Tên gọi Vĩnh Long có nghĩa gì?

05:08, 08/08/2017

Tên Vĩnh Long, một thời được gọi Vãng Long. Nhưng tên hành chính đầu tiên để chỉ tỉnh Vĩnh Long và rộng hơn bao gồm các tỉnh lân cận hiện nay lại là Vĩnh Thanh (trấn) đã có trước khi Lê Văn Duyệt mất (1832).

Tên Vĩnh Long, một thời được gọi Vãng Long. Nhưng tên hành chính đầu tiên để chỉ tỉnh Vĩnh Long và rộng hơn bao gồm các tỉnh lân cận hiện nay lại là Vĩnh Thanh (trấn) đã có trước khi Lê Văn Duyệt mất (1832).

Lúc ấy, Gia Định (Nam Kỳ) được phân chia thành Ngũ trấn (5 trấn) và có các trấn: “Biên Hòa, Phiên An, Định Tường, Vĩnh Thanh, Hà Tiên”.

Sau cái chết của Lê Văn Duyệt, Minh Mạng xóa bỏ Gia Định thành lập thành 6 tỉnh, gọi Lục tỉnh và có các tỉnh: “Gia Định, Biên Hòa, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên”. Như vậy, trấn Vĩnh Thanh được đổi thành tỉnh Vĩnh Long. Sau 1975, tỉnh Vĩnh Long lại có thời gian được gọi tỉnh Cửu Long (chín rồng).

Về địa giới vùng đất, có thể hình dung phạm vi thông qua tên gọi ở các thời kỳ: với tên gọi hành chính là trấn Vĩnh Thanh, gồm các huyện: Vĩnh Bình, Vĩnh An, Vĩnh Định, Tân An; với tên gọi hành chính là tỉnh Vĩnh Long, gồm các huyện: Vĩnh Bình, Vĩnh Trị, Bảo Hựu, Bảo An, Tân Minh, Duy Minh, Lạc Hóa, Tuân Nghĩa, Trà Vinh.

Tên gọi Vĩnh Long, âm Hán Việt có nhiều nghĩa, vấn đề là chữ Hán. Vì vậy, tên gọi Vĩnh Long, có thể ngụ ý: “sự thịnh vượng (long) bền lâu, mãi mãi (vĩnh)”; còn “vãng”, nếu là sự chuyển đổi từ “vĩnh” theo con đường ngữ nghĩa thì khó lý giải mối quan hệ ngữ nghĩa, vì nghĩa của “vãng” là “đi, đã qua, thường” không phù hợp với nghĩa của “vĩnh”, như trong từ ghép “vĩnh long”.

Có thể lý giải con đường chuyển đổi ngữ âm của tổ hợp âm được ghi trên chữ viết “-inh” từ một nguyên âm hẹp, hàng trước, ngắn ký hiệu chữ viết là “-i-” kết hợp với phụ âm gốc lưỡi, nhưng bị ngạc hóa (nhích về phía trước ngạc) nên được ghi là “-nh”, thành một nguyên âm hàng giữa, dài được ghi trên chữ viết là “-a-” với một phụ âm gốc lưỡi được ghi trên chữ viết là “-ng”.

Do vậy “-inh” chuyển thành “-ang” dễ phát âm hơn, có cơ sở ngữ âm thích hợp.

Như trong các từ Nam Bộ: “linh láng, dình (dềnh) dàng, nghinh (nghênh) ngang, nghĩnh (nghễnh) ngãng…” Còn lý giải sự chuyển đổi ngữ âm do kị húy thì e không có cơ sở.

Vì từ “Vĩnh” đã có rất lâu trước nhiều đời vua Nguyễn, không đợi đến vua Duy Tân, Bảo Đại có lót chữ “Vĩnh” trong tên đế hệ “phúc vĩnh” để có “lệnh cấm” mà thay đổi.

THẠCH THẢO

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh