"Ghế thơ" ở đây không phải là ngôi thứ, xếp theo thứ tự tài danh của nhà thơ kiểu chiếu trên, chiếu dưới. Đúng như nghĩa đen của nó, ghế thơ là ghế có thơ đề.
“Ghế thơ” ở đây không phải là ngôi thứ, xếp theo thứ tự tài danh của nhà thơ kiểu chiếu trên, chiếu dưới. Đúng như nghĩa đen của nó, ghế thơ là ghế có thơ đề.
Chuyện là nhà hoạt động văn hóa, dịch giả, nhà báo nổi tiếng Nguyễn Văn Vĩnh (1882- 1936) rất tự hào là mình dịch chuẩn truyện ngụ ngôn của La Fontaine nên ông đã sắm một bộ bàn ghế sang trọng, chất liệu gỗ mun- một thứ gỗ quý hiếm thời đó.
Trên mặt ghế được khảm trai 6 bức tranh minh họa cho nội dung 2 câu chuyện ngụ ngôn mà Nguyễn Văn Vĩnh dịch của La Fontaine.
Cuối mỗi bức họa đều có chữ ký của Nguyễn Văn Vĩnh. Có bức chạm hình con cáo tham ăn, bị hóc xương, may nhờ con cò có cái mỏ dài đi ngang qua móc ra hộ. Xong việc làm phúc đó, cò chờ tiền “bồi dưỡng” thì cáo thản nhiên đọc hai câu thơ:
Đã thoát khỏi thì thôi phúc đức
Lại chửa mừng còn chực đòi công
Ngoài ra, còn chuyện con chó rừng gầy gò gặp chó nhà béo tốt. Chó rừng muốn theo chó nhà để được ăn no, ở ấm thì chợt phát hiện thấy cái xích sắt buộc lên cổ chó nhà bèn chạy vội vào rừng vì “ở đời sướng nhất là được tự do”.
Những chuyện như thế qua bản dịch của Nguyễn Văn Vĩnh đều được người lớn và trẻ con thích, bởi mỗi chuyện là một bài học răn đời, dạy người rất bổ ích.
Có điều khi làm ăn thua lỗ trong nghề kinh doanh xuất bản ở những năm 30 của thế kỷ trước, Nguyễn Văn Vĩnh phải bỏ nghề xuất bản, nghề báo ra đi tìm vàng ở bên Lào rồi mất tại đấy.
Số tiền ông vay ngân hàng Pháp để mở nhà in không đủ trả, nên tất cả gia tài của ông đã bị phát mại.
Tài sản quý giá còn lại của Nguyễn Văn Vĩnh ngoài hàng chục cuốn sách mà ông là tác giả, dịch giả ra thì chỉ còn duy nhất một bộ bàn ghế thơ ấy là quý giá, từng được người con trai là Nguyễn Dực lưu giữ. Nếu bộ bàn ghế ấy được Hội Nhà văn Việt Nam mua lại để đưa vào Viện Bảo tàng Văn học Việt Nam thì cũng xứng đáng lắm.
LÊ HỒNG THIỆN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin