Trong chiến tranh, Bình Minh là địa bàn trọng yếu là vành đai bảo vệ TP Cần Thơ, Vùng 4 chiến thuật và sân bay Trà Nóc của địch. Do đó, nơi đây được tập trung nhiều đơn vị tinh nhuệ, vũ khí hiện đại và hệ thống đồn bót dày đặc.
Trong chiến tranh, Bình Minh là địa bàn trọng yếu là vành đai bảo vệ TP Cần Thơ, Vùng 4 chiến thuật và sân bay Trà Nóc của địch. Do đó, nơi đây được tập trung nhiều đơn vị tinh nhuệ, vũ khí hiện đại và hệ thống đồn bót dày đặc.
Trong điều kiện khó khăn thiếu thốn về trang bị vũ khí, Chiến dịch Mậu Thân tại Bình Minh không đạt được mục tiêu đề ra, nhưng quân dân Bình Minh đã thể hiện ý chí, sự dũng cảm với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.
Vợ chồng chú Ba Tâm- họ đã cùng tham gia Chiến dịch Mậu Thân 1968. |
Hồi ức 50 năm trước
Trong 4 mũi tấn công vào các mục tiêu quan trọng của Bình Minh thì chú Ba Tâm (ông Lưu Văn Tâm- nguyên Chủ tịch UBND huyện Bình Minh trước đây) cùng chú Hai Thức chỉ huy mũi thứ 3 từ Thành Lợi tấn công giải phóng cầu Bắc.
Mũi này có nhiệm vụ kiềm chân địch, cắt đứt giao thông, chặn địch viện trợ từ Cần Thơ qua. Để tìm hiểu thêm diễn biến của đêm 29 rạng sáng mùng 1 Tết Mậu Thân 1968, chúng tôi đến thăm nhà chú Ba Tâm và may mắn có cả thím Ba góp chuyện.
Thím Ba tên thật là Lê Hồng Đào, hồi đó là Hội phó Hội Phụ nữ huyện Bình Minh. Làm công tác vận động quần chúng nên thím Ba nắm rõ nhiều diễn biến chung của chiến dịch.
Hồi đó cô gái trẻ Lê Hồng Đào vừa tròn 18 tuổi đã được rút về huyện và giao trọng trách lãnh đạo Hội Phụ nữ huyện, nhưng vẫn còn tiếp tục bám địa bàn xã Mỹ Thuận.
Cô gái trẻ ngày nào bắt đầu những hồi ức của 50 năm trước bằng câu nói pha chút bùi ngùi: “Dân vận hồi đó chết hết rồi, giờ chỉ còn có mình tôi.
Anh Năm Xê mặt trận cũng chết, anh Tư Bia nông dân cũng chết, rồi anh Năm Xiếc cũng không còn, chú Chín Chúc là thủ trưởng trực tiếp được rút về tỉnh cũng hy sinh...
Nhớ mấy anh, mấy chú lắm! Hồi đó, mình còn trẻ nên mọi người dìu dắt, chỉ bảo tận tình như con cháu vậy. Nhờ vậy mà nhanh chóng trưởng thành qua từng thời kỳ chiến tranh”.
50 năm qua, thím Ba không thể nào quên hình ảnh những cái chết tang thương trên dòng sông Mỹ Thuận, khi trưa mùng 1 tết trực thăng Mỹ quần bắn hầu hết những ai đi xuồng trên sông.
Hơn 60 dân thường, đa số là nông dân, có nhiều gia đình ở xa về quê ăn tết, làm cỏ mồ mả ông bà chết sạch chẳng còn ai.
Đó cũng là câu chuyện làm công tác tuyên truyền, khơi dậy lòng căm thù giặc trong lòng bà con, người dân của huyện Bình Minh sau Chiến dịch Mậu Thân 1968.
Nhắc lại những mất mát, cũng như việc không chiếm được mục tiêu đề ra, giọng thím Ba còn uất ức một điều bởi lý do mình quá thiếu thốn vũ khí; trong khi tinh thần địch hoang mang, chỉ cần một mũi tấn công có được vài cây B40 hay một đại liên cũng đủ uy hiếp địch bỏ chạy rồi.
Như bước vào đợt 2, Bình Minh rút kinh nghiệm có tăng cường lực lượng, vũ khí nên đánh vào ngon lành.
Giáng đòn quyết liệt vào đầu não địch
Chú Ba Tâm nhắc lại kế hoạch đánh địch bằng 3 mũi giáp công: chính trị, quân sự và binh vận. Đêm 29 rạng sáng mùng 1 tết, từ các khu căn cứ, từ các vùng giải phóng của các xã, với thế trận chiến tranh nhân dân, Bình Minh đồng loạt nổi dậy tấn công vào các trọng điểm của địch.
Bước vào thời điểm này, các mũi binh vận của ta đã đạt được nhiều thắng lợi, làm tê liệt nhiều đồn bót, tề- xã. 4 mũi tấn công của ta gặp phải sự chống trả quyết liệt.
Địch tập trung lực lượng phòng thủ, bắn trả dữ dội, ta không thể nào tiến lên được nên cũng không chiếm được mục tiêu đã định.
Qua một ngày giằng co quyết liệt với địch, các mũi tấn công quân sự của ta chủ động rút quân về nơi tập kết để bảo toàn lực lượng.
Về mặt chính trị, hàng ngàn người trong các đoàn biểu tình từ các hướng kéo về dinh quận. Địch đưa lực lượng đàn áp, bắn đón đầu nhưng đoàn người vẫn tiếp tục tiến lên phía trước.
Tuy chưa thực hiện được mục tiêu ban đầu, còn một số hạn chế trong quá trình thực hiện chiến dịch, song quân và dân Bình Minh đã giáng một đòn quyết liệt vào đầu não địch ở dinh quận, gây nhiều thiệt hại và tiêu hao sinh lực địch.
Rút kinh nghiệm trong đợt 1, ta linh hoạt chủ động chuyển hướng về nông thôn, nhờ đó giải phóng nhiều vùng nông thôn rộng lớn, gỡ bỏ nhiều đồn bót địch, kiềm chân địch tại chỗ, cắt đứt lộ 4, góp phần cho thắng lợi chung tạo đà cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin