Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2017), Điện ảnh Quân đội nhân dân (QĐND) sẽ ra mắt hai bộ phim mới về chủ đề thương binh-liệt sĩ đó là phim truyện "Hóa thổ" và phim tài liệu "Ngày về"
Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2017), Điện ảnh Quân đội nhân dân (QĐND) sẽ ra mắt hai bộ phim mới về chủ đề thương binh-liệt sĩ đó là phim truyện “Hóa thổ” và phim tài liệu “Ngày về”;
đồng thời công chiếu một số phim về đề tài thương binh-liệt sĩ như: Phim truyện video “Mắt biển” và phim tài liệu “Tầng sâu bình yên” trong tuần phim Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ do Cục Điện ảnh Việt Nam tổ chức.
Phim truyện “Hóa thổ” có thời lượng 70 phút do Đặng Thái Huyền làm đạo diễn, Nguyễn Quang Quyết làm phó đạo diễn; Đặng Thu Hà biên kịch, Nguyễn Thu Dung biên tập; quay phim: Tống Văn Đức-Hà Hải Long, phụ quay: Bùi Văn Trường; âm nhạc: Chu Thắng… với sự tham gia của các nghệ sĩ, diễn viên: NSƯT Ngọc Thoa, NSND Quốc Trị, NSND Trần Nhượng, Năng Tùng, Vân Anh, Anh Phương,Y Phong Enuôl…
Nội dung cốt lõi của bộ phim đề cập đến nỗi đau và niềm khát khao của những người mẹ Việt Nam làm sao đưa được hài cốt của con đã hy sinh trong cuộc kháng chiến trở về quê hương.
Cảnh trong phim truyện “Hóa thổ” của đạo diễn Đặng Thái Huyền. Ảnh do Điện ảnh QĐND cung cấp. |
Sau hơn 40 năm thống nhất đất nước, còn rất nhiều hài cốt của các liệt sĩ chưa được tìm thấy, chưa được quy tập.
Đó là nỗi đau chung của toàn dân tộc và hơn hết là nỗi đau của những bà mẹ, tới giây phút cuối cùng của cuộc đời cũng chỉ mong được đón con về dù chỉ còn là nắm xương tàn đã hòa vào cát bụi.
Bà Chi (do NSND Ngọc Thoa đóng) trong “Hóa thổ” là một người mẹ như vậy. Đôi khi bà bị cô độc trong những mong ngóng vô vọng vì tuổi ngày càng cao, quá khứ chiến tranh đã lùi xa và những người thân xung quanh thì đang quay cuồng với cuộc mưu sinh cơm áo gạo tiền.
Cuộc bạo bệnh thập tử nhất sinh và mong ước trước khi mất của bà đã thức tỉnh và gắn kết các thành viên trong gia đình lại với nhau.
Quãng hành trình đi tìm mộ liệt sĩ Phạm Đình Chính (con trai bà Chi) ở vùng đất Tây Nguyên xa xôi giống như hành trình trở về với quá khứ, với những giá trị cốt lõi của tình yêu thương để từ đó các thành viên thêm trân trọng và sống có trách nhiệm hơn với cuộc sống hiện tại.
Phim tài liệu “Ngày về” có thời lượng 27 phút do Phạm Thanh Hùng làm đạo diễn; biên kịch: Nguyễn Đức Thực; biên tập: Nguyễn Thu Dung; dựng phim: Vũ Thu Hương; quay phim: Bùi Văn Trường; âm thanh: Lê Ngọc Chiến; âm nhạc: Trần Tùng...
Đây là bộ phim đi sâu vào đời sống nội tâm của các thương binh, bệnh binh nặng để nói lên khát vọng trở về gia đình của họ.
Chiến tranh đã lùi xa, hòa bình đã được lập lại hơn 40 năm qua, nhưng vẫn còn rất nhiều thương binh, bệnh binh tại các trung tâm điều dưỡng thương binh vẫn chưa được trở về nhà do tình trạng sức khỏe không bảo đảm.
Những người thương binh bị mất tới 81% sức khỏe như thế ngày ngày vẫn lặng lẽ sống trong ký ức của chiến tranh và chiến đấu với bệnh tật trong tình cảm, sự chăm sóc, sẻ chia của các y sĩ, bác sĩ, gia đình và đồng đội.
Cảnh trong phim tài liệu “Ngày về” của đạo diễn Phạm Thanh Hùng. Ảnh do Điện ảnh QĐND cung cấp. |
Với những người lính này, có lẽ “ngày về” vẫn còn là khát vọng xa xôi. Nhưng dù có xa xôi cỡ nào thì khát vọng được khỏe mạnh để trở về nhà của thương binh, bệnh binh;
khát vọng của người thân được đón những người cha, người anh, người con trở về với gia đình; khát vọng của những linh hồn liệt sĩ vô danh được về ôm ấp mảnh đất quê hương và khát vọng của những y sĩ, bác sĩ ngày đêm nỗ lực đưa các bệnh nhân thương binh, bệnh binh trở về với đời thường vẫn luôn cháy bỏng.
Phim truyện “Hóa thổ” và phim tài liệu “Ngày về” sẽ được công chiếu toàn quân trong mạng lưới phát hành phim Quân đội nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947- 27/7/2017), và chiếu trên kênh QPVN, VTV1.
Ngoài việc ra mắt hai phim mới và công chiếu các phim nói trên, Điện ảnh QĐND còn có nhiều hoạt động khác để tri ân các anh hùng liệt sĩ.
Trung tá Bùi Duy Đông, Bí thư Đảng ủy, Phó giám đốc Điện ảnh QĐND cho biết:
Trong dịp này, Điện ảnh QĐND phối hợp với Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam thăm, tặng quà tri ân các gia đình liệt sĩ tiêu biểu, có hoàn cảnh khó khăn của đơn vị tại một số tỉnh, thành phố như: Gia đình liệt sĩ Phan Văn Cam (Điện Bàn, Quảng Nam);
gia đình liệt sĩ Phan Văn Điểm (Việt Trì, Phú Thọ); gia đình liệt sĩ Nguyễn Văn Năng (Hưng Hà, Thái Bình); gia đình liệt sĩ Dương Phước An (Đông Hà, Quảng Trị); gia đình liệt sĩ Nông Văn Tư (Đồng Hỷ, Thái Nguyên).
Điện ảnh Quân đội cũng sẽ phối hợp với UBND phường Hàng Đào (quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) là phường kết nghĩa với đơn vị để tổ chức thăm, tặng quà các gia đình thương binh-liệt sĩ tiêu biểu trên địa bàn.
Các tổ chức quần chúng của Điện ảnh QĐND còn thực hiện các hoạt động dâng hương tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ TP Hà Nội, Nghĩa trang liệt sĩ Ngọc Hồi và thắp nến tri ân liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Hà Đông đúng vào ngày 27-7.
Theo MINH THÀNH (QĐND Online)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin