Lãnh đạo Chính phủ xuống thị sát cơ sở vật chất Hãng phim truyện Việt Nam, lắng nghe các phản ánh từ nghệ sĩ.
Lãnh đạo Chính phủ xuống thị sát cơ sở vật chất Hãng phim truyện Việt Nam, lắng nghe các phản ánh từ nghệ sĩ.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam gặp các nghệ sĩ sáng 20/9. Ảnh: VFS |
Sáng 20/9, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã thị sát Hãng phim truyện Việt Nam (VFS). Ông gặp một số nghệ sĩ trong khuôn viên hãng phim như nhà biên kịch Nguyễn Xuân Thành, họa sĩ Thành Chương..., và trò chuyện với người dân xung quanh.
Theo các nghệ sĩ, họ không biết trước thông tin Phó thủ tướng sẽ đến; lãnh đạo Chính phủ đi vòng cổng sau và gặp nhân viên bảo vệ, lắng nghe phản ánh về đời sống khó khăn của các nhân viên này sau khi hãng phim cổ phần hoá...
Một nghệ sĩ nói rất vui trước việc Phó thủ tướng trực tiếp xuống tiếp xúc, nắm bắt thông tin từ những người lao động gắn bó lâu năm với VFS. "Vụ ồn ào tại VFS những ngày qua thu hút sự chú ý của dư luận. Nhiều nghệ sĩ tên tuổi đã viết vào lá đơn kêu cứu gửi Hội điện ảnh ngày 9/9, nêu thực trạng của Hãng phim lừng lẫy một thời sau cổ phần hóa. Chúng tôi mong cấp có thẩm quyền quan tâm, sớm giải quyết các vấn đề liên quan", nghệ sĩ này chia sẻ.
Theo nguồn tin từ Văn phòng Chính phủ, sau cuộc thị sát sáng nay, dự kiến vào chiều mai (21/9), Phó thủ tướng Vũ Đức Đam sẽ chủ trì cuộc làm việc với các bộ ngành liên quan và đại diện VFS.
Hãng Phim truyện Việt Nam là hãng phim nhà nước được thành lập năm 1953, trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch. Lịch sử tồn tại của hãng gắn liền với dòng phim cách mạng và nghệ thuật.
Việc cổ phần hoá VFS thời gian qua vướng phải những lùm xùm khi thương hiệu gần 60 năm của hãng được xác định bằng 0 đồng. Thực tế này khiến nhiều nghệ sỹ điện ảnh kỳ cựu rất bức xúc và từ năm ngoái đã cùng ký vào bản đề nghị dừng ngay việc cổ phần hoá đối với VFS.
Trước đó, tháng 12/2016, Thủ tướng đã có yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch rà soát lại toàn bộ quá trình cổ phần hóa VFS. Đồng thời Bộ này được giao chủ trì, phối hợp với các bộ liên quan tính toán xác định giá trị thương hiệu căn cứ vào yếu tố lịch sử, bề dày truyền thống của hãng phim, nhằm điều chỉnh tăng giá trị phần vốn Nhà nước khi chính thức chuyển thành công ty cổ phần.
Thủ tướng khi đó cũng yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu, sửa đổi quy định để bán đấu giá quyền sử dụng đất tại các khu đất vàng do doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ để bảo đảm sát giá thị trường, tránh thất thoát tài sản Nhà nước...
Theo vnexpress.net
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin