Khoảng tám giờ sáng một ngày giữa thu, mưa bay lất phất, không gian ẩm ướt, se se lạnh. Gió thổi từng cơn nhè nhẹ nhưng cũng đủ làm hàng hoa kiểng trong cái "công viên bỏ túi" ngoài hàng rào mặt tiền biệt thự của ông Hai Trình rung lên vì lạnh.
Khoảng tám giờ sáng một ngày giữa thu, mưa bay lất phất, không gian ẩm ướt, se se lạnh. Gió thổi từng cơn nhè nhẹ nhưng cũng đủ làm hàng hoa kiểng trong cái “công viên bỏ túi” ngoài hàng rào mặt tiền biệt thự của ông Hai Trình rung lên vì lạnh.
Ngoài đường, chiếc Toyota Fortuner bảy chỗ chở ông bà Sáu Kiên quẹo từ từ vào cổng và đậu trước bậc tam cấp. Từ trong nhà, ông Hai cầm dù bước ra tận xe che cho từng người đi vào phòng khách, đến ngồi trên bộ sa lông đắt tiền.
Tranh minh họa: Trần Thắng (TP Vĩnh Long) |
Ông bà Sáu Kiên là cha mẹ Hai Trình, hiện ở với người con trai út. Hôm nay, nhân dịp sinh nhật lần thứ năm của cháu nội gái vào ngày trung thu, ông Hai rước cha mẹ đến tham dự.
Vừa ngồi xuống ghế, bà Sáu cằn nhằn:
- Hồi tháng bảy thì hạn, bước qua tháng tám ngày nào cũng mưa hổng sáng thì chiều, hổng lớn thì nhỏ. Bực mình!
Ông Sáu nhìn ra dãy nhà tiệc ngoài sân, nói:
- Ông trời còn ở không vừa lòng người huống gì người phàm? Cũng may nó biết trước chuẩn bị sớm như vầy là tốt lắm.
Ông Hai Trình cắt bánh trung thu, rót trà Ô Long mời cha mẹ ăn bánh uống nước. Ông Sáu cầm góc tư cái bánh lên coi, nói:
- Dạo này thực phẩm bẩn nhiều lắm! Nhưn bánh trung thu lại được làm trước cả tháng rất dễ bị ngộ độc.
Hai Trình trấn an:
- Ba má yên tâm. Bánh con mua toàn của các thương hiệu nổi tiếng có uy tín chất lượng như Kinh Đô, Đồng Khánh chứ đâu có mua trôi nổi mà sợ ngộ độc. Thậm chí đến lồng đèn của mấy đứa nhỏ chơi con cũng mua loại cao cấp nữa đó.
Vợ chồng Khiêm cùng hai con bước ra chào ông bà nội, ông bà cốc. Vợ Khiêm quỳ xuống sau lưng bé Kim Ngân, nói:
- Con hát một bài tặng ông bà cốc đi con?
Bé quay lại hỏi mẹ:
- Hát bài gì mẹ?
- Bài “Cháu yêu bà” đi.
Bé đứng hát tự nhiên theo nhịp vỗ tay của mẹ. “Bà ơi bà, cháu yêu bà lắm, tóc bà trắng, màu trắng như mây, cháu yêu bà, cháu nắm bàn tay, khi cháu vâng lời, cháu biết bà vui”. Giọng của bé còn ngọng nghịu, đớt đát nghe thật dễ thương.
- Con ngoan lắm. Bà thưởng cho con.
Bà Sáu lấy bánh cho hai đứa trẻ. Chúng lắc đầu không lấy. Hai Trình nói chúng ăn riết ngán rồi. Hai đứa bé khoanh tay cúi đầu chào ông bà rồi chạy đi chơi. Bà Sáu nhìn theo, tấm tắc khen:
- Trẻ con bây giờ đứa nào cũng ngoan.
Ông Sáu nói:
- Nhờ được giáo dục ngay từ mẫu giáo nhưng cũng phải kể đến truyền thống của gia đình và sự quan tâm chăm sóc dạy dỗ của cha mẹ mới được vậy.
- Nó học lớp nào rồi con?- bà Sáu hỏi vợ Khiêm.
- Dạ thưa lớp lá- mẹ bé trả lời- Năm tới vô lớp một.
Bé Kim Ngân sinh ngày rằm tháng tám, trung thu năm nay vừa tròn năm tuổi. Hai Trình tổ chức lễ mừng sinh nhật cho cháu, tiện thể tổ chức cho các bé trong dòng họ và hàng xóm chơi trung thu, vui hội trăng rằm với anh em Kim Ngân.
Sáng ngày rằm, lễ sinh nhật được Hai Trình tổ chức hết sức hoành tráng. Trong ngoài đều treo đèn kết hoa rực rỡ. Hai dãy bàn mười mấy cái đều được trải khăn trắng tươi, lưng dựa ghế đay cũng được bao một lớp vải trắng.
Mỗi bàn đều có một lọ nhỏ cắm ba chiếc hoa hồng. Dân chiêu đãi đều mặc đồng phục, cổ thắt nơ đỏ. Rất lịch sự, sang trọng, quý phái. Khách mời khoảng trên dưới hai trăm, đãi hai đợt vào lúc mười bốn giờ chiều và mười tám giờ tối.
Có sân khấu ca nhạc, dàn âm thanh xịn và ca sĩ phục vụ văn nghệ, kèn trống xập xình. Vợ chồng Khiêm dẫn con gái đi từng bàn cám ơn khách, nhận lời chúc mừng và quà của họ tặng Kim Ngân, toàn là bao thư.
Ngoài khách mời người lớn còn có khoảng hai mươi khách mời nhí. Một chiếc bánh sinh nhật cao ba tầng và nhiều thứ bánh kẹo khác dành cho các cháu.
Thức ăn mặn dùng chung với người lớn. Khách mời nhí cũng tặng quà cho Kim Ngân, chủ yếu là đồ chơi như gấu nhồi bông, bộ lắp ráp nhà, xe hơi, máy bay điện tử điều khiển từ xa,…
Dự sinh nhật xong các cháu còn được chơi trung thu, vui hội trăng rằm với anh em bé Kim Ngân vào buổi tối.
Khoảng bốn giờ chiều, ông Sáu Kiên ra ngoài “công viên bỏ túi” ngồi hóng mát. Ở đây có khoảng chục bé nam nữ cầm lồng đèn đùa giỡn vô tư, hồn nhiên. Một người phụ nữ còn trẻ, ăn mặc có vẻ nghèo nàn, dẫn bé gái trạc sáu tuổi từ xa đi đến.
Khi ngang chỗ ông Kiên ngồi, bé gái đứng sựng lại, nhìn vào bọn trẻ đang chơi tỏ vẻ thèm thuồng được vào nhập bọn. Người phụ nữ nắm tay bé, giục:
- Đi con! Tối rồi!
Bé trì lại, nói:
- Con muốn vô chơi lồng đèn với mấy bạn?
- Mấy bạn đó lạ hoắc mà chơi gì con?
Bé phụng phịu, giậm chân bạch bạch xuống mặt đường:
Con muốn chơi! Mẹ cho con vô chơi đi?
Người phụ nữ giận, nói gắt:
- Không có lồng đèn mà chơi gì? Cãi lời mẹ đánh đó?
Người phụ nữ kéo bé đi. Bé miễn cưỡng bước theo nhưng khóc mếu máo, nước mắt tuôn ràn rụa. Bỗng! Mưa ào tới. Bọn trẻ chạy ùa vào nhà. Ông Sáu bước đến nói với người phụ nữ:
- Mưa rồi! Cô dẫn cháu vào nhà đụt mưa?
Người phụ nữ và cháu bé chạy lúp xúp theo ông Sáu. Nhà tiệc đông người ồn ào, ông dẫn họ vào thẳng phòng khách. Cả ba đều bị ướt mưa. Nước trên đầu bé gái nương theo những cọng tóc lòa xòa trước trán chảy xuống mặt đầm đìa như nước mắt. Cháu kéo vạt áo lên chùi.
Người phụ nữ tỏ ra khép nép, e ngại trước đông người lạ và sự sang trọng của căn phòng khách. Bé gái ngồi sát vào mẹ, đưa mắt tò mò nhìn khắp nơi. Ông Sáu đẩy dĩa bánh trung thu mời người phụ nữ và cắt bánh kem để trong cái dĩa giấy, lấy cái muỗng nhựa đưa cháu bé, nói:
- Ăn đi con. Bánh sinh nhật đó. Ăn xong rồi ăn bánh trung thu.
Cháu bé đưa mắt nhìn mẹ, mẹ nó gật đầu nó mới dám ăn.
- Cô cũng ăn bánh đi- ông Sáu nói với người phụ nữ.
- Dạ, cám ơn chú.
Thấy ông Sáu ngồi trò chuyện với người phụ nữ lạ, con cháu trong gia đình qua lại đều nhìn vào. Để người phụ nữ không e ngại, ông Sáu lấy bánh đưa cho bà ấy và lấy một góc tư vừa ăn vừa hỏi thăm:
- Nhà cô ở đâu? Gần đây không?
- Dạ, cách chừng một cây số.
- Chà! Xa dữ sao không đi xe ôm mà đi bộ?
- Dạ, ở đây vào chiều tối không có xe ôm.
Ông Sáu quay qua hỏi cháu gái:
- Con học lớp mấy?
- Dạ thưa lớp một.
- Có đi chơi trung thu không?
Người phụ nữ trả lời thay con:
- Nhà trường có tổ chức đêm hôm qua nhưng nhà con đơn chiếc xa xôi nên không đưa cháu đi dự được.
- Tội nghiệp cháu tui- ông Sáu nói và tự giới thiệu- Tui thứ Sáu, là cha của Hai Trình chủ nhà này. Hôm nay nó mừng sinh nhật cháu nội và tổ chức cho con cháu trong gia đình và hàng xóm chơi trung thu vui hội trăng rằm. Có lẽ nó sơ sót nên quên mời cô và cháu.
Tiện đây tui mời cô và cháu dùng bữa cơm thân mật với gia đình tui và nếu không có gì trở ngại thì cô nhín chút thì giờ nán lại cho cháu nó chơi trung thu với các bạn nhỏ!
Người phụ nữ đứng lên, lễ phép nói:
- Con cám ơn tấm lòng tốt của chú Sáu nhưng con không thể ở lại dùng bữa với chú và cho con bé chơi trung thu với các bạn nhỏ. Bởi vì ở nhà không có người lớn mà chỉ có thằng con trai mới mười tuổi nên con phải về lo cơm nước chú ạ. Xin phép chú con về!
- Ba nó đâu?- ông Sáu hỏi.
- Dạ, ảnh đi làm trên Bình Dương.
- À! Té ra vậy!
Thời gian gần đây rất nhiều nam nữ nghèo đủ mọi lứa tuổi ở nông thôn lên Bình Dương làm công nhân. Từ đó, “đi Bình Dương” là từ chung chỉ người nghèo.
Biết không thể cầm được người phụ nữ ở lại, ông Sáu Kiên kêu bà ấy đợi chút xíu rồi đích thân đi lấy một hộp bánh trung thu Kinh Đô, bịch kẹo, cái lồng đèn chạy pin cho cháu bé và kêu cháu nội lấy xe máy đưa mẹ con họ về nhà.
Trời sắp tối, đường về lại xa nên người phụ nữ không thể từ chối tấm thịnh tình của ông Sáu. Họ chào ông ra về. Ông bước theo ra “công viên bỏ túi” đứng nhìn chiếc xe chở mẹ con người phụ nữ cho đến khi nó mất hút mới thôi.
Một cơn gió thổi lướt qua, hàng hoa kiểng rung lên, những giọt nước mưa còn đọng lại trên lá trên hoa rơi lả tả xuống mặt đất sần sùi, đen đặc khiến ông Sáu nhớ đến những giọt nước mắt chảy ràn rụa trên gương mặt thất vọng, khổ đau của đứa bé gái khi nãy mà bất giác chạnh lòng, thở dài thườn thượt.
YẾN NGUYỆT
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin