Cái lạnh cuối năm đã tan dần, những vệt nắng ban mai lấp lánh trên các nẻo đường quê không còn lầy lội như trước bởi được nới rộng hơn, trải nhựa hoặc lót đan, xe 4 bánh có thể ngược xuôi thông thoáng.
Cái lạnh cuối năm đã tan dần, những vệt nắng ban mai lấp lánh trên các nẻo đường quê không còn lầy lội như trước bởi được nới rộng hơn, trải nhựa hoặc lót đan, xe 4 bánh có thể ngược xuôi thông thoáng.
Nếu không có bạn dẫn đường thì chắc tôi sẽ mất rất nhiều thời gian để đến xã Hòa Hiệp, thăm lại vùng căn cứ một thời gắn bó với đơn vị tôi trong kháng chiến.
Tôi tìm lại những bờ cây khóm lá, những căn hầm tránh đạn pháo ngày xưa nơi Ấp 4, Ấp 8, đám dừa nước um tùm bên rạch Bà Tư, rạch Giữa và rạch Ông Đệ là nơi có lúc cơ quan Thị đoàn TX Vĩnh Long đóng quân.
Bây giờ Hòa Hiệp đổi thay nhiều quá, mất hẳn dấu vết của những năm chiến tranh ác liệt, đồn bót giăng giăng, ruộng vườn nhà cửa loang lổ vết đạn bom, chỉ thấy con đường bê tông, tráng nhựa nằm cặp bờ sông trước những ngôi nhà tường khang trang.
Những cây cầu khỉ, cầu bằng bập dừa nước giờ chỉ còn trong ký ức, thay vào đó là những cây cầu bê tông vững chãi bắc ngang kinh rạch như cầu Ấp 9, cầu Mười Sạch- Tám Thưa, cầu Mười Sển.
Những trái dưa hấu căng tròn nhoài mình ra khỏi đám lá, hân hoan đón ánh nắng mặt trời và những tia nước tắm mát, cho nông dân Hòa Hiệp được mùa bội thu, tưng bừng đón tết.
Tuyệt hơn nữa là những cánh đồng mẫu ở Ấp 10, ngợp trời vụ lúa Đông Xuân phơn phớt vàng ửng nắng, đang tích tụ sức sống căng tràn cho mùa gặt.
Những bông lúa no đầy cúi đầu như cảm ơn người gieo hạt trên cánh đồng thấm đẫm mồ hôi và xương máu nhân dân, lấp lánh đẹp như bức tranh. Mẹ con tôi dừng xe lại mở máy ảnh ghi thêm vào bộ sưu tập kỷ niệm những chuyến đi.
Buổi chiều cuối năm 2017, chúng tôi có mặt tại UBND xã Hòa Hiệp mà không hẹn trước. Chủ tịch UBND xã- Phan Thành Cảnh tạm dừng cuộc họp tổng kết năm bởi tiếng gõ cửa của bạn tôi: “Alo! Chào anh. Chúng tôi đang đứng trước phòng làm việc của anh đây”.
Không đợi lâu, từ hội trường phía sau dãy phòng làm việc, người đàn ông trên 50 tuổi trông rất phong độ đi tới niềm nở bắt tay anh bạn và chào tôi với nụ cười cởi mở, thân thiện.
Đi với anh còn có Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã- Nguyễn Trung Tiến. Sau vài câu chào hỏi giới thiệu, biết các anh đang bận nên tôi vào đề ngay: “Anh em văn nghệ sĩ sau chuyến công tác vừa qua kể lại “Hòa Hiệp mình giờ phát triển không ngờ” nên tôi muốn trở lại “ngắm dung nhan đó bây giờ ra sao” để hiểu tường tận hơn về vùng đất và con người Hòa Hiệp kết tinh bởi truyền thống yêu nước, bền bỉ kiên cường trong đấu tranh, đoàn kết chống giặc ngoại xâm cũng như trong xây dựng và phát triển sau hòa bình”.
Anh Cảnh kể: Trước năm 1975, Hòa Hiệp là vùng kháng chiến, một trăm phần trăm nông dân sống bằng nông nghiệp thuần lúa, hầu hết bà con mỗi năm làm một vụ lúa mùa, khoảng tháng 11 âm lịch đã thu hoạch, nhưng không đạt hiệu quả cao, năng suất khoảng 3- 4 giạ một công, những năm lúa bị bệnh khoang cổ có hộ gia đình thất trắng.
Đất ở đây đầm lầy, nông dân không làm chủ được thủy lợi, chính vì vậy nên đời sống người dân rất cơ cực, cộng với chiến tranh, bom đạn thuốc khai hoang, nhiều năm phải bỏ nhà cửa ruộng đồng tản cư, chỉ có vài gia đình bám trụ sản xuất nuôi quân kháng chiến.
Sau khi hòa bình lập lại mới trở về khôi phục ruộng vườn. Cấp ủy xã chỉ đạo thực hiện chuyển việc cấy lúa mùa qua lúa Thần nông.
Lúc đó, bà con cấy các giống lúa Thần nông 8, Thần nông 22. Thần nông 8 hột tròn, dẻo cơm, Thần nông 22 hột dài như giống lúa 5451 bây giờ, khô cơm. Nông dân bón phân theo tập quán, không theo quy trình khoa học kỹ thuật nên năng suất không cao.
Năm 1978- 1979, chính quyền địa phương chủ trương lên đê, đắp đập, làm thủy lợi nội đồng, vận động bà con từ nơi khác đến đây làm và ngược lại, giống như cấy lúa vạn vần đổi công ngày xưa, để quy hoạch vùng, chủ động nước tưới tiêu, thực hiện việc cấy lúa Thần nông đạt hiệu quả.
Lúc bấy giờ vận động người dân cực kỳ khó, đa số bà con mình vẫn theo tập quán cấy trồng bao đời nay, giờ làm theo cách mới họ chưa hiểu nên không đồng tình.
10 năm đầu sau giải phóng, Hòa Hiệp so với các địa phương khác vẫn còn nghèo nhưng giàu truyền thống cách mạng, là một vùng đất anh hùng, sản sinh ra những người con ưu tú làm rạng danh không chỉ cho Hòa Hiệp mà cho cả dân tộc Việt Nam.
Trong đó, có Anh hùng lao động Trần Đại Nghĩa- Giáo sư, Viện trưởng Viện Khoa học đầu tiên của Việt Nam, người đã cải tiến ra tên lửa bắn rơi máy bay giặc Mỹ khiến cho cả thế giới khâm phục và ông Cao Văn Bổn- cố Bộ trưởng Bộ Tài chính trong giai đoạn cách mạng lâm thời.
Bên cạnh niềm vinh dự đó còn có niềm tự hào về những chiến công diệt địch góp phần bảo vệ quê hương của các chú các anh, trong đó có trận đánh 6 ngày đêm của 12 du kích xã Hòa Hiệp năm 1971 chống lại một lực lượng hùng hậu của Sư đoàn 9, Bảo an, Tiểu đoàn 43 đổ quân càn quét; pháo từ các chi khu Tam Bình, Ngã tư Long Hồ, cầu Mới bắn vô tới tấp, cùng với máy bay tàu chiến hỗ trợ cho lực lượng bộ binh thực hiện trận càn có tính chất quy mô.
Du kích Hòa Hiệp đã lập nên kỳ tích đập tan kế hoạch lấn chiếm vùng giải phóng, bảo vệ nhân dân và căn cứ cách mạng.
Chính vì niềm vinh dự và tự hào ấy nên khi hòa bình lập lại, nhân dân Hòa Hiệp vẫn đoàn kết một lòng góp phần tích cực với Đảng và chính quyền địa phương ổn định cuộc sống, xây dựng lại quê hương, vá lành vết thương chiến tranh, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn.
Trước năm 1986, nông dân Hòa Hiệp làm lúa 2 vụ là Hè Thu và Đông Xuân, sau đó bà con mới làm lúa 3 vụ và lúa phát chét còn gọi là lúa tái sinh, nghĩa là sau khi lúa chín gặt xong, nông dân dùng phảng hoặc dao dâu phát ngang gốc, chừa độ khoảng 3 phân, rồi bón phân chăm sóc như lúa thường, sau đó gốc lúa bắt đầu đâm chồi nhảy nhánh phát triển thành bụi to, chắc hạt.
Lúa tái sinh chỉ thực hiện được trên giống Tài nguyên. Người đầu tiên thực hiện thành công lúa tái sinh là ông Phan Thành Đắc sống ở Ấp 8.
Ông học được từ nông dân ở Tiền Giang trong một lần về thăm quê vợ, thấy bà con nơi đó làm có hiệu quả nên ông thể nghiệm và thành công, dần dần bà con làm theo và nhân rộng thành phong trào toàn xã.
Năm 1999 bước qua 2000, nước triều cường dâng cao tràn đê, nhấn chìm hầu hết ruộng mạ vụ Đông Xuân của nhân dân toàn xã Hòa Hiệp. Bà con phải kiếm vật dụng nào có thể để tấn bên ngoài, bên trong thì tập trung tất cả máy bơm tháo nước ra.
Vậy là vụ lúa Đông Xuân bị thất trắng. Trước tình hình này cùng với chủ trương khép kín đê bao của tỉnh, cấp ủy xã chủ trương dùng cơ giới hóa đắp lại đê bao, đảm bảo an toàn vững chắc và hiệu quả cho việc sản xuất.
Kinh phí do trên tỉnh hỗ trợ phân nửa, phần còn lại do dân đóng góp theo đầu công ruộng. Tuy nhiên, bước đầu gặp không ít khó khăn trong việc vận động nhân dân thực hiện.
Bà con chưa đồng tình, nhưng sau khi được giải thích rõ lợi ích của việc này thì bà con đồng thuận cùng với chính quyền xã Hòa Hiệp thực hiện tốt.
Bên cạnh việc làm thủy lợi cải tạo đồng ruộng, cấp ủy xã phối hợp với khuyến nông huyện, tỉnh tập huấn nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật nông nghiệp cho người dân.
Bà con nhiệt tình học hỏi, tiếp thu và thực hiện đạt hiệu quả đáng mừng: Trước đó năng suất lúa chỉ có 2- 3 giạ trên một công, dần dần được nâng lên 7- 8 giạ, 15- 17 giạ rồi 25 giạ, năng suất mỗi năm cứ tăng dần.
Hòa Hiệp bước đầu chủ động được nước, nhưng hệ thống giao thông thì chưa thay đổi. Hòa Hiệp là một xã có rất nhiều sông rạch, bà con giao lưu qua lại hầu hết bằng ghe xuồng, hoặc bắc cầu qua rạch nhỏ từ hộ này đến hộ kia bằng bập dừa nước, cầu tre.
Nhu cầu đời sống của nhân dân ngày càng cao nên Nhà nước vận động bà con đóng góp xây dựng rải đá, tráng bê tông trên các tuyến đường qua các ấp để lưu thông dễ dàng.
Năm 2008, Hòa Hiệp tranh thủ nguồn vốn của huyện để xây dựng lại hệ thống giao thông toàn xã, khi huyện có chính sách hỗ trợ cho địa phương nào có nhu cầu xây dựng hệ thống giao thông bằng đường đan, sẽ khảo sát và cấp kinh phí từ 50- 70%.
Lúc bấy giờ, đồng chí Nguyễn Bá Tòng làm Bí thư xã Hòa Hiệp đăng ký xây dựng tất cả các tuyến đường trên 7 ấp, và đã hoàn thành trên 26km đường đan, xe 2 bánh có thể qua lại trong 2 mùa mưa nắng.
Tính từ năm 1980, hộ nghèo ở Hòa Hiệp chiếm hơn 70% trong toàn xã, chỉ có khoảng trên dưới 20 nhà bán kiên cố và kiên cố, hầu hết là nhà tranh.
Cho đến năm 2015, Hòa Hiệp nằm trong các xã người dân có mức sống trung bình, cơ sở hạ tầng còn hạn chế. Năm 2016 đầu năm 2017 chỉ có 10 cây số đường nhựa xe 4 bánh về tới nông thôn.
Đến giữa năm 2017, được chủ trương của tỉnh và huyện xây dựng xã nông thôn mới, Hòa Hiệp được đầu tư từ ngân sách trung ương làm 54km đường bê tông và tráng nhựa, ngoài ra nguồn vốn của huyện làm 2km, vận động Mạnh thường quân làm thêm 3km.
Vậy là Hòa Hiệp đã chuyển mình lột xác, kể cả những người dân cũng không ngờ được: Đã xây dựng và hoàn thiện các cơ sở hạ tầng như cầu, đường, trường, trạm, nhà văn hóa, cụm văn hóa.
Những tuyến đường dài tổng cộng 54km; trong đó có 20km xe 4 bánh có thể ngược xuôi thông thoáng, gắn liền với 3 cây cầu ấp Hòa Phong, Ấp 9 và Ấp 4, kinh phí trên 30 tỷ đồng.
Diện mạo Hòa Hiệp bừng lên rạng rỡ trong mùa Xuân 2018. Chủ tịch Phan Thành Cảnh tự hào: “Có nằm mơ thì chúng tôi và nhân dân Hòa Hiệp cũng không tưởng tượng ra sự thay đổi lớn lao này.
Thời chiến tranh- nhất là năm 1971, tôi đã chứng kiến máy bay Mỹ ném bom trúng nhà làm bà ngoại chết tại chỗ và 3 người nữa, ông ngoại bị thương nhưng vài ngày sau cũng mất.
Lúc đó, có 24 đồn bót và hậu cứ đóng trên địa bàn xã dọc theo tuyến sông Măng. Các hậu cứ Gò Nhum, Cầu Cống của Mỹ trực tiếp chỉ huy thực hiện những trận càn quét đánh phá vào vùng giải phóng Hòa Hiệp- nhất là thời điểm sau Tết Mậu Thân 1968.
Bà con nơi đây từng mong cho yên giặc để không còn thấy cảnh chết chóc, chỉ vậy thôi. Dù cuộc sống còn nghèo nhưng mọi người được bình yên.
Không thể tưởng tượng từ một vùng quê hẻo lánh, nghèo nàn thiếu thốn mọi thứ, giờ thì có hết mọi thứ, nhà cửa khang trang sạch sẽ, đường sá được nới rộng ra đâu thua gì cuộc sống ở thành thị.
Nền kinh tế nhiều thành phần ở Hòa Hiệp cũng đang phát triển: hiện có 15 HTX, trong đó có 7 tổ trồng lúa, 1 tổ trồng màu các loại như ớt, khổ qua, bưởi, cam, nhiều nhất là dưa hấu tập trung ở Ấp 8 vì đầu ra ổn định, có hiệu quả.
Bên cạnh còn có tổ dịch vụ và 5 tổ thủ công mỹ nghệ, 1 hợp tác xã nhân giống lúa. Mô hình nuôi cá tai tượng, cá giống thành công và đang phát triển ở Ấp 9.
Xã có một điểm du lịch ở Ấp 7, nhà vườn thoáng mát, là điểm dừng chân, nghỉ ngơi ăn uống, đa số là du khách nước ngoài.
Chợ xã nằm ở Ấp 8 bán các loại thực phẩm đáp ứng nhu cầu đời sống của bà con hàng ngày. Chợ đêm diễn ra vào mỗi tối thứ 7 hàng tuần.
Đi một vòng quanh các ấp, mới thấy rõ sự chuyển mình vươn lên của Hòa Hiệp trong những năm gần đây- một sự thay đổi mang tính đột phá.
Thành quả này có được do sự quan tâm đầu tư của tỉnh, huyện, đồng tâm hợp sức của cấp ủy, ban ngành, đoàn thể và nhất là được sự đồng lòng của nhân dân xã Hòa Hiệp (bà con đã hiến 54ha đất để làm các tuyến đường).
Khi đề nghị Hòa Hiệp xây dựng xã nông thôn mới thì Văn phòng Điều phối nông thôn mới của tỉnh cũng đắn đo vì xã Hòa Hiệp không nằm trong kế hoạch giai đoạn 2016- 2020.
Đầu năm 2017, được bổ sung vào kế hoạch trung hạn, đến tháng 6, xã Hòa Hiệp mới có kinh phí để thi công các tuyến đường, cầu liên ấp. Nghị quyết của huyện ủy và đảng ủy xã đề ra phải thực hiện thành công xã nông thôn mới vào cuối năm 2017.
Với vai trò Phó Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã, anh Phan Thành Cảnh rất lo vì thời gian gấp rút như vậy không biết có thực hiện đạt không.
Nhưng cùng với quyết tâm của cấp ủy, ban ngành, đoàn thể và nhân dân, cuối năm 2017, Hòa Hiệp đã được tỉnh công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới. Thật là một kỳ tích. Anh Phan Thành Cảnh vui mừng thở phào nhẹ nhõm.
Đời sống người dân được ổn định, thu nhập bình quân hàng năm trên 37 triệu đồng. Hiện nay toàn xã còn dưới ngưỡng 4% hộ nghèo, khoảng 200 hộ cận nghèo trên 1.949 hộ trong toàn xã.
Trước đây các Ấp 4, Ấp 8, Ấp 9 bị chiến tranh tàn phá nhiều nhất, nhưng giờ đây Ấp 4 có tuyến đường nhựa dài 3km, cụm văn hóa, trường tiểu học, trường mẫu giáo đều đạt chuẩn quốc gia.
Có sân cầu lông và sân bóng đá mini. Ấp 9 có trường mẫu giáo, trường THCS, trường tiểu học. Điện lưới quốc gia phủ kín trên 99% hộ dân toàn xã. 2 trạm cấp nước đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của bà con.
Chủ tịch Phan Thành Cảnh bộc bạch: “Được công nhận xã đạt tiêu chí nông thôn mới, cấp ủy và nhân dân Hòa Hiệp rất mừng, nhưng để giữ vững danh hiệu thì vô cùng khó khăn nhất là phải đảm bảo 9 tiêu chí về nội lực, nếu không hoàn thành 1 tiêu chí cũng bị rớt:
Nhà ở thì không quan trọng, nhưng mức thu nhập làm sao phải đảm bảo năm nay 37, 52 triệu đồng/người, năm 2018 phải 41 triệu; tiêu chí hộ nghèo: đảm bảo công ăn việc làm để người dân có mức thu nhập ổn định.
Trước hết điều tra lại lực lượng lao động, hướng nghiệp tư vấn để nhu cầu xuất khẩu lao động đạt kết quả, vì đây mới là căn cơ để thoát nghèo bền vững; sản xuất HTX theo tiêu chí thì phải hoạt động 2 năm mới được công nhận; tỷ lệ BHYT người dân tham gia phải đạt trên 80% và tiếp tục vận động bà con mua liên tục; đảm bảo môi trường chung sáng- xanh- sạch- đẹp và thu gom rác, tỷ lệ hố xí hợp vệ sinh, phải xóa triệt để cầu tiêu trên sông; xây dựng hệ thống chính trị chính quyền, đảng bộ phải trong sạch vững mạnh, cán bộ không vi phạm kỷ luật.
Đảng ủy không hoàn thành tốt nhiệm vụ coi như mình rớt, cán bộ công chức vi phạm kỷ luật mình cũng rớt.
Giữ vững tình hình an ninh trật tự, không để xảy ra trọng án. Năm 2018, toàn đảng bộ phải quyết tâm, các ban ngành, đoàn thể cũng phải vào cuộc và người dân phải đồng tình, đồng tâm.
Biện pháp thực hiện trong thời gian tới: Cấp ủy xã tiếp tục duy trì theo sự chỉ đạo của trên, sự chủ động của đảng bộ và ban thường vụ, BCH, có kế hoạch cụ thể, phân công giao việc cụ thể, kiểm tra đôn đốc, giám sát, uốn nắn sơ kết, trên tinh thần đó hỗ trợ để mọi người thực hiện cho tốt.
Quan trọng nhất là công tác kiểm tra giám sát để đánh giá kế hoạch thực hiện, mới thành công. Các mặt công tác phải thực hiện đồng bộ không xem nhẹ việc nào, phải nghĩ tất cả công việc đều quan trọng thì mới mong giữ vững thành quả như hôm nay.
Chúng tôi đồng cảm với sự chia sẻ của đồng chí Chủ tịch Phan Thành Cảnh về một miền quê đang chuyển động từng ngày và tin tưởng thế hệ hôm nay và mai sau bằng tình yêu quê hương, trí tuệ cộng với sự nhiệt tình sẽ cùng nhân dân xây dựng Hòa Hiệp giàu đẹp hơn, làm thay đổi số phận của một xã vùng sâu, vùng xa nghèo truyền kiếp tưởng chừng không thể vực dậy nổi, vậy mà hôm nay đã lột xác như có một phép màu.
Chúng tôi tạm biệt xã Hòa Hiệp theo tuyến đường hoa trung tâm xã, thỉnh thoảng dừng lại ghi tiếp những bức ảnh đẹp.
Mấy chùm hoa tigon màu hồng lãng mạn, hoa tố nữ trắng nhụy đỏ tinh khôi leo trước cổng các ngôi nhà tường xây theo kiểu hiện đại.
Khóm hoa đủ sắc màu, những cây kiểng được tạo dáng công phu trồng dọc bên đường góp cho diện mạo nông thôn mới thêm sinh động.
Tôi bắt gặp kề bên ngôi nhà khang trang có một căn nhà nhỏ đang khép cửa, nhìn cảnh quan xung quanh thật gọn ghẽ sạch sẽ, hàng rào làm bằng thanh tre được ghép ngay ngắn đều đặn, phía trước trồng hoa lá có màu xanh, đỏ, nâu ngay hàng thẳng lối được cắt tỉa bằng phẳng, trông thật ấn tượng.
Một miền quê thanh bình yên ả, nhưng bên trong trái tim là sự trỗi dậy mãnh liệt của những con người trên mảnh đất giàu truyền thống yêu nước, đầy tiềm năng trí tuệ và đất đai. Năm 2018 đã bước trên làng quê Hòa Hiệp trong không khí vui tươi bất tận.
Xuân 2018
SONG HẢO
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin