Con cò lặn lội...

01:01, 07/01/2018

Tháng 10 âm lịch. Miền Trung duyên hải. Đồng trơ gốc rạ. Và mưa. Và nước nổi. Nước dềnh lên mang theo cua, theo ốc- rủ rê những đàn cò lũ lượt đổ về, đáp xuống kiếm ăn. 

Tháng 10 âm lịch. Miền Trung duyên hải. Đồng trơ gốc rạ. Và mưa. Và nước nổi. Nước dềnh lên mang theo cua, theo ốc- rủ rê những đàn cò lũ lượt đổ về, đáp xuống kiếm ăn.

Từng đôi cánh trắng dang rộng, thong thả lượn vòng, chọn những chân ruộng trũng mà khẽ khàng đáp xuống.

Khẽ khàng lắm; bởi đôi chân thanh mảnh của cò chỉ khiến nước hơi xao nhẹ; còn “mồm mép” thì càng khỏi nói, họ hàng cò xưa nay vốn có tiếng… ít lời!

“Hạ cánh an toàn” đâu đó xong, cò ta vươn cái thân mình lêu nghêu, xù lông, vẩy vẩy nước; rồi đủng đỉnh đôi chân dài khởi đầu cho cuộc hành trình bì bõm; thi thoảng lại sục sục chiếc mỏ dài xuống làn nước trắng mà tìm tép, tìm rô.

Đủng đỉnh và tha thủi, cứ thế, cò nhẫn nại lang thang suốt từ sáng đến trưa, từ trưa đến chiều…

Không thể hình dung đồng nước nổi tháng 10 thiếu mất bóng cò. Nếu thế thì buồn lắm. Người buồn và đồng buồn.

Đã hàng trăm năm, đã hàng ngàn năm, biểu tượng cánh cò luôn như một nét chấm phá tối cần cho bức tranh quê.

Nét chấm phá ấy lại càng cần thiết hơn trong cái không gian ảm đạm, xám nhờ, thiếp ngủ của mùa đông.

Ấy là biểu hiện của sinh tồn, của vận động vẫn lặng lẽ, âm thầm tồn tại thi gan cùng gió, cùng mưa.

Điểm sống ấy lung linh trên gam màu chết của đồng đất mùa đông, làm dịu đi hơi gió bấc căm căm, làm tươi hơn sắc xám, nhẹ đi sức ám ảnh nặng nề của cái “vung trời” úp chụp như muốn nhốt kín, muốn thít chặt nhà cửa, cỏ cây trong cái vòng- kim- cô- băng- giá- tháng- mười…

Không dưng vô cớ mà cò lại gắn bó cùng quê, một loài chim quê mang phong thái rất riêng: bao giờ cũng thong thả: khi bay, khi đậu, khi đi đứng cũng như lúc kiếm mồi.

Còn nữa cái “bộ điệu triết gia” của cò lại song hành cùng những tố chất của người quê- nghĩa là nhẫn nại, là bền bỉ, nói ít làm nhiều; và khi đã làm thì vô cùng chịu khó chịu thương.

Đồng cảm chăng? Thôi, hãy cứ bảo rằng: quê giống cò và cò giống quê; quê thích cò và cò thích quê. Và dễ hiểu vì sao người nhạc, người thơ cứ ưa đem ví người đàn bà quê với cái thân cò...

Phải không đâu xa, quê đang hiển hiện trong những bóng cò. La lả bay cao. Lặn lội trên đồng. Đẹp và bình dị như quê. Nhẫn nại, hiền lành mà sâu thẳm như quê. Nói gọn, ai thấy được cò thì sẽ thấy quê...

Y Nguyên

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh