Luận bàn về tên Trà Ôn có nghĩa gì?

08:01, 23/01/2018

 Trong địa danh Việt Nam, có hàng chục đơn vị thành tố Trà ở trước, có một số ít gốc Việt và Hán Việt; đa số bắt nguồn từ các ngôn ngữ dân tộc anh em.

Trên Báo Vĩnh Long, số 4162, ngày 3/10/2017 ở mục “Đất nước con người” có bài “Trà Ôn có nghĩa gì?” của tác giả Thạch Thảo (TP Hồ Chí Minh). Tác giả có giải thích những địa danh được hình thành theo kết cấu “Trà + X” có rất nhiều ở Nam Bộ, vùng ĐBSCL… trong đó có Trà Ôn. Qua đó, vẫn chưa giải thích được nghĩa của chúng thì cũng thiếu cơ sở để kết luận nó có nguồn gốc từ đâu?

Tuy nhiên, theo những người sống ở Trà Ôn có nghiên cứu về các địa danh ở địa phương qua các tư liệu tham khảo. Trước hết, trong tập “Địa danh Việt Nam ” (bản thảo) của PGS-TS Lê Trung Hoa (An Giang) có giải thích thành tố Trà (trang 67, 68). Ông cho biết: Trong địa danh Việt Nam , có hàng chục đơn vị thành tố Trà ở trước, có một số ít gốc Việt và Hán Việt; đa số bắt nguồn từ các ngôn ngữ dân tộc anh em.

Thành tố Trà gốc thuần Việt (xin kể sơ lược)

Trà Mi (Quảng Nam ) là loại cây thuộc hoa hồng, trồng làm cảnh.

Thành tố Trà gốc Hán Việt

Trà Bản (đảo lớn thuộc tỉnh Quảng Ninh) là “cái gốc của cây Trà” vì đảo này sản xuất loại trà ngon.

Trà Cổ (Quảng Ninh) là tên ghép 2 làng cũ Trà Phương và Cổ Trai. Trà Phương là hương thơm của trà…

Sau cùng là thành tố Trà bắt nguồn từ ngôn ngữ dân tộc anh em.

Một số thành tố gốc Chăm Ia chuyển thành. Ia là “sông nước”. Các địa danh Trà Bồng, Trà Khúc, Trà Câu (Quảng Ngãi), Trà Bình (Bình Định) thuộc loại này.

Trà Bồng bắt nguồn từ vùng Thanh Bồng.

Trà Khúc vừa gốc Chăm vừa gốc Hán Việt. Khúc là “đoạn” dòng sông có nhiều khúc quanh nguy hiểm.

Trà Bình là tên sông. Bắt đầu từ huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) chảy qua các huyện An Lão (Bình Định) vì chảy qua tỉnh Bình Định, nên có lẽ là “con sông chảy qua Bình Định”.

Một số thành tố Trà gốc Khmer, do âm tiết Tra chuyển thành:

Trà Cuôn tên một ấp của tỉnh Sóc Trăng; gốc Khmer là Trakun hay Tra Kuoon, Ta Kuoon, nghĩa là “Rau muống”.

Trà Vinh là tỉnh Trà Vinh; gốc Khmer Préah Trapeng. Préah là “Phật”; Trapeng là “cái ao” có nghĩa là “tượng Phật trong ao”. Theo truyền thuyết, tại đây trước kia người dân đào được một tượng Phật trong cái ao.

Nhiều thành tố do từ Tà, nghĩa là “Ông” chuyển thành:

Trà Canh ở tỉnh Sóc Trăng; gốc Khmer Tà Canh, nghĩa là “ông Canh” một người đưa đò trên sông.

Trà Lọt ở tỉnh Tiền Giang; gốc Khmer là Tà Lọt, nghĩa là “ông Lọt”

Trà Luộc ở tỉnh Tiền Giang; gốc Khmer là Tà Lok, nghĩa là ông “Lok” đọc chệch thành Trà Luộc (ở huyện Tam Bình, Vĩnh Long có Trà Luộc còn gọi là chợ Cũ).

Và nhiều tên gọi gốc Tà (ông): Trà Quýt “ông Quýt”; Trà Men “ông Men”; Trà Vong hay Trà Vông “là ông quan lớn”.

Còn ở huyện Trà Ôn, có nhiều tên mang từ Trà đứng đầu như: Trà Côn, Trà Ngoa, Trà Mòn. Theo giải thích đều mang tên người có công lập xóm làng và Trà Ôn có tư liệu giải thích gốc Khmer là Tà Ôn là “ông quan lớn tên Ôn” (ở ấp Giồng Thanh Bạch, xã Thiện Mỹ có lăng Tiền quân Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn, lâu nay người dân gọi là lăng Ông Lớn) có phải đọc trại tên ông không?

Ngoài ra, một số yếu tố Trà do một từ Khmer tương đối xa lạ về mặt ngữ am chuyển thành.

Trà Nho (Sóc Trăng) gốc Khmer Chrui Nho, là “vịnh cây nhàu”.

Trà Tâm (Sóc Trăng) gốc Khmer Chrui Tum, là chỗ khuỷa tay.

Một thành tố Trà do phụ âm trong tiếng Khmer chuyển thành.

Trà Cú (Trà Vinh); gốc Khmer là Preek Comnil Thkó có nghĩa là “rạch kinh con sâu”. Thkó đọc thành Trà Cú.

Bên cạnh, sách “Lịch sử khẩn hoang miền Nam” của Sơn Nam, sách lược khảo “Nguồn gốc địa danh Nam Bộ” của Bùi Đức Tịnh giải thích: “Trà” là một từ tố xuất hiện ở nhiều địa danh. Ở Vĩnh Long có Trà Ôn, Trà Côn, Trà Sơn, Trà Luộc, Trà Ngoa; ở Trà Vinh có Trà Cú, Trà Mẹt; ở Sóc Trăng có Trà Cuôn, Trà Kha; Hậu Giang có Trà Ết…

Theo tiếng Khmer: Prek có nghĩa là sông, như giải thích ở trên, Trà Cuôn có nghĩa là sông có nhiều rau muống; còn Trà Ôn lại được giải thích là sông có nhiều cây môn; Trà Luộc là sông có nhiều cây vông.

Tuy nhiên, những địa danh khởi đầu chữ “Trà” có thể đó là từ Khmer có nghĩa nhất định theo lối “srock” là “xứ”, “prah” là “ao”. Nhưng, trong địa danh Trà Vinh, “trà” chỉ là ngữ âm Việt hóa phần đầu của chữ “trapeng”, có nghĩa là “tượng Phật trong ao” linh thiêng.

Nhìn chung, khi người Kinh vào khai phá vùng Nam Bộ, ở khu vực ĐBSCL giai đoạn chúa Nguyễn, có những nhóm người Khmer sống liên hệ khá mật thiết với người Kinh. Bắt đầu từ đó, những ngôn ngữ địa danh dân tộc Khmer được Việt hóa theo một số cách nói. Trong đó gặp nhiều nhất là từ tố địa danh có tên đầu là Trà, Cái, Bà…

HOÀNG ĐƯƠNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh