Thuở nhỏ, anh em tôi thường được bà đưa vào giấc ngủ bằng những câu ca. Lúc ấy, tôi chưa hiểu hết ý nghĩa của lời ru song thấy nó thân quen và gần gũi.
“Ầu ơ… Bướm vàng đậu trái mù u
Lấy chồng càng sớm lời ru càng buồn”.
Thuở nhỏ, anh em tôi thường được bà đưa vào giấc ngủ bằng những câu ca. Lúc ấy, tôi chưa hiểu hết ý nghĩa của lời ru song thấy nó thân quen và gần gũi.
Xóm tôi có Gò Mù U. Người ta gọi thế bởi nơi ấy có một cây mù u cổ thụ cao to, tán lá rộng trùm gần kín cả khu gò đất. Mù u! Một loại cây mộc mạc như tên gọi rất bình dị của nó.
Tôi chẳng biết cây mù u ấy có tự bao giờ. Bà bảo năm mười bảy tuổi, đến xứ này làm dâu thì đã thấy nó rồi. Dân trong xóm mỗi khi đi đồng xa đều lấy ngọn mù u làm mốc định hướng để trở về làng.
Tháng Giêng ngày mùa, Gò Mù U vui như nhóm chợ: nông dân nghỉ trưa bày cơm dưới tán mù u để tránh nắng; lều quán tạm bợ, lúp xúp bán nước đá, cà phê giải khát; bọn trẻ thì nhảy cỡn trên mấy đống rơm, vui đùa như những con chim mới vừa học nói;…
Bà tôi cẩn thận gìn giữ mấy cây đèn dầu mù u như những bảo vật. Mỗi lần đem chúng ra lau chùi là bà lại kể cho chúng tôi nghe những kỷ niệm xưa.
Nào là thuở nhỏ bà phải lén trốn tía má đi học; nào là những lúc có tin Tây vào làng, bà phải bôi lọ nồi hoặc nghệ lên mặt, nó thấy dơ dáy, da vàng ẻo ợt, nó ghê, nó không dám làm bậy.
Mù u có trái. Tụi con gái lượm những quả to, tròn chơi đánh chuyền râm ran cả xóm: “Chuyền một, chuyền hai,… Qua cầu, hầu thẻ, bẻ bàng, sang ngón, chọn tay, giáp quận,…”.
Bọn con trai thì lựa những trái nhỏ làm đạn bắn cu li, bắn cá thòi lòi. Những năm thiếu thốn, nhà nào cũng lượm mù u, đập vỏ lấy hột quết nhuyễn, nhào với bông gòn rồi quấn vào thanh tre hay cọng dừa để đốt.
Đêm đêm, nhờ những cây rọi mù u khi tỏ, khi mờ ấy mà chúng tôi được biết chữ và không ít đứa đã đỗ đạt, thành tài.
Thuốc men khan hiếm, trái mù u đốt cháy đen như lọ nghẹ là bài thuốc trị ghẻ, mụn nhọt đại tài. Những lúc chuyển mùa từ nắng sang mưa, bọn trẻ xóm tôi nhiều đứa được bôi “thuốc mù u” đen lốm đốm trên mặt, trên đầu,… trông đến buồn cười.
Đông đến, các cụ quét lá mù u khô gom lại đốt lên để sưởi ấm. Bên ngọn lửa mù u bập bùng, các cụ kể nhau nghe chuyện vui buồn, chuyện con, chuyện cháu.
Chiến tranh, cây mù u bị trúng một quả đạn, nhựa ứa ra quện đặc lại những vệt máu nhưng nó vẫn sống, vẫn sừng sững như thách thức với kẻ thù.
Thanh niên trong xóm lần lượt theo cách mạng để bảo vệ quê hương. Thằng Thành năm ấy vừa tròn mười tám tuổi, không còn là cậu bé giao liên cho các chú, các cô mà đã được ba má xin vào chiến khu.
Hôm đưa tiễn, nó bịn rịn chia tay với con Liên bên gốc mù u. Nghĩ cũng lạ! Chỉ có hai cái lá mù u khô ép vào quyển sổ của người con gái hậu phương mà nó lại gìn giữ cẩn thận cho tận đến ngày hòa bình.
Bom, đạn, chất độc của giặc không hạ được cây cổ thụ của làng. Trưa ba mươi tháng tư năm một ngàn chín trăm bảy mươi lăm, lần đầu tiên lá cờ cách mạng được tự do tung bay trên ngọn mù u trong niềm hân hoan.
Nước nhà thống nhất, nó lại đâm chồi, nảy lộc và tiếp tục là minh chứng đẹp cho những buổi đoàn viên của các cô gái hậu phương và chàng trai tiền tuyến.
Giờ đây, lưng bà tôi đã còng như ánh trăng lưỡi liềm. Từ xa, bà không còn nhìn rõ tán cây mù u nữa nhưng cứ tấm tắc khen hoài: “Ừ, năm nay cây mù u đâm thêm nhiều đọt non quá!”- bà cười. Thỉnh thoảng, bà lại cần mẫn lau mấy cây đèn dầu mù u đã theo bà gần trọn cuộc đời.
NGUYỄN LINH (TX Bình Minh)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin