Kết nối phố

Chuyện riêng- đừng làm ảnh hưởng chung

Cập nhật, 13:19, Thứ Tư, 18/10/2017 (GMT+7)

Chuyện nuôi chó, mèo, chim chóc,… vốn là chuyện riêng của mỗi nhà nhưng đôi khi lại gây phiền người xung quanh.

Nhà kế bên nuôi chó, hàng ngày mang qua cột trước cổng nhà dì Hai nên dì bức xúc: “Nào là thức ăn rơi ra ngoài, nào là phân, nước tiểu. Nói thì sợ mích lòng mà không nói thì dơ quá”.

Trong khi đó, nhà chú Tư thì “hổng nuôi mèo” nhưng nhiều lần phát hiện trong đêm đã có em mèo nào đó ghé bếp nhà thăm ơ cá, tha đi một ít. Chuyện của anh Năm càng bức xúc.

Nhà anh Năm ở khu dân cư thuộc nội ô thành phố, đông vui. Nhưng khổ nỗi lại gần nhà ông hàng xóm “khó ưa”. Anh Năm kể: nhà kế bên nuôi chó nhiều- kiểu mua đi bán lại, cả ngày chúng sủa inh ỏi.

Đáng nói là ngày nào chủ nhà cũng thả chúng ra đường phóng uế, lấn sang trước nhà hàng xóm. Sợ nhất là hàng rào nhốt chó rất sơ sài nên ở kế bên, cứ nơm nớp lo mấy con béc giê to tướng sổng chuồng.

Chưa hết, “anh hàng xóm này còn tật xấu là chạy xe phân khối lớn, nẹt pô, bóp kèn liền tay như ở chốn không người, cho dù là nửa đêm khuya khoắt. Mà tính khí ổng rất giang hồ, nên ai cũng ngán”- anh Năm nói.

Không riêng anh Năm, nhiều người sống ở đô thị không hài lòng chuyện đang lưu thông trên đường thì gặp gia súc nghênh ngang dạo phố. Đáng nói, nhiều nhà không có cổng rào nhưng nuôi chó chỉ cột sơ sài hoặc thả rong- nguy hiểm tiềm ẩn đối với người xung quanh.

Thiết nghĩ, chuyện nuôi chó, mèo, chim chóc,… vốn là chuyện riêng của mỗi nhà. Tuy nhiên, để tránh gây ảnh hưởng đến cộng đồng, gia chủ cần tiêm phòng bệnh dại, nhốt cẩn thận.

Ngành chức năng cũng cần thắt chặt quản lý chăn nuôi gia súc, gia cầm bằng các quy định cụ thể, rõ ràng. Đồng thời, có các biện pháp chế tài, xử lý đủ mạnh để răn đe, ngăn ngừa vi phạm.

NAM ANH