Sau khi cha tự tử, một nhiếp ảnh gia người Đức đã nỗ lực dùng ảnh để giải tỏa những bức bối, căng thẳng, giải mã những bí mật đằng sau sự kiện đau buồn này.
Tác phẩm "Hiện trường Utah" - Ảnh: NGỌC DIỆP |
Sau khi cha tự tử, một nhiếp ảnh gia người Đức đã nỗ lực dùng ảnh để giải tỏa những bức bối, căng thẳng, giải mã những bí mật đằng sau sự kiện đau buồn này.
Đó là câu chuyện của tác phẩm Hiện trường Utah. Vụ tự sát của người cha đã để lại một vết thương khó lành trong tâm hồn của nhiếp ảnh gia Stephan Bogel, và những người thân trong gia đình.
Anh đã thực hiện tác phẩm Hiện trường Utah bằng cách tự dựng phối cảnh hiện trường, kết hợp với những bức ảnh trong album gia đình, biên bản cảnh sát… Bằng cách sắp đặt những bức ảnh, anh đã trình bày được câu chuyện của mình.
Khi Stephan Bogel đặt chân dung của cha (ảnh phải) bên cạnh chân dung của mình, Stephan Bogel đã tự hỏi khi ở địa vị của cha, anh sẽ nghĩ gì - Ảnh: NGỌC DIỆP |
Hiện trường Utah là một trong số tám tác phẩm được trưng bày tại triển lãm Viễn cảnh xán lạn - Nhiếp ảnh Đức trẻ 2017/2018.
Bảy tác phẩm còn lại là những thể nghiệm đầy thú vị của các nhiếp ảnh gia, với hình thức thể hiện vô cùng phong phú, nhằm thể hiện một ý niệm nào đó.
Có người chỉ chụp ảnh một quả trứng trong phòng tối, có người chụp chân dung với những mảnh gốm vỡ, có người ra chợ trời mua ảnh cũ về tạo thành một tác phẩm mới... Tất cả những kết hợp này đều phải dựa trên một ý tưởng xuyên suốt.
Triển lãm Viễn cảnh xán lạn - Nhiếp ảnh Đức trẻ 2017/2018 diễn ra tại Viện Goethe Hà Nội với sự tham dự của hai nghệ sĩ nhiếp ảnh tài năng từ Đức Rebecca và Jewgeni Roppel.
Hai nhiếp ảnh gia này cho biết những tác phẩm nhiếp ảnh đương đại của Đức không quá chú trọng vào tiêu chí kĩ thuật như ánh sáng, bố cục mà coi trọng ý tưởng, ý niệm trong tác phẩm.
Nhiếp ảnh ở đây chỉ là công cụ để tác giả thể hiện suy tưởng, chiêm nghiệm của họ về đời sống. Hai nhiếp ảnh gia khuyên người xem nên thả lỏng tinh thần khi xem triển lãm và không nên xem theo cách thông thường mà chú tâm vào ý tưởng của nghệ sĩ.
Viễn cảnh xán lạn - Nhiếp ảnh Đức trẻ là một dự án khởi xướng năm 2004 nhằm hỗ trợ các nhiếp ảnh trẻ tài năng.
Cuộc thi thường niên của dự án này thu thập những tác phẩm xuất sắc của sinh viên ngành nhiếp ảnh thuộc các trường đại học tổng hợp, khoa học ứng dụng và các học viện nghệ thuật tại Đức.
Những người đoạt giải tại cuộc thi này sẽ được trưng bày ảnh tại các triển lãm, bảo tàng danh tiếng ở Đức.
Triển lãm sẽ kéo dài từ 29/3 đến 24/4 tại Viện Goethe Hà Nội.
Tác phẩm "Mặt nạ, Huyễn tưởng, Chủ thể" của tác giả Alexandra Polina. Những nhân vật trong tác phẩm đều là người sinh ra và lớn lên ở Đức, họ được chụp cùng với các họa tiết của phương Đông, châu Phi... - Ảnh: NGỌC DIỆP. |
Những người sinh ra tại Đức với khuôn mặt châu Á, nằm cạnh các mảnh gốm vỡ phương Đông, như một gợi ý về những người mang dòng máu lai sinh ra ở Đức, nhưng họ dường như không thuộc về Đức - Ảnh: NGỌC DIỆP. |
Các bức hình Ricardo Nunes chụp Bồ Đào Nha, nhưng không phải là một Bồ Đào Nha như tất cả mọi người đều biết. Đây là hình ảnh thể hiện "chốn bất an" trong ký ức ấu thơ của nhiếp ảnh gia - Ảnh: NGỌC DIỆP. |
Nhiếp ảnh gia Rie Yamada đã sử dụng những bức ảnh cũ cô mua được từ chợ trời để kể câu chuyện về các gia đình Nhật - Đức - Ảnh: NGỌC DIỆP. |
Hai nhiếp ảnh gia Rebecca và Jewgeni Roppel đang giới thiệu các tác phẩm tại triển lãm - Ảnh: NGỌC DIỆP |
Tác phẩm video của Laura Giesdoft, mô tả việc trang điểm hàng ngày của phụ nữ. Trong đó tác giả này đã quay video chính bản thân mình trang điểm hơn nửa tiếng đồng hồ. Video của cô là một chất vấn về vẻ đẹp nhân tạo của phụ nữ thời nay, tại sao phụ nữ chỉ tự tin khi ra đường với lớp trang điểm dày trên mặt? - Ảnh: NGỌC DIỆP |
Theo TTO
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin