Nhớ mẹ, thương cha luôn là tâm trạng chung của những người con vốn đã chọn cho mình con đường lập nghiệp xa quê. Mái nhà xưa vẫn còn đó ngóng trông và chờ đợi nhưng có mấy ai đều bước tìm về.
Nhớ mẹ, thương cha luôn là tâm trạng chung của những người con vốn đã chọn cho mình con đường lập nghiệp xa quê. Mái nhà xưa vẫn còn đó ngóng trông và chờ đợi nhưng có mấy ai đều bước tìm về.
Một ngày cuối tuần, tôi về thăm cha mẹ. Trời mùa hạ mà vẫn nghe gió lùa mát rượi. Cây nhãn bên hiên nhà lắt lay theo gió dìu dặt hương thơm luồn qua khung cửa sổ. Vẳng nghe xa xa, tiếng gà tre đang báo sáng. Không khí nơi làng quê quá đỗi yên bình.
Sáng sớm, khi mặt trời chưa ló dạng, cha tôi đã lục đục pha trà. Hương trà móc câu không lẫn lộn vào đâu cho được. Tôi không nấn ná. Tôi bật dậy vọc mặt vào làn nước trong mát rượi để tranh thủ cùng cha uống ly trà sáng.
Mấy năm sống ở phố thị, uống thứ nước bình nhạt nhẽo chẳng có mùi vị, về đến nhà uống nước mưa mẹ để dành cha pha trà có cả mùi thơm của khói bếp nghe nó ngọt làm sao!
Câu chuyện của cha tôi thường bắt đầu bằng những trăn trở về ruộng vườn, cây trái. Dù giờ cha đã chấp nhận cuộc sống “nhàn hạ” với mớ cây kiểng trước sân, ao cá sau nhà, dăm ba bầy gà, bầy vịt nhưng cha vẫn nặng tình với dòng sông, cánh đồng.
Hạn hán, xâm nhập mặn ngày càng cực đoan khó lường thì tránh sao khỏi nỗi lòng đau đáu ở một người vốn rặt nông dân như cha tôi.
Cái vị quê, gốc rạ đã ăn sâu vào huyết quản của cha tự bao giờ. Cha nhấp ngụm trà, mắt dõi nhìn về phía xa xăm. Tôi thấy tóc cha thêm nhiều sợi bạc. Tôi lặng im mà trách mình về nghĩa vụ của một người con.
Sáu anh em chúng tôi lớn lên đứa nào cũng muốn đi xa để sống và tận hưởng cuộc sống của riêng mình. Có đứa nào muốn gắn bó với làng quê, với mái ngói, sân gạch này đâu?
Con cái lắm khi quá ích kỷ nhưng cha mẹ thì lại bao dung đến vô ngần. Những khi con mỏi gối chùn chân hay va vấp giữa cuộc đời thì có cha mẹ nào lại không dang rộng vòng tay đón con về mà dỗ dành như một đứa trẻ?
Nhìn cha cầm tờ báo trên tay mà mắt nheo khổ sở, tôi bỗng giật mình thấy sợ một ngày cha không nhận ra được tụi con. Ước gì có thể níu lại năm tháng để xóa tan vết nhăn hằn trên trán cha và nhuộm xanh lại mái đầu của mẹ. Tôi ao ước và thèm thuồng sống lại những ngày quấn quýt bên cha.
Hồi đó, mẹ tôi bận bán buôn ở chợ nên ngoài ruộng vườn cha còn phải tranh thủ vào bếp lo cơm nước cho tụi tôi.
Những món cha nấu thường quẩn quanh với cá biển chiên, canh rau ngót; cơm trắng, cá kho; trứng luộc giằm mắm chua ăn với rau tập tàng; cà nướng ăn với nước tương, thậm chí có hôm chỉ là chén muối sả được đâm chung với ớt, vắt miếng chanh cho chua chua và cứ thế trộn đều với cơm.
Những bữa cơm nghèo tuềnh toàng vậy mà sáu anh em chúng tôi mỗi đứa một tô ăn lấy ăn để. Nhớ nhất là cái món nước mắm kho khô kẹo kẹo của cha nó đặc biệt làm sao! Cơm vừa chín, cha tận dụng chút than còn sót lại bắc chảo lên cho chút nước mắm vào.
Lũ chúng tôi vừa ăn vừa hít hà, vừa lấy tay quệt mồ hôi lăn dài trên trán để rồi cái mùi vị ấy thấm đẫm và nuôi dưỡng tâm hồn tôi đến tận bây giờ.
Có thể vì tôi đã lớn lên từ những giọt mồ hôi của cha và từ những bữa cơm cháy, kho quẹt cho nên cuộc sống sau này có đủ đầy tôi vẫn thấy thèm, thấy nhớ cái chảo nhôm móp méo, sứt quai được chế nước mắm kho cạn rồi múc một tô cơm trắng, ngồi bệt xuống hàng ba nhà mà quẹt. Thương mẹ, thương cha, thương cả những món ăn của một thời khốn khó!
DIỄM KIỀU
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin