Âm nhạc Vĩnh Long không ngừng lớn mạnh

Cập nhật, 11:27, Thứ Ba, 05/09/2017 (GMT+7)

 

Ông Lê Thanh Hiền- Phó Giám đốc Sở VH, TT và DL Vĩnh Long (bìa phải) tặng hoa chúc mừng và động viên nhạc sĩ trẻ Phạm Duy Phương.
Ông Lê Thanh Hiền- Phó Giám đốc Sở VH, TT và DL Vĩnh Long (bìa phải) tặng hoa chúc mừng và động viên nhạc sĩ trẻ Phạm Duy Phương.

Trong tiến trình hình thành và phát triển của nền âm nhạc Việt Nam, âm nhạc ở Vĩnh Long đã sản sinh ra những nhạc sĩ tài hoa với nhiều tác phẩm bất hủ làm lay động lòng người, góp phần vào công tác giáo dục, cổ vũ kháng chiến, giải phóng dân tộc.

Trong thời bình, âm nhạc Vĩnh Long cũng không ngừng đổi mới, khơi nguồn cảm hứng sáng tạo cho các tác giả trẻ, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao của công chúng yêu âm nhạc.

87 năm-một chặng đường

Năm 1930, nền âm nhạc cách mạng Việt Nam được hình thành và ghi nhận sự xuất hiện của ca khúc, hành khúc đầu tiên “Cùng nhau đi hồng binh” của nhạc sĩ Đinh Nhu. Bài hát này được xem như là bài hát đầu tiên của tân nhạc cách mạng Việt Nam.

Bản “Đề cương văn hóa” của Đảng ra đời năm 1943, đề ra phương châm “Khoa học, Dân tộc, Đại chúng” đã trở thành kim chỉ nam cho các hoạt động sáng tác văn học, nghệ thuật (VHNT) nói chung, sáng tác và biểu diễn âm nhạc nói riêng.

Bắt đầu từ năm 2010, ngày 3/9 hàng năm được chọn làm ngày Âm nhạc Việt Nam- dịp để tôn vinh các giá trị âm nhạc và thể hiện ý nghĩa cao đẹp: Ngày Bác Hồ chỉ huy dàn nhạc và hợp xướng cùng quần chúng nhân dân hát bài “Kết đoàn” trong dạ hội chào mừng Đại hội Đảng lần thứ III năm 1960 và 15 năm thành lập nước tại Công viên Bách Thảo (Hà Nội).

Ôn lại chặng đường 87 năm hình thành và phát triển của âm nhạc Việt Nam, chào mừng ngày Âm nhạc Việt Nam lần thứ 8, ngày 1/9/2017, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT và DL) Vĩnh Long phối hợp với Hội Văn học- Nghệ thuật (VHNT) tổ chức lễ kỷ niệm tại Trung tâm Văn hóa tỉnh.

Ông Trần Thanh Sơn- Phó Chủ tịch Hội VHNT tỉnh- khái quát:

“Trong suốt chiều dài lịch sử kháng chiến của dân tộc, các ca khúc “19/8”, “Diệt phát xít”, “Hành quân xa”, “Tiến quân ca”, “Lên đàng”, “Tiếng gọi thanh niên”, “Hò kéo pháo”, “Giải phóng Điện Biên”… đã hun đúc tinh thần anh dũng của chiến sĩ

và nhân dân góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử, kết thúc cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, thì các bài “Giải phóng miền Nam”, “Tiến về Sài Gòn”, “Bác đang cùng chúng cháu hành quân”… đã góp phần cùng cả nước làm nên chiến thắng lịch sử mùa xuân 1975, đưa dân tộc bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc và đi lên chủ nghĩa xã hội”.

Bên cạnh những bài ca bất hủ, lắng sâu vào lòng người, giới mộ điệu âm nhạc còn chứng kiến sự xuất hiện lớp nhạc sĩ tài danh, làm rạng rỡ nền âm nhạc nước nhà thời kỳ này như: Văn Cao, Phạm Tuyên, Lưu Hữu Phước, Đỗ Nhuận, Huy Du, Hoàng Việt, An Thuyên, Phan Huỳnh Điểu, Huy Thục,…

Ở Vĩnh Long, thời kỳ này cũng có nhiều nhạc sĩ nổi tiếng, tiêu biểu như nhạc sĩ Tạ Thanh Sơn với tác phẩm “Nam Bộ kháng chiến”, nhạc sĩ Nguyễn Minh Triết với bài “Kỵ binh Việt Nam”, nhạc sĩ Kiên Tâm có bài “Vĩnh Long quê ta”, “Về Vĩnh Long”, “Xuân dân tộc”;

nhạc sĩ Xuân Điền có bài “Tiếng bom Lưu Văn Liệt”, “Bến sông hoàng hôn”, “Về sông Măng”… cũng góp phần lớn làm nên chiến thắng chung của dân tộc và để lại trong lòng công chúng nhiều ấn tượng cao đẹp về một thời khói lửa.

Âm nhạc Vĩnh Long không ngừng lớn mạnh

Phát huy những thành tựu của nền âm nhạc trong thời kỳ kháng chiến, từ sau 30/4/1975 đến nay, được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, nhất là sự phối hợp, liên kết chặt chẽ giữa Sở VH, TT và DL với Hội VHNT tỉnh, thời gian qua nền âm nhạc tỉnh Vĩnh Long không ngừng phát triển.

Hoạt động sáng tác và biểu diễn nghệ thuật phong phú, đa dạng, tạo động lực cho mọi tầng lớp nhân dân lao động sản xuất, phát triển kinh tế, xã hội và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu.

“Từ chỗ chỉ có vài tác giả trong thời kỳ kháng chiến, đến nay Phân hội Âm nhạc thuộc Hội VHNT tỉnh có gần 20 tác giả sáng tác chuyên nghiệp. Vĩnh Long cũng có 6 nhạc sĩ là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam và tỉnh cũng thành lập Chi hội Âm nhạc Việt Nam tỉnh Vĩnh Long”- ông Trần Thanh Sơn- Phó Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Vĩnh Long- phấn khởi cho biết.

Các tác giả luôn sáng tạo, không ngừng ấp ủ, “thai nghén”, cho ra đời nhiều tác phẩm hay, phản ánh một cách chân thật mọi lĩnh vực của đời sống, được người yêu âm nhạc đón nhận.

Tốp hát múa “Một dáng rồng trên đất Tây Nam”- sáng tác của Vĩnh Tuyên- tại chương trình văn nghệ chào mừng ngày Âm nhạc Việt Nam lần thứ 8.
Tốp hát múa “Một dáng rồng trên đất Tây Nam”- sáng tác của Vĩnh Tuyên- tại chương trình văn nghệ chào mừng ngày Âm nhạc Việt Nam lần thứ 8.

Tại buổi lễ kỷ niệm, văn nghệ sĩ cùng đoàn viên thanh niên Vĩnh Long có dịp ôn lại nét son của âm nhạc tỉnh nhà với những phần biểu diễn được đầu tư công phu các tác phẩm từng gắn liền và làm nên tên tuổi của nhiều nhạc sĩ.

“May mà” của Mai Trung Nghĩa, “Con diều giấy” của Phạm Minh Cảnh, “Mộng vàng” của Tín Đức, “Một dáng rồng trên đất Tây Nam” của Vĩnh Tuyên… mượn giai điệu thiết tha của lời ca điệu múa để bày tỏ tình cảm với mảnh đất quê hương, cuộc sống.

Trong tâm trạng hân hoan, phấn khởi chào mừng ngày Âm nhạc Việt Nam, nhạc sĩ trẻ Phạm Duy Phương tâm sự con đường dẫn anh đến với thế giới âm nhạc chính là niềm đam mê âm nhạc từ nhỏ, sự khích lệ của bạn bè, đồng nghiệp và nhất là lòng nhiệt tâm dìu dắt của những người thầy, người anh đi trước.

Anh nói: “Những tác phẩm đầu tay viết về quê hương đất nước, về học trò, về mái trường thân yêu tuy chưa hay lắm, nhưng đó là động lực, bước ngoặt để tôi cố gắng rèn luyện trong thời gian tới”.

Hiện là Phó Trưởng đoàn ca múa ở Trung tâm Văn hóa tỉnh, Duy Phương cho biết số nhạc sĩ Vĩnh Long hiện nay khá đông, có tâm huyết với nghề và được đào tạo một cách bài bản, chuyên sâu về nhạc lý.

Bằng nhiệt huyết tuổi trẻ, lực lượng kế thừa sẽ cố gắng cùng nhau sáng tác nhiều tác phẩm hay, có giá trị đối với cuộc sống, cống hiến cho nền âm nhạc nước nhà nói chung và nền âm nhạc Vĩnh Long nói riêng.

 

Tối 1/9/2017, tại Trung tâm Văn hóa tỉnh (Sở VH, TT và DL) đã diễn ra chương trình văn nghệ chào mừng ngày Âm nhạc Việt Nam lần thứ 8, năm 2017. Đại biểu lắng nghe câu chuyện đời, chuyện nghề của những nhạc sĩ tỉnh nhà, thưởng thức 15 tiết mục biểu diễn, ca nhạc về Đảng, Bác Hồ, tình yêu quê hương đất nước. Qua đó, tôn vinh những cống hiến của các văn nghệ sĩ đối với nền nghệ thuật Vĩnh Long, đặc biệt là trên lĩnh vực âm nhạc

Bài, ảnh: MINH TRIẾT- PHƯƠNG THÚY