Luật Hồi tỵ - luật chống tệ nạn "bổ nhiệm người nhà" trong bộ máy công quyền

02:07, 18/07/2017

…Cách đây hơn 500 năm, ông cha ta đã đặt ra các nguyên tắc trong tổ chức bộ máy chính quyền: Luật Hồi tỵ. Luật này để phòng chống tệ "một người làm quan cả họ được nhờ" hay nói nôm na "bổ nhiệm người nhà", nguồn gốc của việc tạo phe cánh sinh ra tình trạng lũng đoạn công việc chính quyền một địa phương, các vụ tham nhũng…

 

Một quan lớn cấp tỉnh thời nhà Nguyễn. Ảnh: Internet
Một quan lớn cấp tỉnh thời nhà Nguyễn. Ảnh: Internet

…Cách đây hơn 500 năm, ông cha ta đã đặt ra các nguyên tắc trong tổ chức bộ máy chính quyền: Luật Hồi tỵ. Luật này để phòng chống tệ “một người làm quan cả họ được nhờ” hay nói nôm na “bổ nhiệm người nhà”, nguồn gốc của việc tạo phe cánh sinh ra tình trạng lũng đoạn công việc chính quyền một địa phương, các vụ tham nhũng…

Quan điểm của Luật Hồi tỵ (nguyên nghĩa tiếng Hán là tránh đi) rằng “Trăm quan là nguồn gốc của trị loạn. Quan có đức, có tài thì nước trị. Quan vô đức, kém tài là thềm, bậc dẫn đến họa loạn”.

Đại Việt Sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên có chép một câu chuyện rất hay về việc này: Linh Từ Thánh mẫu Ngô Thị Dung là một phụ nữ quyền lực vào bậc nhất cuối thời nhà Lý và đầu nhà Trần.

Bà là hoàng hậu của vua Lý Huệ Tông, mẹ của nữ hoàng Lý Chiêu Hoàng. Sau khi nhà Trần thay nhà Lý trị nước, bà còn là vợ của Thái sư Trần Thủ Độ, mẹ vợ của vua Trần Thái Tông.

Với địa vị cao như thế nhưng bà cũng không dám dùng uy thế của mình để sắp xếp cho đứa cháu giữ một chức quan nhỏ là “câu đương” (quan thu thuế ở làng) mà phải ngỏ lời nhờ chồng là Trần Thủ Độ.

Tuy nhiên, ông này là người công chính nên cho gọi người cháu ấy lại và nói: “Ngươi có Linh Từ Thánh mẫu xin cho mới được làm “câu đương”, không thể ví như những “câu đương” khác.

Vì thế phải chặt một ngón chân để phân biệt”, người cháu kêu van xin thôi mới được tha. Từ đó, trong triều không ai dám lợi dụng tình thân để xin xỏ việc riêng cho người nhà nữa.

Luật Hồi tỵ có từ thời kỳ đầu của nhà Lê, trong Quốc triều Hình luật của thời này có ghi rõ các điều quan lại không được làm: trấn nhậm tại quê nhà; lấy vợ, kết thông gia với người nơi mình cai quản; lấy người cùng quê làm người giúp việc.

Ngoài ra, người có quan hệ thầy trò, bạn bè không được làm chung trong một công sở. Đến đời vua Lê Thánh Tông, luật này được bổ sung một số điều nghiêm ngặt hơn để tránh triệt để tệ bổ nhiệm người nhà tạo bè phái.

Đến thời nhà Nguyễn, năm 1831, vua Minh Mạng ban hành Luật Hồi tỵ với các điều khoản rất chặt chẽ, ngoài các điều của luật này như các triều đại trước, luật còn được bổ sung phạm vi áp dụng rộng hơn về các điều các quan lại không được làm: trấn nhậm nơi đã ở lâu, nơi ở học hành, quê vợ.

Năm 1838, bổ sung thêm: các quan đầu tỉnh như: tổng đốc, tuần phủ, bố chánh, án sát, lãnh binh, đốc học đều không được sử dụng người cùng quê.

Trong bộ, nha, sở, cục không được bổ người làm chung là cha, con, anh, em, thầy trò hay họ hàng thân thuộc. Quan đầu tỉnh cũng không được tậu nhà đất, kết thân với đàn bà con gái. Quan chấm thi không có người thân dự thi…

Cái hay của người xưa là khi gặp những trường hợp bổ nhiệm quan lại, người thừa hành phạm vào diện cấm của Luật Hồi tỵ thì có thể thuyên chuyển nơi trấn nhậm, thay người thừa hành khác.

Những nơi không có nguy cơ tiêu cực, cần kinh nghiệm kiểu gia truyền hay chỉ là chuyên môn thuần túy được quy định rõ ràng thì không áp dụng luật này.

Kèm theo luật, người xưa còn đặt cơ quan chuyên giám sát việc thi hành luật của các quan lại, kể cả mở rộng giám sát trong nhân dân.

Hay hơn nữa là ngoài các vấn đề trên, người xưa còn đặt ra tiền dưỡng liêm cho các quan lại, có quy định rõ mức thụ hưởng cho từng thứ bậc, có chiếu cố các chức quan ở vùng khó khăn, nhiều việc… nhằm khuyến khích họ liêm chính, chí công.

Tuy nhiên, thời nào cũng có kẻ ngoan cố, luật nào cũng thường có kẽ hở nên các tiêu cực trong các vấn đề trên nơi này nơi khác vẫn có thể xảy ra.

Chính vì vậy, ngày 1/3/1947, ngay từ những ngày đầu toàn quốc kháng chiến trong xây dựng chính quyền cách mạng, Bác Hồ đã thẳng thắn phê bình: “Những đồng chí còn giữ thói quen một người làm quan cả họ đượ

c nhờ, đem con, bạn hữu đặt vào chức này việc kia, làm được hay không, mặc kệ. Hỏng việc, đoàn thể chịu, cốt cho bà con, bạn hữu có địa vị là được…” và Bác đã khuyên họ nên khắc phục. Hiện nay, trong các luật về tổ chức bộ máy công quyền, luật chống tham nhũng... ta thấy đâu đó tinh thần của Luật Hồi tỵ của người xưa trong một số nội dung về tuyển dụng, thuyên chuyển cán bộ…

Có điều, các quy định này tản mát, chưa mang tính hệ thống và trở thành một tư tưởng nên chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Đó là chưa kể đâu đó lộ rõ cái mặt trái trong hoạt động của các nhà thờ dòng họ, hội đồng hương, tạo ê kíp làm việc…

  • HỒNG VÂN 
Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh