NSƯT Minh Vương- giọng ca sống mãi với thời gian

02:01, 16/01/2018

NSƯT Minh Vương là một trong những nghệ sĩ thuộc thế hệ vàng của sân khấu cải lương Nam Bộ. 14 tuổi ông đã đoạt giải Khôi nguyên vọng cổ và bước vào con đường hoạt động nghệ thuật.

 

NSƯT Minh Vương là một trong những nghệ sĩ thuộc thế hệ vàng của sân khấu cải lương Nam Bộ. 14 tuổi ông đã đoạt giải Khôi nguyên vọng cổ và bước vào con đường hoạt động nghệ thuật.

Giọng ca trong, khỏe, ngọt ngào đã đưa ông đến đỉnh cao danh vọng. Trong nhiều thập niên đi hát, ông đã đóng hàng trăm vai diễn và thu âm hàng ngàn bài vọng cổ.

Trên sân khấu, ông thường đảm nhận vai chính và được công chúng yêu thích qua nhiều vai diễn như Minh trong vở “Tô Ánh Nguyệt”, Luân trong vở “Đời cô Lựu”, Nguyễn Trãi trong vở “Rạng ngọc Côn Sơn” và nhiều vai diễn khác.

Ngoài ra, các bài tân cổ giao duyên (TCGD) do NSƯT Minh Vương thể hiện cùng những nữ nghệ sĩ Lệ Thủy, Thanh Kim Huệ, Mỹ Châu, Phượng Liên... cũng để lại dấu ấn khó phai trong lòng khán thính giả.

Năm 2012, ông bị suy thận và may mắn được 1 thanh niên hiến thận. Sau khi phẫu thuật, ông phục hồi sức khỏe và càng yêu nghề hơn, sẵn sàng đi phục vụ khán giả khắp mọi miền Tổ quốc...

Cũng từ đó, NSƯT Minh Vương thực hiện bộ sưu tập những hình ảnh, bài viết được đăng báo về cuộc đời hoạt động nghệ thuật của mình. Đặc biệt qua 12 lần tổ chức cuộc thi Chuông vàng Vọng cổ (CVVC) do HTV tổ chức, NSƯT Minh Vương đều có mặt trong vai trò là cố vấn Hội đồng nghệ thuật.

Ông đã đưa ra những đánh giá nhận xét rất gần gũi, chân tình, đậm chất vọng cổ, từ cách giữ gìn sức khỏe, cách lấy hơi, luyện giọng, hát đúng dây đờn, thật chuẩn một bài vọng cổ.

Đây là những kinh nghiệm quý báu để các thí sinh học hỏi, làm hành trang cho hoạt động nghệ thuật của mình sau này, để sau CVVC tiếp tục tỏa sáng, đem lời ca tiếng hát phục vụ lâu dài người hâm mộ.

PV Báo Vĩnh Long đã có cuộc phỏng vấn NSƯT Minh Vương:

* Là một nghệ sĩ gạo cội có nhiều đóng góp cho nghệ thuật Sân khấu cải lương nước nhà, nhân đây nghệ sĩ có thể cho biết kinh nghiệm để hát một bài VC hay và mùi?

- Bài VC nhịp 32 bây giờ so với các bài VC nhịp tư, nhịp 8, nhịp 16 thì tương đối dễ hơn. Vì trước đây như bài VC nhịp tư hay tư lơi ngắn hơn, 1 câu VC rất ngắn, nhịp 32 thì nhịp nhiều hơn và lời lẽ cũng nhiều hơn.

Từ đó cách ca cũng khác hơn. Ca VC thì có nhiều cách do sự sáng tạo của nghệ sĩ, giọng ca là trời phú, mỗi người một chất giọng. Nếu có giọng ca chưa đủ, muốn ca điêu luyện, chuyên nghiệp đòi hỏi người nghệ sĩ phải khổ luyện.

Trước đây, bài VC thường được sử dụng là 6 câu, sau này còn lại 4 câu (1-2-5-6), thậm chí bây giờ còn lại 3 câu (1-2-6). Do ngắn lại nên người ca cần phải chú ý thể hiện, câu chữ nào cần nhấn nhá để bài ca hoàn chỉnh hơn.

Người ca còn phải có sự đam mê, cần có thần tượng riêng nhưng phải sáng tạo. Để ca VC hay còn chú ý đến cách vô VC. Có nhiều cách như vô ngang, vô chồng, tùy vào tình huống, ngữ cảnh, tình cảm sâu lắng của nội dung bài hát nhất là chú ý sáng tạo ở các dấu sắc, huyền, hỏi, ngã, nặng.

Thường người nghe thích cách ca chồng vì nó bốc, khi nghệ sĩ hát bổng lên tạo cho câu VC hấp dẫn, lôi cuốn, bởi vì lúc đó tiếng đàn không còn chỉ còn lại giọng ca, xuống câu VC là khán giả vỗ tay.

Ngoài ra, câu 2 của bài VC cũng có cơ hội cho người ca bộc lộ làn hơi khỏe khoắn của mình vì chỗ xuống hò cũng có thể phát huy, phô trương chất giọng. Trong lòng câu cũng có thể luyến láy, trầm bổng, sắp nhịp theo những dấu câu làm sao cho sâu lắng, nhặt khoan.

Có thể ca nhanh hoặc chậm, thí dụ đến chỗ “trũng” người ca xuống theo chầm chậm sau đó chạy nước rút giống như trên đường đua vậy.

Gần đây có một số nghệ sĩ trẻ và các thí sinh hát trong cuộc thi CVVC hay ca câu dứt bổng lên, đó là sáng tạo, VC thì phải ca như vậy mới hay. Nếu trong tuồng thì khác còn tùy thuộc vào tính cách nhân vật, vui, buồn, giận, tha thiết, trữ tình...

Còn ca mùi hay không là tùy thuộc vào chất giọng của mỗi người, nhưng bài VC đòi hỏi phải ca mùi. Sau này mọi người hay gọi tôi là “ông hoàng của sân khấu cải lương” là vì nhờ giọng ca sống mãi với thời gian, tôi có cách ca riêng và ngoại hình vẫn còn “bắt sân khấu” (cười).

* Trước đây, bài TCGD ra đời là một cách làm mới bài VC, NSƯT Minh Vương là một trong những nghệ sĩ luôn làm mới mình ngay cả làm mới cách ca bài tân cổ?

- Bài TCGD xuất hiện lúc đó rất hay, chẳng hạn như hồi tôi diễn ở đoàn Kim Chung, một tuồng cải lương có một lớp hoặc tình huống nào đó có đoạn nhạc đưa vào thì được khán giả vỗ tay rầm rập tán thưởng.

Tôi nghĩ có thể do lời lẽ của đoạn nhạc đó phù hợp với tình huống của kịch bản nên khán giả chấp nhận là đúng. Còn nhớ hồi thời chú Viễn Châu viết bài TCGD, có một vài soạn giả, nghệ sĩ cho là không hay, không hợp, như thế làm mất giá trị bài VC, nhưng cuối cùng thì bài TCGD vẫn được đông đảo người nghe đón nhận cho tới ngày nay.

Về sau này có một số bài tân cổ mới, rất “hot” người nghe vẫn thích, yêu cầu tôi hát hoài. Thí dụ gần đây tôi hát và được khán giả hoan nghinh như bài “Con bướm xuân”, “Vợ người ta”, “Ngẫu hứng Chí Phèo” của soạn giả Đăng Minh.

Theo tôi, VC thì phải có trầm, bổng, thay đổi cách ca mới hấp dẫn người thưởng thức, nếu ca một chiều thì mất hay, không còn lôi cuốn, uổng chất giọng của người nghệ sĩ.

* Có nhận định cho rằng, bài TCGD bây giờ không còn hấp dẫn như xưa do một vài tác giả viết kém, ý kiến của NSƯT Minh Vương thế nào?

- Theo tôi quan trọng hay không hay xưa nay đều do cách viết. Tác giả phải viết theo ý nghĩa, nội dung của bài nhạc, chuyển tải cho được cái ý chính mà bài nhạc, đoạn nhạc muốn nói rồi sau đó muốn đem tân nhạc hay bài bản bất kỳ nào vào bài VC cũng được.

* Sau cơn bạo bệnh đến giờ, hình như NSƯT Minh Vương hát “máu lửa”, “say mê” hơn, luôn tìm cái mới để phục vụ khán giả?

- Đúng là như thế (cười). Sau cơn bạo bệnh, tôi được khán giả quan tâm nhiều hơn về giọng ca, sức khỏe, họ không biết Minh Vương có còn hát nổi nữa không, hoạt động sân khấu thế nào...

Chuyện là thế này, tình cờ một hôm xem truyền hình tôi thấy có tốp múa và hát bài “Con bướm xuân”, thấy cũng vui và xôm tụ nên tôi nghĩ ra một cách hát VC mới. Thế là tôi đặt tác giả Đăng Minh viết lời cổ, sau đó đi đám tiệc hát và nhảy bài này tôi được khán giả khen ngợi quá chừng.

Có người hỏi đó là điệu nhảy gì, tôi nói vui đó là “điệu Minh Vương” (cười lớn). Đó chính là cái mới của bài VC. Cho nên theo tôi cải lương không phải xuống cấp mà khán giả luôn trông chờ vào sự đổi mới của người nghệ sĩ, tác giả để theo kịp thời đại.

Một phần là do hiện nay có nhiều món ăn tinh thần, giải trí trên truyền hình nên người ta theo dõi mà quên coi cải lương. Vì hiện nay đâu chỉ có cải lương như xưa mà còn có nhạc, hài, phim, kịch...

Cải lương xưa hấp dẫn người xem là vì sao? Vì ngày trước muốn xem một tuồng cải lương phải tới rạp hát, chỉ ở rạp mới có, còn bây giờ chuyện tới rạp hát mà coi cải lương 2-3 tiếng đồng hồ quả là khó. Rồi băng, đĩa bán tràn lan, muốn coi cải lương mua về nhà coi, thậm chí còn lên mạng xem thỏa thích cái gì cũng có.

* Ở cuộc thi CVVC do HTV tổ chức, NSƯT Minh Vương nhiều năm liền có mặt trong Ban cố vấn Hội đồng nghệ thuật, nghệ sĩ có nhận xét gì về cuộc thi này?

- Tôi có mặt suốt 12 năm liền cuộc thi CVVC của HTV với vai trò là thành viên Hội đồng nghệ thuật.

Cuộc thi này rất có ý nghĩa, vì qua đó chúng ta có thể tìm tòi, phát huy, phát hiện ra giọng ca mới, lạ vun đắp cho sân khấu cải lương.

Tôi rất hoan nghênh HTV đã tổ chức cuộc thi này. Cuộc thi năm nay tôi đánh giá rất cao các thí sinh vào chung kết, vì các em có cách ca bốc hơn, sáng tạo hơn các kỳ trước. CVVC là nơi nhắc nhở các em thí sinh hát chuẩn bài VC từ cách ca, luyến láy, giữ hơi, chắc nhịp.

Hội đồng nghệ thuật đưa ra lời nhận xét để thí sinh hát đúng bài VC, ngoài ra còn dành cho những ai thích hát VC có nơi để học hỏi về cách ca một bài VC sao cho mùi, cho hay, quan trọng là hát chuẩn. Thế nhưng sau CVVC, các em ca thoải mái nhưng phải sáng tạo, ca hay hơn vì lúc đó các em không còn bị ràng buộc bởi cuộc thi.

* Bộ sưu tập về những hình ảnh và bài viết về cuộc đời mình, NSƯT Minh Vương vẫn còn thực hiện chứ?

- Vẫn còn, tôi vẫn đang sưu tầm đây. Tôi muốn sưu tập và giữ lại những hình ảnh, hoạt động từ thời trẻ cho đến hiện giờ, nếu rảnh thì tôi in ra vài bản từ hình ảnh cho đến các tư liệu, bài viết liên quan.

Bộ sưu tập này không chỉ mình tôi mà có mặt nhiều anh chị em nghệ sĩ hoạt động chung để làm kỷ niệm và cho khán giả xem.

Đây chỉ là việc làm tạm thời trước mắt, về lâu dài nếu có điều kiện tôi sẽ mở rộng hơn, kêu gọi nhiều nghệ sĩ cùng tham gia. Tại một góc nhỏ trong ngôi nhà hiện tại của tôi cũng có nhiều ảnh và tư liệu. Khi rảnh ngồi xem hình và đọc lại mấy bài báo viết về mình thấy cũng vui.

* NSƯT Minh Vương có nhắn gửi gì đến các thí sinh cũng như các nghệ sĩ trẻ mới bước vào con đường nghệ thuật?

- Nếu đã đam mê nghề này thì Minh Vương mong rằng các em phải biết giữ gìn sức khỏe, giữ gìn giọng ca, bởi vì đây là vốn quý mà ông trời đã ban tặng các em. Hát VC thì chất giọng là quan trọng nhất do đó giữ gìn giọng ca là việc cần thiết và quan trọng hàng đầu mà các em phải làm.

Nghề này đòi hỏi sức lực ghê lắm, hễ cất giọng lên là từ trong ruột gan bay ra hết, dốc toàn lực. Bên cạnh đó, các em còn phải không ngừng học hỏi các cô, chú, anh chị nghệ sĩ đi trước về cách ca, cách diễn.

Hễ cầm bài ca lên là phải ngấu nghiến, nghiền ngẫm để hiểu được nội dung từ đó ca diễn mới đạt.

* Nghệ sĩ gửi gắm tình cảm gì đến độc giả báo Vĩnh Long?

- Xin tri ân và cảm ơn khán giả Vĩnh Long đã luôn quan tâm, ủng hộ Minh Vương suốt thời gian qua.

Mong rằng khán giả Vĩnh Long và khắp nơi tiếp tục ủng hộ Minh Vương và các anh chị em nghệ sĩ khác để cải lương mình sống mãi và góp phần duy trì, bảo vệ bộ môn nghệ thuật được xem là vốn quý của dân tộc.

Riêng bản thân Minh Vương lúc nào cũng mong luôn có sức khỏe để hát phục vụ lâu dài bà con xa gần.

* Cảm ơn NSƯT Minh Vương đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn này.

Bài, ảnh: HỒ VĂN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh