Anh Tư "sáng tát"

05:01, 07/01/2018

Trong kháng chiến chống Mỹ, B9 là ký hiệu của Tiểu ban Thông tấn báo chí, Ban Tuyên huấn tỉnh Trà Vinh. Hồi ấy, nhựt bình (nhật bình) là việc làm vào mỗi buổi chiều hay tối của tiểu ban này. 

Trong kháng chiến chống Mỹ, B9 là ký hiệu của Tiểu ban Thông tấn báo chí, Ban Tuyên huấn tỉnh Trà Vinh. Hồi ấy, nhựt bình (nhật bình) là việc làm vào mỗi buổi chiều hay tối của tiểu ban này.

Vì có nhựt bình thì mới thực hiện được việc phân công, giao việc trong ngày cho từng thành viên của cơ quan.

Cái hay của việc nhựt bình không chỉ giải quyết được phần chuyên môn mà còn kịp thời phát hiện những nhân tố tích cực trong ngày và góp ý, chỉ ra thiếu sót để anh em B9 phát huy và khắc phục.

Một điểm đáng chú ý nữa trong nhựt bình là phần kế hoạch lo cho bữa ăn hàng ngày của anh em. Để thực hiện điều này, trong nhựt bình, mỗi thành viên phải tự chọn cách bắt cá, tép để cải thiện bữa ăn cho tập thể.

Vậy là anh em có người lãnh cắm câu, đặt trúm, hái rau,… Còn tôi thì tình nguyện đi chài, vì đây là “sở trường”.

Viết đến đây, tôi chợt nhớ khoảng cuối tháng Chạp năm 1970, khi đó cơ quan B9 đóng trên miếng vườn nhà anh Hai Điều và anh Ba Đã (ấp Gò Cà, xã Nhị Long- huyện Càng Long- Trà Vinh).

Hôm ấy tôi mang chài lội cặp mé sông Nhị Long để chài cá. Trong lúc tôi lom khom kéo chài thì bất ngờ nghe tiếng máy bay trực thăng từ hướng Hiệp Phú bay vào.

Tôi ngẩng mặt lên thì nó đã sát một bên và bay rất thấp- thấp đến nỗi tôi thấy được cả những tên ngồi trên trực thăng.

Lúc này, chiếc trực thăng còn phun xuống chất màu trắng phủ như sương mù mà sau này mới biết là chất độc khai hoang hay còn gọi là chất độc da cam/dioxin làm ướt cả mình tôi.

Do trên bãi bùn trống mà máy bay lại bay thấp, nên tôi nghĩ bọn địch trên máy bay phát hiện ra mình và có thể sẽ quay trở lại bắn phá.

Nghĩ vậy, tôi leo lên bờ, đi nhanh về cơ quan cách đó hơn 300m và báo lại sự việc trên để anh em có kế hoạch phòng chống.

Quả đúng như nhận định của tôi, khoảng 10 phút sau, tuy chiếc trực thăng không quay trở lại nhưng địch cho pháo binh ở thị trấn Càng Long bắn ra hàng chục quả ở khu vực tôi đứng chài khi nãy. Giờ nhớ lại, để cải thiện bữa ăn trong chiến tranh cũng thật nguy hiểm vô cùng.

Trở lại chuyện nhựt bình, anh Thạch Niện (Tư Niện) là thành viên trong Ban Biên tập Báo Anh Dũng chữ Khmer gần như lần nào cũng vậy khi bàn đến bữa ăn hàng ngày của tập thể thì anh đều có một câu: “Tôi sáng tát”, ý là ngày mai anh sẽ đi tát mương hoặc tát hố bom bắt cá, tép. Nhưng cũng từ câu nói đó, anh em cơ quan hay gọi vui anh là “anh Tư sáng tát”.

Cũng chính cái tên gọi này mà một số bạn bè nghĩ rằng anh Tư là người có nhiều sáng tác trong chuyên môn của mình. Đến chừng hiểu ra 2 từ “sáng tát” để dí dỏm gọi anh Tư thì ít ai nín được cười.

Anh Tư nay không còn nữa để cùng tôi và anh em B9 ngày nào đón Xuân Mậu Tuất 2018. Bởi anh giờ đã về cõi vĩnh hằng và được yên nghỉ nơi quê hương Rùm Sóc (xã Châu Điền, huyện Cầu Kè- Trà Vinh) thân yêu.

Với tôi, dù hôm nay anh Tư “sáng tát” không còn nữa nhưng hình ảnh người cán bộ gương mẫu, trọn đời vì nước vì dân, thật thà, khiêm tốn, giản dị và luôn nhận những phần khó về mình của anh vẫn luôn sống mãi trong tôi.

TRỌNG LAI

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh