Sân khấu vẫn sáng ánh đèn...

11:10, 03/10/2017

"Khi ánh đèn vẫn sáng trên sân khấu, thì tôi sẽ còn cháy hết mình"- đó là câu nói của các văn nghệ sĩ, nghệ nhân, vũ công, tài tử… ở quê hương Vĩnh Long khi nói về cái tình với đam mê mà mình đang theo đuổi trong buổi họp mặt kỷ niệm ngày Sân khấu Việt Nam.

“Khi ánh đèn vẫn sáng trên sân khấu, thì tôi sẽ còn cháy hết mình”- đó là câu nói của các văn nghệ sĩ, nghệ nhân, vũ công, tài tử… ở quê hương Vĩnh Long khi nói về cái tình với đam mê mà mình đang theo đuổi trong buổi họp mặt kỷ niệm ngày Sân khấu Việt Nam.

Đồng chí Trần Văn Rón- Ủy viên  BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long- trao bằng khen cho những nghệ sĩ đạt giải trong Festival Đờn ca tài tử vừa được tổ chức tại Bình Dương.
Đồng chí Trần Văn Rón- Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long- trao bằng khen cho những nghệ sĩ đạt giải trong Festival Đờn ca tài tử vừa được tổ chức tại Bình Dương.

Cơn mưa chiều đầu tháng 10 như trút nước nhưng đại diện các sở, ban ngành, các nghệ nhân, văn nghệ sĩ… của tỉnh vẫn tụ họp đông đủ tại Trung tâm Văn hóa tỉnh (Sở VH, TT và DL).

Từ năm 2011, ngày 12/8 âm lịch đã được chọn làm ngày Sân khấu Việt Nam.

Và lễ kỷ niệm năm 2017 đúng dịp 60 năm ngày thành lập Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam. Thể hiện đạo lý trong nghề nghiệp, họ lại gặp gỡ, thăm hỏi, cùng thắp nén hương tri ân thế hệ đi trước.

Ông Trần Thanh Sơn- Phó Chủ tịch Hội Văn học- Nghệ thuật- ôn lại truyền thống của ngày Sân khấu Việt Nam.

Ông cho biết, lễ giỗ tổ xuất phát từ hát bội mà mấy trăm năm mở cõi vào Nam, từ thời các chúa Nguyễn, ngành sân khấu với hát bội ban đầu và cải lương sau này gần như là phương tiện giải trí độc tôn của cả vùng đất phía Nam.

Vì thế, ngày giỗ tổ và chuyện ông tổ sân khấu được nhiều người dân quan tâm.

Nhà nghiên cứu Đinh Bằng Phi nói: “Nghề hát phải học tất cả nghề và mang ơn tất cả khán giả mọi thành phần đã nuôi sống mình”.

Đó là cách nói về sự hóa thân của người nghệ sĩ vào hiện thực của đời sống và đó là đạo lý uống nước nhớ nguồn, ghi ơn những người đi trước đã sáng tạo ra loại hình nghệ thuật độc đáo đã tồn tại với thời gian.

Phát triển trên nền của đờn ca tài tử, Sân khấu Vĩnh Long ra đời khá sớm, gắn liền với những tên tuổi như Trương Duy Toản cùng thầy tuồng gánh cải lương thầy Năm Tú (gánh cải lương đầu tiên của Việt Nam), Tống Hữu Định, nghệ sĩ Thành Tôn, Út Trà Ôn, Lệ Thủy,... đưa nền sân khấu Vĩnh Long phát triển vang bóng một thời.

Đến thời kỳ chống Mỹ, Đoàn Văn công Cửu Long ra đời năm 1961 đã làm nên diện mạo cải lương trong kháng chiến, góp phần cổ vũ cho quân và dân Vĩnh Long trong những thời kỳ chiến tranh ác liệt nhất.

Sau năm 1975 là thời kỳ vàng son của cải lương với những dấu ấn khó phai trong lòng khán giả. Trong thời kỳ đổi mới, cùng với nhiều ngành nghệ thuật, sân khấu đứng trước nhiều cơ hội phát triển và cũng phải vượt qua nhiều thách thức.

Các nghệ sĩ đã nhạy bén đưa lên sàn diễn nhiều tác phẩm mới về cuộc chuyển mình của đất nước. 60 năm thành lập Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam là dấu mốc dành cho những người hoạt động sân khấu, là điểm sáng hướng đến của các thế hệ làm nghề sau này.

Vở diễn hát bội “Công đức Dung Ngọc Hầu” được thể hiện bởi thế hệ trẻ của sân khấu Vĩnh Long.
Vở diễn hát bội “Công đức Dung Ngọc Hầu” được thể hiện bởi thế hệ trẻ của sân khấu Vĩnh Long.

Trong bộ trang phục lung linh của nghệ thuật hát bội, Nguyễn Phạm Diễm Hằng (15 tuổi) thuần thục hóa thân thành Bạch phu nhân trong vở diễn “Công đức Dung Ngọc Hầu”.

Là cháu nội của nghệ nhân ưu tú, nghệ sĩ Vũ Linh Tâm (một trong những kép chính và truyền nhân của gánh hát bội Đồng Thinh nổi tiếng ở đất Vĩnh Long xưa), Hằng mê hát từ khi còn nhỏ xíu: “Tình yêu đối với sân khấu như thấm vào máu thịt với em.

Em rất tự hào khi được đứng trên sân khấu diễn kịch bản do ông nội viết, được bà nội chăm chút chuẩn bị tóc tai, quần áo”.

Hằng cho biết: “Vì đang học lớp 9, chuẩn bị chuyển cấp nên em không lơ là việc học, nhưng thời gian rảnh là em liền tập hát bội.

Lúc tập bầm hết cả người, tối ngủ hổng được luôn nhưng vì yêu thích mà em không bỏ cuộc. Là người trẻ thì em phải học hỏi thật nhiều để không phụ lòng thế hệ cha ông, để giữ mãi ngọn lửa trên sấn khấu”.

Chị Phùng Thụy Yến Vy (27 tuổi) làm diễn viên múa ở Trung tâm Văn hóa tỉnh đã gần 6 năm. Hôm nay chị đến để thắp nén hương cho tổ nghiệp.

Chị cho biết qua mỗi lễ giỗ, chị lại thấy mình lớn thêm. Mỗi buổi lễ sẽ gắn kết đội ngũ văn nghệ sĩ, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của sân khấu, những người trẻ sẽ có cơ hội sẻ chia, trau dồi kinh nghiệm từ những người đi trước và cùng nhau tiếp tục phấn đấu, góp sức cho nghề.

Chú Lê Văn Thuận (xã Mỹ Lộc- Tam Bình) chăm chú lắng nghe bài phụng hoàng Lai Nghi điệu thức oán “Quê hương sáng mãi tên Người” và “nín thở” theo dõi màn ảo thuật của nghệ sĩ, kỷ lục gia Hoàng Khang.

Lặng lẽ ngồi ở vị trí xa sân khấu nhất, chú nói muốn nhìn thấy cả những người nghệ sĩ thầm lặng mang đến tiết mục hay như người chỉnh ánh sáng, người đờn, người thổi kèn…

“Tui làm ruộng ở quê nhưng mê hát lắm. Tui tham gia CLB đờn ca tài tử ở xã, hát về quê hương đất nước mình, thấy tinh thần vui vẻ, thoải mái lại có thêm nhiều bạn bè cùng sở thích”.

Ông Trần Thanh Sơn- Phó Chủ tịch Hội Văn học- Nghệ thuật- cho biết: Ngày Sân khấu Việt Nam là sự ghi nhận những đóng góp to lớn của các thế hệ nghệ sĩ cho nền sân khấu nước nhà.

Luôn tựa lưng vào nền văn hóa cha ông để tồn tại và phát triển, lời ca, tiếng hát của con người Nam Bộ mộc mạc, hào sảng, cứ ngân nga giữ mãi những giá trị văn hóa, lịch sử dân tộc.

Mặc dù có không ít khó khăn nhưng những nghệ sĩ đã không ngừng phát triển để thích ứng với tình hình luôn đổi mới.

Phía sau tấm màn nhung là những giọt mồ hôi. Ngày nào vẫn còn khán giả, ánh đèn vẫn sáng trên sân khấu, ngày ấy lời ca tiếng hát mãi còn vang vọng…

Bài, ảnh: PHƯƠNG THÚY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh