Kỷ niệm 95 năm ngày sinh cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt (23/11/1922- 23/11/2017)

Dấu ấn Võ Văn Kiệt- người con ưu tú của quê hương Vĩnh Long

Cập nhật, 05:17, Thứ Năm, 23/11/2017 (GMT+7)

Đồng chí Võ Văn Kiệt- người con ưu tú của quê hương Vĩnh Long- là một nhà lãnh đạo cách mạng xuất sắc trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cũng như trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Với tầm nhìn xa trông rộng, tư duy sắc sảo, mạnh mẽ, quyết đoán, đồng chí đã để lại những dấu ấn đậm nét trong những giai đoạn lịch sử đầy biến động của đất nước.

Nhân cách cao thượng

Nói đến nhân cách Võ Văn Kiệt là nói đến một con người luôn hết lòng vì dân, vì nước. Trước những dự định, kế hoạch, kiến nghị góp ý cho Đảng, đồng chí đều trăn trở, suy nghĩ chín chắn cả trước mắt và lâu dài, trong mối liên hệ với quá khứ, hiện tại và tương lai, vì những điều đó liên quan trực tiếp đến vận mệnh của dân tộc, của đất nước.

Tuy không được học hành qua trường lớp căn bản, nhưng đồng chí lại là một tấm gương sáng cho tinh thần tự học. Đồng chí đi nhiều, đọc nhiều, suy nghĩ nhiều, luôn đặt câu hỏi tại sao và tìm cách lý giải nó.

Đồng chí luôn biết lắng nghe và thấu hiểu, là một trong số rất ít các nhà lãnh đạo quy tụ được rất nhiều trí thức và trở thành người bạn chân thành của họ, kể cả với những người có quan điểm đối lập.

Ông đến với trí thức bằng sự chân thành và tinh thần thật sự cầu thị, cởi mở và chính họ cũng đã đưa ra những gợi ý, những luận điểm khoa học xác đáng giúp ông có những quyết định đúng đắn.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt có một tấm lòng bao dung rộng lớn. Đứng trước những bất công, ngang trái, đồng chí luôn tìm hiểu đến ngọn ngành, làm rõ đúng- sai, thật- giả, luôn tìm cách bảo vệ cái đúng, không để ai làm tổn hại đến cái đúng, cái tốt nhưng cũng luôn đối xử chân thành với những ai có suy nghĩ “chưa đúng”.

Ngoài ra, Thủ tướng Võ Văn Kiệt còn được biết đến là một con người của đối thoại, cởi mở và của tư duy đổi mới. Chính đồng chí đã gửi thông điệp hết sức mới mẻ về một Việt Nam hợp tác, bình đẳng, đổi mới và cùng có lợi với tất cả các nước trên thế giới.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt còn nổi tiếng là một con người hành động, quyết đoán với ý chí tiến công, dám chịu trách nhiệm với những việc mình làm, không tranh công hay đổ lỗi, không màng danh lợi.

Đồng chí sẵn sàng đánh đổi danh vị nếu quyết định của mình không thành công... Tất cả những điều đó đã làm nên một nhân cách cao thượng, của một con người luôn sống và cống hiến cho nhân dân, cho đất nước, mãi mãi là tấm gương cho lớp lớp cán bộ, đảng viên và nhân dân học tập.

Một nhà ngoại giao bản lĩnh, tài năng

Những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, đất nước ta đứng trước vô vàn khó khăn và thử thách.

Trước tình hình bị bao vây, cô lập từ nhiều phía, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đóng vai trò then chốt trong việc cải thiện, mở rộng quan hệ ngoại giao của Việt Nam với thế giới.

Vào đầu những năm 1990, khi xuất hiện một số tín hiệu cho thấy cơ hội thoát khỏi thế bị bao vây, cấm vận và phát triển mở rộng quan hệ quốc tế, đồng chí đã đề xuất áp dụng chiến thuật “hoa sen nở”- đi từ trong ra ngoài.

Trước hết, là cải thiện quan hệ với các nước trong khu vực Đông Nam Á, đi đôi với bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Trung Quốc; từ đó tạo ra cục diện đối ngoại mới, cải thiện, thiết lập quan hệ với các nước trong vòng cung thứ hai thuộc khu vực Châu Á- Thái Bình Dương như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, cuối cùng sẽ vươn ra vòng cung xa hơn là EU, Mỹ và các nước khác.

Thành công của bước đi ấy đã tạo điều kiện thuận lợi trong việc xóa bỏ bất đồng với các quốc gia Đông Nam Á, đặc biệt là các nước ASEAN- tổ chức mà Việt Nam chính thức trở thành thành viên vào năm 1995.

Bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc vào năm 1992 và những thành công ấy đã buộc Mỹ phải xem xét lại chính sách ngoại giao với Việt Nam, tiến tới xóa bỏ lệnh bao vây cấm vận vào năm 1994, và đến ngày 11/7/1995, Việt Nam và Mỹ đã chính thức bình thường hóa quan hệ ngoại giao.

Một năm sau đó, Việt Nam đã cùng với ASEAN, ASEAN + 3 và EU trở thành thành viên sáng lập Diễn đàn hợp tác Á- Âu, mở ra một chân trời mới cho Việt Nam mở rộng giao lưu hợp tác với các nước ở 2 châu lục lớn nhất thế giới trên tất cả các lĩnh vực.

Có thể nói, trong những năm đồng chí Võ Văn Kiệt giữ cương vị đứng đầu Chính phủ là giai đoạn đơm hoa kết trái của ngoại giao Việt Nam trong công cuộc đổi mới.

Đồng chí thực sự là một trong những người đi đầu, đóng vai trò quan trọng trong việc hoạch định đường lối đổi mới nói chung và đường lối ngoại giao nói riêng.

Những nỗ lực không mệt mỏi của đồng chí đã làm “tan băng” mở rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam với thế giới.

Trong con mắt của lãnh đạo các nước, đồng chí Võ Văn Kiệt chính là người đã góp phần đưa Việt Nam ra thế giới. “Nụ cười Võ Văn Kiệt” đã trở thành một hình ảnh thân thiện, giàu ý nghĩa biểu tượng trong quan hệ ngày càng rộng mở của Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Những quyết định táo bạo

Không chỉ là một nhà ngoại giao bản lĩnh, tài năng, Thủ tướng Võ Văn Kiệt còn nổi tiếng với những quyết sách táo bạo, những bước đi đột phá, rất chắc chắn và hiệu quả của một con người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Trên cương vị người đứng đầu Chính phủ, đồng chí xác định: điện, giao thông, thủy lợi, lọc dầu... là “những xung lực”, “những quả đấm mạnh” tạo đà cho sự phát triển kinh tế- xã hội, là “đường băng” cho nền kinh tế cất cánh.

Một trong những công trình ghi dấu ấn sâu sắc của đồng chí là công trình đường dây điện 500kV Bắc- Nam.

Với quyết tâm cao độ, sự sâu sát, sáng tạo trong chỉ đạo của Chính phủ mà đứng đầu là đồng chí Võ Văn Kiệt, sự nỗ lực vượt mọi khó khăn của đội ngũ cán bộ và công nhân, sự giúp đỡ nhiệt tình của đồng bào các dân tộc nơi đường dây đi qua, sau 2 năm, khoảng thời gian mà ngay cả các chuyên gia tư vấn nước ngoài cũng cho là không tưởng, công trình đường dây điện 500kV Bắc- Nam đã hoàn thành.

Nó được ví như một “đường điện Trường Sơn”; một công trình đã đi vào lịch sử với nhiều cái “nhất”: quyết định nhanh nhất, táo bạo nhất, khảo sát, thiết kế và thi công nhanh nhất, giải phóng mặt bằng nhanh nhất, thời gian hoàn vốn nhanh nhất…

Không chỉ đối với đường dây siêu tải, đồng chí Võ Văn Kiệt còn để lại những dấu ấn đậm nét với các công trình điện năng khác như: Thác Mơ, Yaly, Hàm Thuận- Đa Nhim, Sông Hinh, Phú Mỹ… vì vậy không phải ngẫu nhiên mà đồng chí được mệnh danh là “Thủ tướng điện”.

Trên lĩnh vực giao thông, với tầm nhìn chiến lược, đồng chí đã cho xây dựng các công trình giao thông trọng điểm như: đường Bắc Thăng Long- Nội Bài, đường cao tốc Láng- Hòa Lạc, cầu Mỹ Thuận, đường Trường Sơn công nghiệp hóa và được mệnh danh là “Thủ tướng cầu đường”.

Đối với mảnh đất miền Trung, đồng chí đã tập hợp, quy tụ các nhà khoa học đi tìm hướng đi mới giúp miền Trung “cất cánh” bằng dự án Cảng nước sâu Dung Quất và Nhà máy lọc dầu Dung Quất.

Riêng đối với ĐBSCL, đồng chí luôn trăn trở vì nơi đây vẫn còn là “vùng trũng” so với cả nước, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, đặc biệt tài nguyên đất đai vẫn chưa được khai thác hết bởi diện tích đất nhiễm phèn, nhiễm mặn không thể canh tác còn chiếm tỷ lệ lớn, nơi mà theo chuyên gia về đất phèn người Hà Lan, Melforw “muốn xử lý một hecta đất phèn phải tốn cả triệu đô la” hay theo đánh giá của giáo sư địa chất Liên Xô “Đồng Tháp Mười không thể trồng lúa”.

Bằng tinh thần dám nghĩ, dám làm, Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhấn mạnh “Chúng ta phải làm, nếu có mất thì chỉ mất một phần của 3 tỉnh.

Nếu thành công thì có lợi cho cả đất nước”. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí, sự vào cuộc của các ban, ngành từ trung ương đến địa phương, sau nhiều năm miệt mài vỡ đất, đào kinh, vùng đất chết đã dần dần thay da đổi thịt, phong trào làm thủy lợi dẫn nước ngọt lan rộng khắp vùng.

Đồng Tháp Mười đã được chinh phục. Để thu hút nhân dân đến sinh sống và làm ăn ở vùng đất mới, Thủ tướng còn chỉ đạo các địa phương phát triển hạ tầng giao thông, nghiên cứu, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật sản xuất mới cho bà con.

Vì vậy, người dân nơi đây mãi coi ông như một kiến trúc sư, một vị tổng chỉ huy tài ba trong công cuộc khai phá Đồng Tháp Mười.

Một dấu ấn đậm nét của đồng chí Võ Văn Kiệt với ĐBSCL là việc đánh thức tiềm năng vùng tứ giác Long Xuyên- nơi mà vào những mùa lũ lớn, đồng ruộng nước ngập mênh mông như biển cả.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt phân tích: “ĐBSCL sẽ đi lên bằng thủy lợi gắn liền giao thông và gắn liền với đời sống…”

Sau đó, kinh T5 được khởi công và nhanh chóng hoàn thành với thời gian kỷ lục: 4 tháng. Kinh T5 nối từ kinh Vĩnh Tế rồi đổ ra biển Tây, giải quyết phần nào tình trạng úng ngập nơi đây.

Tiếp theo, các kinh T4 và T6 cũng lần lượt được khai dòng từ sườn Vĩnh Tế. 3 dòng kinh như 3 mũi tên lao qua tứ giác Long Xuyên, làm thức tỉnh vùng đất hoang hóa, rồi cùng đẩy lũ, xổ phèn ra biển.

Để khai thác hiệu quả vùng đất này, đồng chí đã đề xuất giải pháp “sống chung với lũ”. Giải pháp này đã giúp 10 triệu nông dân không bị gián đoạn cuộc sống trong mùa lũ.

Ngày nay, người dân An Giang nói riêng và ĐBSCL nói chung không còn sợ lũ, chạy lũ như trước kia, mà đã chế ngự được lũ, sống chung với lũ và trông đợi lũ về với các nguồn lợi của nó.

Từ khi có hệ thống kinh đào và kiểm soát được lũ, đồng ruộng được cải tạo, nông dân vùng tứ giác Long Xuyên sản xuất một năm 2- 3 vụ, năng suất tăng từ 2 tấn lên 10 tấn/ha/năm, đã giúp tỉnh An Giang từ chỗ thất bát, đói nghèo vì lũ lụt, vươn lên thành tỉnh dẫn đầu toàn vùng về sản xuất lương thực, góp phần nâng Việt Nam lên hàng thứ 2 thế giới về xuất khẩu gạo.

Với tấm lòng trìu mến và biết ơn sâu sắc, người dân sông nước vùng tứ giác Long Xuyên thường gọi công trình T5 là kinh “Ông Kiệt”.

Ngoài ra, để ĐBSCL phát triển bền vững trong thời kỳ đổi mới và hội nhập, trên cơ sở khoa học và tổng kết thực tiễn, đồng chí Võ Văn Kiệt đã chỉ ra 3 mũi đột phá lớn: “phải tập trung đột phá đồng thời cả hệ thống giao thông đường bộ, hệ thống thủy lợi và giáo dục- đào tạo”.

Đây là những định hướng mang ý nghĩa quyết định để phát huy tiềm năng và lợi thế của vùng có sản lượng hàng hóa nông- thủy sản xuất khẩu lớn nhất nước.

Thực hiện chỉ đạo của đồng chí, nhiều công trình giao thông trọng điểm của vùng đã được xây dựng như: cầu Mỹ Thuận, cầu Cần Thơ, cầu Rạch Miễu, sân bay quốc tế Cần Thơ,…

Cơ sở hạ tầng giao thông ở nông thôn có nhiều chuyển biến, từ cầu khỉ, đường đất, đã được trải nhựa hoặc bê tông hóa; hệ thống thủy lợi, trường học, bệnh viện, trạm xá từ tuyến huyện đến xã đã từng bước kiên cố và chuẩn hóa; nhiều công trình nhà vượt lũ được xây dựng, nông thôn từng bước được công nghiệp hóa và đô thị hóa, đời sống người dân được cải thiện đáng kể.

Từ thực tiễn các công trình xuất phát từ những quyết định táo bạo của đồng chí Võ Văn Kiệt đã chứng minh đây là những chủ trương hoàn toàn đúng đắn, mang lại hiệu quả to lớn đối với sự phát triển của đất nước.

Ghi nhận dấu ấn của đồng chí Võ Văn Kiệt đối với công cuộc xây dựng đất nước nói chung và xây dựng các công trình kinh tế lớn nói riêng, Đảng và Nhà nước ta đã khẳng định:

“Với tầm tư duy chiến lược, với quyết tâm đổi mới, tác phong sâu sát, quyết đoán, luôn tìm tòi, trăn trở, đồng chí Võ Văn Kiệt đã đóng góp xứng đáng vào quá trình hoạch định và tổ chức thực hiện đường lối đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Tên tuổi của đồng chí gắn liền với những công trình lớn ở khắp mọi miền đất nước”.

NGUYỄN THỊ BÍCH TUYỀN

TIN LIÊN QUAN