Phim tài liệu Mậu Thân 68 - Những người đi tới: Một mốc son lịch sử

09:03, 29/03/2018

Bộ phim tài liệu dài 12 tập Mậu Thân 68 - Những người đi tới được phát sóng lúc 17 giờ 20 trên HTV9 từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần, bắt đầu từ ngày 26/3.

 

Bộ phim tài liệu dài 12 tập Mậu Thân 68 - Những người đi tới được phát sóng lúc 17 giờ 20 trên HTV9 từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần, bắt đầu từ ngày 26/3.

Một cảnh trong phim Mậu Thân 68 - Những người đi tới
Một cảnh trong phim Mậu Thân 68 - Những người đi tới

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 của quân và dân ta là một dấu ấn không thể nào quên trong lòng nhiều thế hệ, đặc biệt là những người bước ra từ cuộc chiến. Đài Truyền hình TPHCM (HTV) và Saigon TV hợp tác sản xuất bộ phim tài liệu dài 12 tập Mậu Thân 68 - Những người đi tới vừa để tri ân những người con anh hùng của dân tộc, vừa nhắc nhớ cho thế hệ trẻ hôm nay về một mốc son của lịch sử.

12 tập phim đã được thực hiện trong hơn 1 tháng. Khó khăn lớn nhất của ê kíp làm phim là tiếp cận các nhân chứng lịch sử, bởi những người trong cuộc đang bận rộn với các chuyến đi. Nói chuyện với các nhân chứng về cuộc tổng tiến công, về tinh thần đồng đội thì không khó, nhưng thuyết phục các cô chú nói về mình, về những hy sinh của chính mình và người thân là điều không hề dễ. Rất nhiều giọt nước mắt của cả người trong cuộc, lẫn những người làm phim đã rơi và đạo diễn cùng ê kíp quyết định không làm phim theo kiểu truyền thống, mà quyết định phục dựng bằng hình ảnh. Ngoài những dữ liệu lịch sử, 9 trong tổng số 12 tập phim đã tái hiện những tình huống, những câu chuyện lịch sử qua lời kể của nhân vật theo phong cách điện ảnh. Ê kíp làm phim hy vọng, bằng hình thức thể hiện này sẽ mang đến sự mới mẻ, thú vị đối với khán giả. 

Mỗi tập phim là một câu chuyện, nhưng là những câu chuyện chắt lọc, cho người xem cái nhìn xuyên suốt, thấu đáo về cả một hành trình, từ lúc chuẩn bị đến khi bắt đầu chiến dịch với những nhân tố điển hình và cái kết có hậu dành cho những người cả một đời cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, cho cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước. Người xem thật xúc động khi gặp lại Đại tá - Cụm trưởng Cụm tình báo H.63, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Tàu (Tư Cang), người nhiều lần thoát chết và giữ đường dây liên lạc với nhà tình báo huyền thoại Phạm Xuân Ẩn. Giữa lằn ranh sinh tử, họ vẫn kiên trung để bảo vệ đại cuộc. “Ông trùm” của lực lượng Biệt động Sài Gòn, người vạch ra kế hoạch X trong chiến dịch Mậu Thân lịch sử, Đại tá Nguyễn Đức Hùng (Tư Chu) được địch treo giá 2 triệu USD cho ai bắt và giao nộp ông. Hai con trai lớn của ông cũng bị bắt giữ để ép ông bà quy hàng. Vì nghĩa lớn, ông bà đành gạt nước mắt “gác lại tình riêng”. 

Bà Lê Hồng Quân, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Lê Thị Riêng, trong cuộc tổng tiến công đã bị thương. Bà tự chặt cánh tay của mình để tiếp tục chiến đấu nhưng sau đó bị bắt, bị đánh đập dã man. Khi đó, mẹ bà cũng bị bắt, địch tra khảo hai mẹ con, bắt nhận nhau để điều tra về tổ chức, nhưng cả hai đều kiên quyết không khai, không nhận nhau. Từ trong ngục tối, bà viết nên những bài thơ hay và xúc động đến lặng người. Hòa bình lập lại, bà với cánh tay cụt và thân thể 23 lần phẫu thuật, khập khiễng đi tìm đồng đội và những cơ sở của mình để giải oan, giúp đồng đội, đồng chí được hưởng chế độ chính sách người có công. Hình ảnh liệt sĩ - nhà thơ Lê Anh Xuân (Ca Lê Hiến) qua lời kể của những người thân. Ông là tác giả bài thơ Dáng đứng Việt Nam đi vào lòng bao thế hệ. Ông hy sinh trong đợt 2 Mậu Thân 1968. Cuộc chia ly 10.000 ngày của Đại tá, Cụm trưởng Cụm tình báo H63 Nguyễn Văn Tàu và vợ - bà Trần Thị Ảnh là một câu chuyện tình yêu đẹp trong chiến tranh, được thử thách qua nhiều cung bậc… Tập cuối của phim là câu chuyện cảm động về một ngày giỗ. Nhiều năm nay, cứ vào 30 Tết, ông Phan Văn Hôn (Bảy Hôn) lại tổ chức đám giỗ cho đồng đội của mình, những chiến sĩ biệt động đã hy sinh trong trận Mậu Thân lịch sử. Ông là 1 trong 7 người sống sót sau đêm tấn công vào Dinh Độc lập. 

Đạo diễn Bích Uyên chia sẻ, chị có chút lo lắng khi quyết định phục dựng hình ảnh cho phim tài liệu lần này. Thêm vào đó, việc phim tài liệu tái hiện có thoại, có tình tiết, tình huống từ câu chuyện của các cô chú kể lại, trong khi bối cảnh, phục trang không còn được như xưa là rất khó khăn. Dù đã rất cố gắng, nhưng theo đạo diễn, phần phục dựng vẫn chưa thể hiện hết những điều mà chị mong muốn: “Có những câu chuyện mà các cô chú kể, cùng với thực tế mà đoàn phim chứng kiến, nhiều cảm xúc lắm, nhưng không thể đưa lên hình”. Hơn tất cả, bộ phim đã được thực hiện với lòng kính trọng, tình yêu thương, sự ngưỡng mộ của thế hệ đi sau dành cho những người anh hùng. 

Bộ phim tài liệu dài 12 tập Mậu Thân 68 - Những người đi tới được phát sóng lúc 17 giờ 20 trên HTV9 từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần, bắt đầu từ ngày 26/3.

Theo SGGP

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh