Kỳ cuối: Phong trào Đông Du ở Vĩnh Long

11:09, 19/09/2017

Trước khi xuất dương sang Nhật, thượng tuần tháng Chạp năm Quý Mão (1903), cụ Phan vào Sài Gòn, tới tận Châu Đốc và lục tỉnh Nam Kỳ vận động đồng bào đi du học. Tháng Giêng năm sau, năm Giáp Thìn (1904), cụ Phan tới Sa Đéc và Vĩnh Long gặp các nhà nho yêu nước: 

 

Vận động du học sinh

Trước khi xuất dương sang Nhật, thượng tuần tháng Chạp năm Quý Mão (1903), cụ Phan vào Sài Gòn, tới tận Châu Đốc và lục tỉnh Nam Kỳ vận động đồng bào đi du học. Tháng Giêng năm sau, năm Giáp Thìn (1904), cụ Phan tới Sa Đéc và Vĩnh Long gặp các nhà nho yêu nước:

Nguyễn Ngơn Hanh, Trần Phước Định, Đặng Văn Nguyên… đều là bạn thân của cụ Nguyễn Thành Hiến (hay Nguyễn Thần Hiến) (sau ông Nguyễn Thành Hiến cũng xuất dương đồng sự với cụ Phan hơn 7 năm, sau ở Hương Cảng vì toan mưu cuộc ám sát thuê nhà kín chế tạo trái phá bị người Pháp bắt được đem về Việt Nam… Ông đã tự tử ở Hà Nội).

Nói về kết quả chuyến đi vào Nam, cụ Phan viết: “Trận đi này tuy không có công gì nhưng mà sau khi tôi xuất dương được anh em Nam Kỳ giúp sức nhiều lắm, mà có kết quả cũng nhờ lần đi ấy vậy”.

Thượng tuần tháng 2/1907, có vài phụ lão Nam Kỳ, trong đó có ông Trần Phước Định, Lưu Đình Ngoạn, Đặng Văn Nguyên, Nguyễn Ngơn Hanh… đến Hương Cảng (Trung Quốc) gặp cụ Phan Bội Châu, nắm tình hình đưa tiếp học sinh du học và quyên góp tiền bạc ủng hộ. Ra về cụ Phan đã trao cho các ông hội đồng Mỹ Tho, ông chánh tổng ở Cần Thơ, ông hương chức ở Long Hồ… 5 bản sách do cụ Phan làm là: “Tân Việt Nam toàn biên: “Kỷ niệm lục”, “Sùng bái giai nhân”, “Hoàng Phan Thái”, “Ai cáo Nam Kỳ phụ lão văn”.

Cụ Phan khuyên các ngài truyền bá và ân cần chúc thác có 2 việc:

1. Vận động du học sinh.

2. Quyên trợ du học phí.

Cuối tháng 8, chuyến đi Nhật có các phụ lão: Nguyễn Thành Hiến, Trần Phước Định, Hoàng Công Đáng cùng với hơn 20 học sinh Nam Kỳ; trong đó có Nguyễn Truyện (con Nguyễn Ngơn Hạnh), Lâm Tỷ, Lâm Cần (con Lâm Bình), Lý Phương Xuân (con Lý Trung Chánh).

Vài tuần sau, thanh niên Nam Kỳ có vài mươi người ra, trong đó có 3 cậu bé con dưới 10 tuổi do ông Trần Văn Định ở Vĩnh Long đưa qua tên là Trần Văn An, Trần Văn Thư, Hoàng Vĩ Hùng (Hoàng là người nhỏ tuổi nhất).

Lúc này ở Hương Cảng, số học sinh Nam, Trung, Bắc Kỳ có tới 60 người, sự tình chưa am hiểu nên cụ Phan phải trực tiếp cùng số học sinh xuống tàu Nhật Bản đi Hoành Tân.

Hy vọng tin tưởng vào tương lai của thế hệ học sinh sau này, trong tác phẩm “Việt Nam Quốc sử khảo” cụ Phan viết:

“Năm bảy lũ thiếu niên hăng hái

Người qua Đông người nhảy sang Tàu

Bé con mới chục tuổi đầu

Dám xin cha mẹ vượt Tàu qua Tây

Kìa quả phụ sáu mươi tuổi lẻ

Dám cho thằng con bé xuất dương

Lạ lùng đường mới mở mang

Hoa vừa hé nụ, nguyệt đương lưỡi gà”

Như mạch sóng ngầm

Phong trào Đông Du như mạch sóng ngầm, nửa công khai, nửa bí mật, sôi động trên toàn quốc được gần 4 năm (1905-1908) thì bị thực dân Pháp cấu kết các thế lực phản động ở trong nước và nước ngoài đàn áp khốc liệt.

Bước đầu thống kê có 10 trường hợp hoạt động bị xử tử hình;12 trường hợp bị giam cầm và đày đi biệt xứ rồi chết; 12 trường hợp chết trong tù;

7 trường hợp quá bức xúc phải tự vẫn; 7 trường hợp đi học tiếp một ngành ở Trung Quốc và Âu Châu; 19 trường hợp sang Thái Lan hoạt động trong cộng đồng Việt kiều; 13 trường hợp sống lưu vong ở Trung Quốc, Nhật, Na Uy; 32 trường hợp đầu thú thực dân Pháp và bị thủ tiêu; 2 trường hợp đầu thú và làm quan cho Pháp.

Riêng ở Vĩnh Long có trên 70% gia đình cơ sở Duy Tân- Đông Du bị địch bắt tù đày, 80% học sinh Đông Du bị tù đày 1-2 lần. Tóm lại, hầu hết hội viên Duy Tân hội và Đông Du những người cùng chí hướng với cụ Phan Bội Châu đã đi đến cùng sự nghiệp với cụ Phan cho đến chết. Đơn cử như cố Giáo tông Phan Văn Tòng (1881-1945).

Ông Phan Văn Tòng được sinh ra năm 1881 tại xã Tường Lộc (Tam Bình- Vĩnh Long), trong một gia đình nho học giàu lòng yêu nước. Ông tham gia hội kín Nam Kỳ (Duy Tân hội) và xuất dương sang Nhật học trường Đông Á Đồng. B

ị mật thám theo dõi, ông chuyển sang Trung Quốc, ông đổi tên là Nguyễn Văn Đương, tham gia Liên đoàn Ái quốc Việt Nam. Năm 1924, ông vào tổ chức Thanh niên Cách mạng đồng chí hội. Về nước, ông hoạt động ở địa bàn sông Mang Thít, chi bộ Ba Chùa, bị Pháp bắt nhiều lần và đánh đập dã man.

Tham gia phong trào Duy Tân- Đông Du, ông thường liên lạc với các ông Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Nguyễn An Ninh…

Ông lập ra Công ty Vĩnh Hiệp, có 3 chiếc tàu đò hiệu Vĩnh Bảo, Vĩnh Thuận, Vĩnh Nguyên đưa khách theo tuyến đường Vĩnh Long đi Cần Thơ, Mỹ Tho, Cà Mau, Nam Vang nhờ đó có điều kiện nuôi chứa liên lạc với các sĩ phu yêu nước và chí cốt cách mạng của Duy Tân- Đông Du, Đông Kinh Nghĩa Thục và Thanh niên Cách mạng đồng chí hội.

Phong trào Đông Du bị thất bại, một số người đã tìm tới tín ngưỡng tôn giáo vừa để nương thân vừa tập hợp lực lượng chờ thời cơ đánh đuổi kẻ thù,

Cùng một số người, ông lập nên đạo Cao Đài Tiên Thiên (một trong những chi phái của đạo Cao Đài). Năm 1940, thánh tịnh Cửu Khúc Tòa (ngang chợ Tam Bình) bị Pháp tiêu hủy. Ông Phan Văn Tòng bị bắt đày ra Côn Đảo.

Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, ông được đưa về đất liền và do thân thể quá suy kiệt nên ông từ trần ngay trong năm. Ông được Nhà nước tặng bằng Tổ quốc ghi công hàng nhân sĩ yêu nước. Đạo Cao Đài Tiên Thiên xây ngôi Bửu Tháp tại quê ông (xã Tường Lộc- Tam Bình).

Ý nghĩa và bài học lịch sử

Đầu thế kỷ XX, dước ách đô hộ của thực dân Pháp, phong trào Đông Du diễn ra sôi động, được gần 4 năm (1905-1908) thì bị thực dân Pháp cấu kết với các thế lực phản động trong ngoài nước đàn áp, “phong trào Đông Du tuy tan rã nhưng đã đánh dấu một giai đoạn quan trọng trong lịch sử nước nhà nhìn tổng quát ta thấy đó là một thắng lợi lớn. Dân Việt trưởng thành thêm lên nhờ đó mà ta tin tưởng vào sinh lực bất diệt của dân tộc”.

Giáo sư Đinh Xuân Lâm cũng nhận xét “Phong trào Đông Du là hoạt động đầu tiên chống chủ nghĩa thực dân trên nền tảng Duy Tân đổi mới thực sự là một cuộc đổi mới tư duy yêu nước truyền thống là bạo động sang tư duy cải cách đổi mới đề cao việc giao lưu học tập tiến bộ.

Phong trào Đông Du xuất dương cầu học là hoạt động có tính chất đột phá mở cửa hướng ra ngoài để học hỏi tiếp nhận những cái mới cho phong trào giải phóng dân tộc Việt Nam”.

Duy Tân hội và phong trào Đông Du có nhiều lãnh tụ, trong đó Phan Bội Châu là người sáng lập tổ chức chỉ đạo là linh hồn của phong trào cách mạng.

Hồ Chủ tịch đã đánh giá Phan Bội Châu coi ông là “bậc anh hùng, vị thiên sứ, đấng xả thân vì độc lập dân tộc được 20 triệu người sống trong vòng nô lệ tôn sùng”, Sau phong trào Đông Du bị thất bại, về làm ông già Bến Ngự với thân phận người tù “Trăng gió nhốt ba gian”, cụ Phan Bội Châu đã tự phán “Lịch sử của tôi hoàn toàn là lịch sử thất bại, nhưng sở dĩ được cái thất bại đó, những chốn tì vít rất rõ ràng mà nhằm chốn có thể tự tín được cũng không phải là không trơn”.

Ý nói không phải là vô nghĩa không kết quả mà cho ta bài học “Thất bại là mẹ thành công”.

Phong trào Đông Du ở Việt Nam nói chung Vĩnh Long nói riêng tuy thất bại nhưng đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu cho phong trào cách mạng dân tộc dân chủ ở nước ta những bài học đó là:

Làm cách mạng giải phóng dân tộc trước hết phải đoàn kết toàn dân, xây dựng mặt trận rộng rãi bao gồm nhiều thành phần xã hội, tầng lớp giai cấp, không phân biệt già- trẻ, gái- trai, lương- giáo, người ở trong nước hay nước ngoài, kể cả người trong bộ máy chính quyền của địch. Tuy hình thức này mới chỉ là manh nha.

Phong trào Đông Du ở Việt Nam nói chung, Vĩnh Long nói riêng là hướng đột phá trong việc đặt mối quan hệ với thế giới bên ngoài, với các lực lượng tiến bộ có thiện chí với ta, trong đó có người Việt Nam ở nước ngoài.

Các sĩ phu Nho học tầng lớp địa chủ yêu nước Nam Kỳ nói chung, Vĩnh Long nói riêng trước sự thay đổi về kinh tế- xã hội, chính trị đã có nhận thức mới về con đường đấu tranh giải phóng dân tộc, đất nước giàu mạnh. Đây là bài học về đổi mới tư duy đầu tiên ở Vĩnh Long nói riêng, Việt Nam nói chung.

Giải phóng dân tộc, canh tân đất nước, trước hết phải tuyên truyền giáo dục nâng cao dân trí, đào tạo nhân tài, giác ngộ cách mạng cho mọi tầng lớp nhân dân mới có thể giành thắng lợi.

Phong trào Đông Du (1905-1908) là một dấu son chói lọi trong lịch sử đấu tranh cách mạng ở Việt Nam nói chung, Vĩnh Long nói riêng. Phong trào đã để lại cho ta nhiều bài học quý giá góp phần làm nên thắng lợi của cách mạng giải phóng dân tộc trước đây và công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay.

Tháng 9/2017

TRƯƠNG CÔNG GIANG 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh