50 năm trước, Bác Hồ viết 5 bài thơ Xuân 1968

07:02, 20/02/2018

Lúc sinh thời, Bác Hồ thường làm thơ gửi tặng đồng bào và chiến sĩ cả nước trong mỗi dịp lễ hội hay khi có sự kiện trọng đại nào đó đối với đất nước, dân tộc. 

Lúc sinh thời, Bác Hồ thường làm thơ gửi tặng đồng bào và chiến sĩ cả nước trong mỗi dịp lễ hội hay khi có sự kiện trọng đại nào đó đối với đất nước, dân tộc.

Đặc biệt, khi Tết đến xuân về, Bác đều có thơ chúc Tết nhằm động viên quân và dân ta hăng hái tham gia chiến đấu và lao động sản xuất. Riêng năm 1968, Người đã có tới 5 bài thơ xuân mà tất cả những bài thơ ấy đều có khí thế phấn khởi, sôi nổi, lạc quan và đều có từ thắng, tức là Bác đều nói đến những chiến thắng của quân và dân ta.

Tác phẩm được Người viết trước tiên trong chùm thơ 5 bài đó, là Bài Chúc Tết năm 1968. Bài thơ này được Bác phác thảo ngay từ tháng 9 năm 1967 để đọc trên Đài Tiếng nói Việt Nam vào dịp Tết Nguyên đán Mậu Thân 1968. Bài thơ mang tính chất “sấm ký”, tiên đoán thắng lợi toàn diện của quân và dân ta trong năm 1968, đặc biệt là trên mặt trận chính trị, quân sự:

Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua

Thắng trận tin vui khắp nước nhà

Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ

Tiến lên!

             Toàn thắng ắt về ta!

Câu thơ mở đầu là lời chúc Bác gửi tặng đồng bào và chiến sĩ cả nước. Theo phong tục của người Việt Nam thì khi Tết đến xuân về, mọi người đều chúc nhau bước sang năm mới gặt hái được nhiều thắng lợi, thành công hơn năm cũ.

Và ở đây, tiếp nối truyền thống văn hoá dân tộc, Bác chúc quân và dân hai miền Nam, Bắc thi đua để giành được nhiều thắng lợi hơn những năm trước. Đặc biệt, linh hồn của bài thơ nằm ở câu thơ cuối: Tiến lên! / Toàn thắng ắt về ta!.

Câu thơ bất ngờ được ngắt thành hai dòng thể hiện cảm xúc trào dâng mãnh liệt trong lòng Người. Dòng thơ trên vừa là mệnh lệnh chiến đấu lại vừa là lời động viên của Bác; còn dòng thơ dưới là lời khẳng định quân dân ta sẽ giành được nhiều thắng lợi trong năm mới Mậu Thân này.

Bài thơ có giọng điệu sôi nổi, đầy hào khí giống như tiếng trống trận giục giã đồng bào và chiến sĩ cả nước xông lên, thi đua đánh giặc Mỹ xâm lược.

Và đúng như tiên đoán của Người, trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, quân và dân ta đã giành được nhiều thắng lợi khi đồng loạt đánh thẳng vào các đô thị lớn ở miền Nam – nơi tập trung cơ quan đầu não và binh lực của Mỹ – nguỵ, khiến kẻ thù hoang mang, khiếp sợ và chịu nhiều tổn thất.

Tin thắng trận từ miền Nam liên tiếp báo về khiến tâm trạng Người vô cùng phấn khởi. Và vào đúng ngày kỷ niệm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam năm đó, ngày 03/02/1968 (tức ngày mồng 6 Tết Mậu Thân), Bác đã viết bài thơ Không đề, mà cảm hứng được khơi nguồn từ niềm vui thắng lợi:

Đã lâu không làm bài thơ nào

Nay lại thử làm xem ra sao

Lục khắp giấy tờ vần chửa thấy

Bỗng nghe vần “Thắng” vút lên cao.

Ba dòng thơ đầu là lời kể giản dị, chưa có thông điệp gì đáng chú ý nhưng câu thơ cuối bỗng ngân vút lên, đầy khí thế với trọng tâm là từ “Thắng” nằm ở giữa câu thơ, giúp câu thơ và cả bài thơ được nâng bổng lên.

Thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ là mục đích cuối cùng và quan trọng nhất của toàn Đảng, toàn quân và dân ta lúc bấy giờ. Và thắng lợi cũng chính là niềm mong mỏi, là nguồn cảm hứng của Bác.

Nguồn cảm hứng ấy dâng đầy và thường trực trong tâm hồn Người hàng ngày, cả trong giờ ăn, lúc ngủ hay giây phút nghỉ ngơi thong dong thưởng ngoạn.

Bất cứ một sự việc, sự kiện gì cũng có thể khơi nguồn cảm xúc để Bác làm thơ. Trong mạch cảm xúc về niềm vui thắng lợi đó, Bác đã liên tiếp viết một số bài thơ khác, vẫn cùng một giọng điệu lạc quan, phấn khởi:

Mừng thấy miền Nam luôn thắng lớn

Một năm là cả bốn mùa xuân

(Vô đề, tháng 3. 1968)

Thong dong bao đám mây trời

Miền Nam tin thắng không ngơi báo về

(Mậu Thân xuân tiết)

Cả khi một vị lãnh đạo khác của Đảng đến chúc thọ và hỏi thăm sức khoẻ của Người thì cũng nhân đó, Bác làm thơ vừa thể hiện tâm trạng vui mừng trước thắng lợi của chiến trường miền Nam, vừa tỏ chí khí, khát vọng của mình:

Bảy mươi tám tuổi chưa già lắm

Vẫn vững hai vai việc nước nhà

Kháng chiến dân ta đang thắng lớn

Tiến bước ta cùng con em ta

(Không đề 1968)

Cũng giống các bài thơ trên, trong bài thơ này lại xuất hiện từ “Thắng” khi Bác nhắc đến cuộc kháng chiến của nhân dân ta.

Qua đây, chúng ta càng thấy được khát vọng thống nhất đất nước của Bác Hồ và của nhân dân ta lúc này mãnh liệt đến nhường nào!

Đồng thời, bài thơ này cũng là một minh chứng cho thấy Người đã gắn bó cả cuộc đời của mình với vận mệnh của đất nước, với sự nghiệp giải phóng dân tộc; và hàng ngày Bác luôn đau đáu dõi theo tin tức từ chiến trường gửi ra “miền Nam luôn trong trái tim tôi”.

Mặc dù sang năm 1968 (năm mà Bác đã 78 tuổi) sức khoẻ của Bác đã giảm sút đi rất nhiều song Người vẫn tỏ rõ sự lạc quan, vui đùa hóm hỉnh: Bảy mươi tám tuổi chưa già lắm và ước muốn được cống hiến nhiều hơn nữa cho đất nước, muốn được tiến bước cùng quân và dân cả nước đi đến thắng lợi cuối cùng.

Tinh thần lạc quan của Bác là nguồn động viên, cổ vũ to lớn, tạo nguồn sức mạnh giúp đồng bào và chiến sĩ cả nước giành được những thắng lợi mới…

Tròn 50 năm trôi qua kể từ ngày Bác viết chùm thơ này, khí thế của mùa xuân thắng lợi cùng cảm giác xúc động, thiêng liêng vẫn còn nguyên vẹn và toát lên trong từng ý câu vị chữ.

Ngày nay, toàn Đảng, toàn quân và dân ta đang nỗ lực, phấn đấu giành những thắng lợi mới trong công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước với mục tiêu dân giàu, nước mạnh. 

Và mỗi độ xuân về, lòng mỗi chúng ta lại tưng bừng, phấn khởi, say mê ngân vang những vần thơ đầy hào khí của Người: Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua…

TRẦN VĂN LỢI

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh