Những người gắn bó với miệt ruộng vườn hẳn rất quen thuộc với tiếng đờn ca tài tử (ĐCTT) da diết, mênh mông. Âm điệu biến hóa từ thang âm ngũ cung chất chứa bao niềm vui nỗi buồn của cư dân vùng châu thổ Cửu Long trong cuộc mưu sinh mấy trăm năm qua. Giữ hồn ĐCTT là gìn giữ một báu vật vô giá của đất phương Nam.
Những người gắn bó với miệt ruộng vườn hẳn rất quen thuộc với tiếng đờn ca tài tử (ĐCTT) da diết, mênh mông. Âm điệu biến hóa từ thang âm ngũ cung chất chứa bao niềm vui nỗi buồn của cư dân vùng châu thổ Cửu Long trong cuộc mưu sinh mấy trăm năm qua. Giữ hồn ĐCTT là gìn giữ một báu vật vô giá của đất phương Nam.
Liên hoan ĐCTT 2017 có nhiều tài tử, nghệ nhân trẻ nhưng đã trình diễn rất tốt và chuyên nghiệp. |
Sức sống của ĐCTT
Loại hình ĐCTT Nam Bộ đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, là niềm tự hào lớn của người dân ĐBSCL.
Với loại hình nghệ thuật ĐCTT, trên mảnh đất Vĩnh Long đã sản sinh những nghệ nhân, nghệ sĩ nổi danh như: Tống Hữu Định- người có sáng kiến ca ra bộ, tiền nhân của nghệ thuật cải lương; Trần Quang Quờn- trưởng nhóm ĐCTT miền Tây; Trương Duy Toản- nhà biên soạn nhạc nổi tiếng Nam Kỳ.
Đặc biệt, nhiều thế hệ nghệ sĩ đã có cống hiến to lớn trong việc giữ gìn và phát triển loại hình nghệ thuật này, được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý “Nghệ sĩ nhân dân” như: Ba Du, Phan Văn Huệ, Thành Tôn, Út Trà Ôn, Lệ Thủy,…
Hơn bất kỳ loại hình nghệ thuật nào, trải bao thăng trầm, biến thiên của lịch sử, nghệ thuật ĐCTT ở Vĩnh Long vẫn luôn phát triển, trở thành người bạn tri âm tri kỷ trong đời sống tinh thần của người dân.
Hiện nay, liên hoan ĐCTT được tỉnh Vĩnh Long tổ chức 2 năm/lần, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ. Đầu tháng 9/2017, người dân yêu ĐCTT huyện Mang Thít được đắm say với lời ca, tiếng đờn đầy cảm xúc của 8 đơn vị tham gia trình diễn.
Hơn 100 tài tử, nghệ nhân đã mang đến cho khán giả bữa tiệc nghệ thuật đậm sắc màu truyền thống mà mang hơi thở thời đại, với nhiều bài bản tự biên ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương đất nước, xây dựng đời sống văn hóa mới ở vùng nông thôn.
Đặc biệt, tham gia liên hoan có nhiều tài tử, nghệ nhân trẻ. Đây là những nhân tố mới, là lực lượng kế thừa để phát triển phong trào tại địa phương, góp phần thực hiện Đề án Bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2015- 2020.
Ông Lê Thanh Tuấn- Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trưởng BTC liên hoan- cho biết: “Định kỳ 2 năm/lần liên hoan ĐCTT, chính là dịp để các nghệ nhân có dịp giao lưu chia sẻ kinh nghiệm để bảo tồn và trao truyền cho các thế hệ trẻ các giá trị nghệ thuật của ĐCTT.
Đồng thời, góp phần nâng cao đời sống tinh thần nhân dân, tạo điều kiện để người dân tiếp xúc và thụ hưởng các giá trị văn hóa nghệ thuật của dân tộc".
Gìn giữ loại hình nghệ thuật của dân tộc, ngành du lịch Vĩnh Long còn phối hợp tổ chức phục vụ và giới thiệu ĐCTT tới du khách trong các tour du lịch đến với miệt vườn sông nước tỉnh nhà.
Em Ngọc Tuyền (trái) cười hiền: “Tấm gương vượt qua bóng tối cùng lời ca, tiếng đờn của chị Phóng đã giúp em thêm nghị lực, tự tin hơn trong cuộc sống”. |
Giữ hồn ĐCTT
Ở Vĩnh Long, không chỉ có các đội- nhóm- CLB ĐCTT tự học hỏi nhau mà nhiều lớp tập huấn, dạy ĐCTT cũng đã được tổ chức. Hoạt động này cho thấy sự bảo tồn và phát huy những giá trị của âm nhạc truyền thống được thực hiện thường xuyên.
Được sự chỉ đạo của Sở Văn hóa- Thể thao và Du lịch, Trường Văn hóa nghệ thuật Vĩnh Long đã phối hợp nhiều cơ quan, ban ngành mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghệ thuật ĐCTT từ sơ cấp đến nâng cao.
Trong năm qua, trường còn tổ chức một lớp dạy ca tài tử khá đặc biệt. Bởi, trong đó có công chức về hưu, giáo viên, công an, cũng có tiểu thương, nông dân... Học viên nhỏ tuổi nhất mới lên 8, còn học viên lớn tuổi nhất đã 76.
Nhưng có một điểm chung, đó là tất cả đều mê ĐCTT. Chương trình giảng dạy 20 bài bản tổ và bát ngự- tức 8 bài phụ- cùng các bài bản vắn của sân khấu cải lương.
Nội dung lời ca phần lớn được viết mới, được cập nhật từ thông tin “thời sự” nổi bật gắn với sự thay da đổi thịt của quê hương đất nước như "Vĩnh Long quê tôi", "Nỗi nhớ quê hương", "Việt Nam thiêng liêng biển trời", "Hát cùng biển- đảo quê tôi",…
Ở lớp học này, gia đình chị Lê Thị Kim Thúy (xã Long An- Long Hồ), là trường hợp đặc biệt bởi cả 3 mẹ con cùng đi học.
Mẹ con chị Lê Thị Kim Thúy (xã Long An- Long Hồ) đều mê ĐCTT. |
Đam mê ca hát tài tử từ nhỏ nhưng chị Thúy không có điều kiện để theo đuổi nó. Sau khi lập gia đình, cuộc sống ổn định, chị tham gia phong trào ĐCTT tại địa phương. Nhân dịp con gái út mới 8 tuổi là Nguyễn Hạnh Tâm đang trong thời gian nghỉ hè, chị cho con theo học luôn.
Về nhà, trong lúc chị tập luyện, con trai Nguyễn Hải Đăng (12 tuổi) cũng ca theo. Vậy là 3 mẹ con cùng đi học. Chị Lê Thị Kim Thúy tự hào: "Ông cha ta đã gìn giữ loại hình nghệ thuật này rồi giờ tới phiên lớp trẻ. Mình mong rằng, 2 con sẽ giữ niềm đam mê này để góp phần cho ĐCTT luôn sống mãi".
Chị Nguyễn Kim Phóng- Phó Chủ tịch Hội Người mù tỉnh- hiện là nghệ nhân đàn tranh chủ lực của tỉnh nhà trong những dịp biểu diễn ĐCTT, những hội diễn- liên hoan giao lưu hay tham dự Festival ĐCTT quốc gia. Chị còn là cộng tác viên thường xuyên của Trung tâm Văn hóa cũng như của Trường Văn hóa nghệ thuật.
Chị còn nhận thêm việc dạy đờn và biểu diễn tại các tụ điểm ca nhạc ở TP Vĩnh Long. Không chỉ là phương tiện mưu sinh, với chị Phóng, cây đàn tranh còn là người bạn tri âm, chia ngọt sẻ bùi, cho chị niềm tin để vượt qua bóng tối, những khó khăn trong cuộc sống.
ĐCTT là một hình thức sinh hoạt văn hóa gắn liền với văn minh miệt vườn. Giai điệu mượt mà, lời ca bày tỏ nỗi niềm suy tư, trăn trở hay yêu thương về cuộc sống, con người- ĐCTT luôn khơi gợi tình yêu quê hương đất nước, khơi gợi niềm tự hào dân tộc.
Bài, ảnh: MAI ANH- NGỌC MẾN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin