển thích ứng với sự thay đổi của xã hội. Hiện nay, tín ngưỡng này vẫn đang được thực hành phổ biến và đa dạng ở khắp các vùng miền trong cả nước và cộng đồng người Việt ở nước ngoài.
Tín ngưỡng thờ Mẫu hướng đến cuộc sống thực tại của con người với ước vọng sức khỏe, tài lộc, may mắn…, là một nhu cầu trong đời sống tâm linh của người Việt, mang lại cho họ sức mạnh, niềm tin, có sức thu hút mọi tầng lớp trong xã hội.
Các Phu nhân bày tỏ ấn tượng về chương trình tham quan Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam và thưởng thức trình diễn Di sản "Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ", qua đó đã cảm nhận được nét độc đáo của văn hóa Việt Nam cũng như hiểu biết thêm về truyền thống tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam.
Theo Thu Phương (TTXVN)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin