Có mẩu chuyện vui: Một người ngoại quốc sau nhiều năm nghiên cứu ngôn ngữ đã tự hào nói rằng ông ta hiểu thông tất cả ngôn ngữ của người Việt Nam. Khi hỏi "15 trái chuối nói như thế nào?" thì ông ta trả lời ngay: "Rằm trái chuối".
Có mẩu chuyện vui: Một người ngoại quốc sau nhiều năm nghiên cứu ngôn ngữ đã tự hào nói rằng ông ta hiểu thông tất cả ngôn ngữ của người Việt Nam. Khi hỏi “15 trái chuối nói như thế nào?” thì ông ta trả lời ngay: “Rằm trái chuối”.
15 là chỉ số chỉ cho vật thể, rằm là chỉ số chỉ cho thời gian. Câu trả lời của ông ta tuy gây cười nhưng về mặt nào đó cũng không phải là sai. Bởi vì rằm (nửa tháng) đã chỉ cho con số 15. Tuy nhiên, với người Việt Nam, không ai lại nói như thế.
Có thể nói, ngôn ngữ Việt Nam là một thứ ngôn ngữ đặc thù, khó học nhất trên thế giới. Ngay với người Việt Nam, ở mỗi vùng miền đều không ít những âm ngữ mà nếu như chỉ nói nghe qua lần đầu cũng khó hiểu được tường tận. Vài câu chuyện vui sau đây là những ví dụ.
Có mấy anh miền Nam du lịch về miền mạn ngược phía Bắc, được một gia đình hiếu khách mời ở lại. Bà chủ nhà niềm nở bảo: “Sáng cơm, trưa cơm, tối thì xôi”. Sau bữa cơm sáng, cơm trưa được chiêu đãi tận tình, họ đợi đến khuya cũng không thấy xôi đâu. Hóa ra “xôi” tức là thôi, không có gì hết.
Lại cũng có một người miền Nam ra thăm xứ Huế, ghé nhà một người quen. Cổng nhà vừa mới mở gặp ngay phải con chó dữ nhe răng gầm gừ. Chủ nhà vội trấn an khách: “Không răng mô!” Người miền Nam tức mình chỉ vào con chó bảo: “Răng cả hàm mà nói không răng!”
Chỉ là vài mẩu chuyện vui, nhưng để thấy rằng một sự việc, một vật thể nhưng ngôn ngữ ở mỗi địa phương có sự khác biệt, không đồng nhất.
Chẳng hạn như chỉ về một lối nhỏ đi vào xóm thì người miền Nam gọi là hẻm, người miền Trung gọi là kiệt, người miền Bắc gọi là ngõ. Miền Nam gọi là cá lóc, miền Trung gọi là cá tràu, miền Bắc gọi là cá quả, chung quy cũng chỉ về một con cá duy nhất…
Nhưng dù sao đó cũng chỉ là những ngôn ngữ riêng của mỗi vùng miền. Còn ngôn ngữ thông dụng chung trong cả nước cũng có nhiều sự lắt léo. Ví dụ năm Ất Mùi để chỉ cho con dê.
Nhưng con dê còn có nhiều tên gọi khác nữa như be he, ba mươi lăm,... “Mùi” ngay từ chữ viết, âm đọc không có sự khác biệt nhưng tùy theo sự việc để nói đến mà có ngữ nghĩa khác nhau, như mùi vị (để chỉ về khứu giác khi phân biệt hương vị thơm tho hay hôi thúi…) mùi mẫn (để chỉ về tình cảm gắn bó hay đam mê, khắng khít…)
Cũng không phải vì thiếu ngôn ngữ mà ông cha ta mới phải dùng một tiếng nói để chỉ cho nhiều sự việc khác nhau, mà ngôn ngữ của người Việt Nam phải nói là rất phong phú, đa dạng.
Cùng là màu đen nhưng chó đen gọi là chó mực, ngựa đen gọi là ngựa ô, mèo đen gọi là mèo mun… Chó trắng thì gọi là chó cò, ngựa trắng gọi là ngựa kim,... Chưa hết, nếu quá đen thì nói là đen thui, đen thít, đen thùi, đen thịt,... Nếu trắng quá thì nói là trắng bạch, trắng toát, trắng tinh…
Trong kho tàng ngôn ngữ Việt Nam còn có rất nhiều điều lắt léo như thế, không thể nào nói hết được. Khi đất nước hoàn toàn thống nhất thì những địa phương ngữ đã hòa nhập chung vào một dòng chảy, ai cũng có thể nghe được, hiểu được không còn có sự lạ lẫm như trước đây nữa.
Chỉ còn có cách phát âm ở một vài nơi cá biệt như ở miền Tây Nam Bộ một số người thường phát âm chữ r thành g (bắt con cá gô, bỏ trong gổ, kêu gột gột). Hay ở một vài tỉnh phía Bắc phát âm chữ l thành n (nời lói = lời nói).
Không phát âm được chữ r thì không nói, nhưng phát âm chữ l thành ra chữ n và trái lại thì là một thói quen chứ không phải là “nói ngọng” như sự đánh giá của một số người.
SONG KIM
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin