Theo TTXVN, ngày 23/2/2018, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Hữu Thỉnh cho biết: Ngày Thơ Việt Nam lần thứ XVI năm 2018 lần đầu tiên sẽ diễn ra trong 4 ngày (27/2- 2/3, tức ngày 12-15 tháng Giêng năm Mậu Tuất) với chủ đề "Văn học đồng hành cùng đất nước".
Theo TTXVN, ngày 23/2/2018, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Hữu Thỉnh cho biết: Ngày Thơ Việt Nam lần thứ XVI năm 2018 lần đầu tiên sẽ diễn ra trong 4 ngày (27/2- 2/3, tức ngày 12-15 tháng Giêng năm Mậu Tuất) với chủ đề “Văn học đồng hành cùng đất nước”.
Nhà thơ Hữu Thỉnh cũng nêu rõ: Ngày thơ Việt Nam năm nay sẽ có nhiều điểm mới, hoạt động phong phú, hấp dẫn.
Ngày Thơ Việt Nam lần thứ XVI sẽ bắt đầu với hội thảo “Những vấn đề của thơ Việt Nam hiện nay” tại hội trường Hội Nhà văn Việt Nam vào ngày 27/2. Tiếp theo đó, ngày 28/2 sẽ diễn ra hội thảo về văn xuôi “Đổi mới tư duy tiểu thuyết” nhằm hưởng ứng Cuộc thi tiểu thuyết giai đoạn 2017- 2020 của Hội Nhà văn Việt Nam.
Sáng 1/3, sẽ diễn ra các hoạt động thi, trình diễn thơ, biểu diễn nghệ thuật của các câu lạc bộ thơ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội). Sáng 2/3, ngày Thơ Việt Nam lần thứ XVI sẽ chính thức khai mạc tại Văn Miếu- Quốc Tử Giám.
Năm nay cũng là năm đầu tiên, Hội Nhà văn Hà Nội và Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức 2 sân thơ: Sân thơ truyền thống và Sân thơ trẻ. Ngày Thơ Việt Nam năm nay còn có sự tham gia của 4 nhà thơ tiêu biểu đến từ Hội Nhà thơ Nhật Bản, họ sẽ gặp gỡ, giao lưu với công chúng yêu thơ Việt Nam ở 2 sân thơ này.
Đặc biệt, tại Văn Miếu- Quốc Tử Giám sẽ có một không gian thống nhất, liên thông giữa hồ Ngân và hồ Văn trong ngày Thơ Việt Nam. Do đó, ngoài 2 sân thơ, còn có sự tham gia của 60 CLB thơ với các hoạt động trình diễn, giới thiệu thơ...
Phương án trưng bày và cũng là biểu tượng chính của ngày Thơ Việt Nam lần thứ XVI được chọn là “Cánh buồm thơ”. BTC đang chọn 50 câu thơ hay, đại diện cho các thế hệ, tôn trọng tính đa dạng nhưng vẫn tập trung vào chủ đề đồng hành cùng đất nước để tham gia nghi thức thả thơ năm nay.
BTC cũng sẽ triển lãm chân dung, hình ảnh các nhà văn Việt Nam đã tham gia Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.
Nhà thơ Hữu Thỉnh nhấn mạnh, các hoạt động trên là bước chuẩn bị quan trọng để tiến tới việc đưa ngày Thơ Việt Nam dần trở thành ngày văn học Việt Nam, góp phần tôn vinh thơ, văn xuôi, lý luận phê bình và tiếp cận của công chúng với văn chương.
PV
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin