Công chức văn hóa- xã hội một phường đang xây dựng theo chuẩn văn minh đô thị than vãn, một trong những nội dung khó mà phường chưa đạt là cảnh quan môi trường.
Công chức văn hóa- xã hội một phường đang xây dựng theo chuẩn văn minh đô thị than vãn, một trong những nội dung khó mà phường chưa đạt là cảnh quan môi trường.
Cụ thể, trên địa bàn đều có bố trí thùng rác, có tổ thu gom rác nhưng rác vẫn còn bừa bãi, trông rất nhếch nhác.
Đáng nói, trong đó có lượng lớn rác vãng lai- nghĩa là rác từ hoạt động vui chơi, giải trí hoặc do người từ nơi khác đi ngang qua địa bàn… để lại.
Do “thói quen” xả rác như vậy, nên không riêng phường này mà nhiều đô thị trong tỉnh, rác có mặt khắp nơi; đặc biệt ở các điểm vừa diễn ra chương trình lễ hội nào đó. Nếu là nơi bố trí ít hoặc không có thùng rác thì việc “quăng đại cho rảnh tay” đối với nhiều người càng là chuyện rất bình thường.
Nhìn sang nước bạn, Nhật Bản gần như không có thùng rác công cộng nhưng đường phố luôn luôn sạch bóng vì người dân đều phải mang rác về nhà và tự xử lý.
Đây cũng là cách người Nhật Bản giáo dục trẻ em về ý thức bảo vệ môi trường. Nhật Bản đặt mục tiêu, trong 3 năm tới sẽ có thị trấn không rác thải đầu tiên trên thế giới. Đó là thị trấn Kamikatsu, nơi hiện đã tái sử dụng đến 80% rác thải.
Trong khi thu gom rác ở xứ ta vẫn còn “sơ khai”- chưa phân loại rác tại nguồn, chưa tái chế… thì rất cần học hỏi cái hay từ nước bạn để dựng xây phố phường sạch đẹp.
Ngay từ bây giờ và bắt đầu từ đô thị trước, người lớn cần nâng cao ý thức trong việc “mang rác về nhà” để làm gương, đồng thời giáo dục thói quen này cho trẻ nhỏ. Mang rác về nhà- việc không khó, cũng đâu là chuyện quá xa vời!
NAM ANH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin