Ngày ấy, chúng tôi học và thi…

01:07, 04/07/2017

Ngày ấy là những năm cuối thập niên 50 và thập niên 60 của thế kỷ trước, khi cuộc chiến đấu chống đế quốc Mỹ xâm lược của nhân dân miền Nam bước vào giai đoạn mới: Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam không ngừng lớn mạnh đã lãnh đạo nhân dân mở được nhiều vùng giải phóng rộng lớn ở nông thôn...

Ngày ấy là những năm cuối thập niên 50 và thập niên 60 của thế kỷ trước, khi cuộc chiến đấu chống đế quốc Mỹ xâm lược của nhân dân miền Nam bước vào giai đoạn mới: Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam không ngừng lớn mạnh đã lãnh đạo nhân dân mở được nhiều vùng giải phóng rộng lớn ở nông thôn...

Để chống lại, chính quyền tay sai Mỹ ở Sài Gòn (SG) luôn phải lo củng cố quân đội, vì vậy chúng tôi- những nam thanh niên ở vùng họ kiểm soát thời điểm đó- chỉ có 2 con đường: một là vào bưng biền theo Mặt trận Giải phóng, hai là bị bắt đi lính cho quân đội SG khi đến tuổi.

Nếu ở tuổi đó mà muốn trang bị thêm một số kiến thức trước khi đi theo con đường thứ nhất, thì phải cố mà học và buộc phải vượt qua các kỳ thi mà chính quyền SG tổ chức với một tỷ lệ đậu rất thấp thì mới có thể lách qua khe cửa hẹp của nền giáo dục của họ để được “hoãn dịch” vì lý do học tập…

Cố mà học…

Cũng giống như hiện nay, nền giáo dục phổ thông của chính quyền SG có 3 cấp gồm 12 lớp: tiểu học (từ lớp 5 đến lớp nhất, tương đương lớp 1 đến lớp 5 ngày nay); trung học đệ nhất cấp (từ lớp đệ thất đến lớp đệ tứ, tương đương lớp 6 đến lớp 9); trung học đệ nhị cấp thì chia làm 2 cấp nhỏ, cấp nhỏ thứ nhất (gồm 2 lớp đệ tam và lớp đệ nhị, tương đương lớp 10 và lớp 11), cấp nhỏ thứ hai chỉ có lớp đệ nhất tương đương lớp 12.

Ở hệ đại học (ĐH), ngoài hai trường là ĐH Y khoa và ĐH Phú Thọ (đào tạo kỹ sư điện) tổ chức thi tuyển sinh viên hàng năm, thì ở các ĐH khác, sinh viên chỉ cần đăng ký là được học và được hoãn đi lính theo đúng học trình.

Ngày ấy, hệ thống trường công lập hệ phổ thông tại các địa phương còn hạn chế nên bên cạnh đó là hệ thống trường tư.

Để tạo công bằng khi vào học trường công, hàng năm các địa phương tổ chức cho học sinh thi tuyển vào các lớp đầu cấp (trừ cấp tiểu học), số lượng tùy theo quy mô trường lớp nơi đó. Số học sinh thi rớt nếu muốn học tiếp bắt buộc phải chọn trường tư.

Có điều đặc biệt là tại các trường tiểu học ở tỉnh lỵ, học sinh nào không thi đậu vào lớp đệ thất trường công nếu muốn có cơ hội đó vào năm sau thì có thể ở lại trường học tiếp một lớp có tên là “lớp tiếp liên”. Như vậy, học trình của các học sinh này phải đến 13 năm nếu không tính các năm bị nhồi lớp.

Tại các vùng giải phóng thời điểm này, hệ thống trường lớp hệ phổ thông của chính quyền SG đều giải tán.

Một số học sinh cấp tiểu học ở đó được học tại các trường do Mặt trận tổ chức, cấp cao hơn chỉ có ở một số trường thiếu sinh quân, số khác có điều kiện thì theo học ở các trường tại huyện lỵ hoặc tỉnh lỵ thuộc vùng chính quyền SG kiểm soát.

Ở các nơi này, có xã không trường tiểu học công lập, trường cấp trung học chỉ có ở tỉnh lỵ và một số huyện lỵ lớn.

Như đến giữa thập niên 50, tỉnh lân cận Vĩnh Long là Trà Vinh chỉ có duy nhất Trường Trung học bán công Trần Trung Tiên (một công thần địa phương triều Nguyễn) và tồn tại như vậy đến sau này, bên cạnh 2 trường trung học tư có quy mô nhỏ, tất cả chỉ có các lớp trung học đệ nhất cấp.

Học sinh tại Trà Vinh thời điểm đó muốn học cao hơn phải lên tỉnh lỵ Vĩnh Long học tiếp, mãi đến năm 1958 Trà Vinh mới mở trường trung học công lập.

Ở tỉnh Vĩnh Long tình hình cũng tương tự, mãi đến năm 1967, toàn tỉnh mới có 184 trường sơ học và tiểu học, trong đó có 164 trường công. Bậc trung học chỉ có 9 trường.

Tại tỉnh lỵ Vĩnh Long, có trường Nguyễn Thông mở năm 1956 (năm 1961 đổi tên thành Trường Tống Phước Hiệp và sau ngày giải phóng là Lưu Văn Liệt), một trường bán công mở năm 1961 có tên Trường Nguyễn Thông và 2 trường tư là Trường Long Hồ và Trường Nguyễn Trường Tộ đều mở năm 1952, các trường còn lại chỉ có các lớp trung học đệ nhất cấp ở các huyện lỵ Chợ Lách, Minh Đức (Cái Nhum ngày nay), Bình Minh và Tam Bình.

Gắng mà thi…

Ngày ấy, các môn học cũng gần giống như hiện nay, nhưng ở trung học đệ nhị cấp thì phân 3 ban rõ ràng: ban A (môn chính là Vạn vật, Lý, Hóa), ban B (Toán, Lý, Hóa), ban C (Văn, Triết, Ngoại ngữ). Còn thi thì hoàn toàn khác, từ các môn thi cho đến tỷ lệ học sinh được chấm đậu.

Đó là kiểu học rất nặng nề về thi cử và bằng cấp mà nhiều người cho rằng đó là cách chính quyền SG đào tạo những người trí thức, thầy, thợ làm việc trong bộ máy chính quyền cùng với việc gạn lọc gắt gao để bắt những nam thanh niên đi lính phục vụ cho mưu đồ của chúng.

Học hết cấp tiểu học thì thi tốt nghiệp để lấy bằng tiểu học (năm 1960 là năm đầu tiên những học sinh giỏi được đặc cách miễn thi), bằng tiểu học có chẳng biết để làm gì nhưng bằng tốt nghiệp trung học đệ nhất cấp thì thật sự có giá trị đối với một số nam thanh niên, bởi nếu có mà đúng tuổi bị bắt đi lính sẽ là hạ sĩ quan trong quân đội SG (đến khoảng năm 1968 kỳ thi này mới được bỏ thay vào đó là giấy chứng nhận). Còn nữa, nếu muốn học lên trung học đệ nhị cấp, học sinh bắt buộc phải có tấm bằng này.

Học hết lớp đệ nhị thì chạm ngay một cuộc thi thật cam go mới, đó là thi lấy bằng tú tài 1. Phải lận lưng tấm bằng này mới được ngồi tiếp lớp đệ nhất để thi lấy bằng tú tài 2 còn gọi là tú tài toàn phần.

Thời ấy, học sinh học không vất vả như hiện nay và được nghỉ hè thoải mái, dù là năm thi. Nếu có học thêm thì thường chỉ là môn Toán và Sinh ngữ, nhưng việc thi cử thì nặng nề.

Đó là “học gì thi nấy” kể cả môn thể dục (thi nhiệm ý, sẽ được cộng điểm phần trên điểm trung bình) nên học thi các cấp ở trung học bao giờ cũng rất căng thẳng. Nam học sinh chúng tôi có đứa học đến quên cạo râu!

Còn cuộc thi thì kéo dài nhiều ngày rất mệt mỏi, nên khi thi tú tài thì thí sinh được nghỉ giữa kỳ thi 1 ngày để “lấy hơi” thi tiếp.

Đó là chưa kể các hội đồng thi chỉ có ở các tỉnh lỵ trung tâm, như mãi đến năm 1960 thí sinh trung học đệ nhất cấp ở tỉnh Trà Vinh còn phải khăn gói lên tỉnh lỵ Vĩnh Long để thi. Đến năm 1962, thí sinh thi tú tài 1 và 2 của Vĩnh Long vẫn còn qua tỉnh lỵ Cần Thơ thi.

Riêng thi bằng tú tài 2, nếu đậu được phần thi viết thì ngay sau đó phải lên Sài Gòn thi tiếp phần thi “hạch miệng” của 2 môn sinh ngữ chính và phụ (thí sinh đọc một đoạn văn thuộc sinh ngữ chính và phụ, sau đó giám khảo hỏi để kiểm tra và cho điểm), đậu được phần này nữa mới được công nhận có tú tài toàn phần. Đã thế các cuộc thi tốt nghiệp mỗi năm có 2 kỳ, thí sinh rớt kỳ 1 được thi lại kỳ 2 để… vớt vát!

Đối với nam sinh chúng tôi, thi có vất vả thế nào cũng chưa là gì mà tỷ lệ đậu ở các kỳ thi mới quan trọng. Vì vậy, ngày đó nam sinh ở vùng chính quyền SG kiểm soát đến mùa thi thường cười cợt với nhau 2 câu văn vần mà đứa nào cũng biết: “Rớt tú tài anh đi làm trung sĩ / Em ở nhà (....) nuôi con !”.

Thực tế hầu hết kết quả các kỳ thi ở các trường, nhất là trường tư đều cho thấy tỷ lệ đậu rất ngặt nghèo. Tại tỉnh Vĩnh Long, Trường trung học Nguyễn Thông là trường đứng đầu tỉnh thời đó, năm 1957 có học sinh đậu trung học đệ nhất cấp ở kỳ 1, kỳ 2 trên 92% là hiếm thấy và trường đã làm một bia cẩm thạch gắn ở cửa để lưu danh!

Nhưng đó là kết quả 2 kỳ thi của đất nước vừa mới hòa bình, tính gay gắt thật sự của nó lộ rõ ở kỳ 1 của cuộc thi tú tài 2 của trường này năm 1963: chỉ khoảng 20% thí sinh đậu (tỷ lệ này cao hơn ở kỳ 2).

Những năm đầu của thập kỷ 60 của thế kỷ trước, đối với chúng tôi đậu tú tài 1 khó hơn nhiều so với tú tài 2. Ai đậu được bằng tú tài 2 thì thật hãnh diện.

Cả làng không có mấy người đậu nên khi về làng có cảm giác như “đi trên ngọn cỏ”… Trước thời gian này vài năm, các thầy chúng tôi ở các lớp trung học đệ nhất cấp thường chỉ mới đỗ tú tài 1, có thầy dạy văn, nhạc, hội họa còn không có bằng này, nhưng tay nghề đều khiến chúng tôi cảm phục.

Điều quan trọng bậc nhất sau các kỳ thi của nam sinh chúng tôi thời ấy là nếu thi đậu thì sẽ đạt ước mơ trước mắt: được đi học tiếp !

HỒNG VÂN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh