Cả nước hiện có hơn 200.000 thương binh. Trong đó có nhiều thương binh tiêu biểu, phấn đấu học và làm theo lời dạy của Hồ Chủ tịch: "Tàn mà không phế". Xin giới thiệu 8 tấm gương tiêu biểu độc đáo, đặc biệt sau đây:
Cả nước hiện có hơn 200.000 thương binh. Trong đó có nhiều thương binh tiêu biểu, phấn đấu học và làm theo lời dạy của Hồ Chủ tịch: “Tàn mà không phế”. Xin giới thiệu 8 tấm gương tiêu biểu độc đáo, đặc biệt sau đây:
* Thầy giáo Lý Hòa là thương binh hạng đặc biệt thời kháng chiến chống Pháp (nay là hạng 1/4).
Từ một thương binh chỉ có trình độ văn hóa lớp 3, anh đã trở thành phó tiến sĩ, nhà khoa học về vật lý, có nhiều công trình nghiên cứu thành công. Hiện nay anh là giáo sư ĐH ở TP Hồ Chí Minh.
* Anh hùng Hồ Giáo là thương binh thời kháng chiến chống Pháp, đã 2 lần được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng Lao động vì đã say mê, tận tụy trong công tác chăn nuôi của ngành nông trường, mang lại nhiều lợi ích cho dân, cho nước, quê Quảng Ngãi. Hồ Giáo mất năm 2014.
* Hoàng Đức Tương là thương binh nặng, dân tộc Tày, ở huyện Quản Bạ (Hà Giang).
Tuy bị thương mất cả 2 cánh tay, về an dưỡng ở quê hương nhưng anh có nhiều công sức vận động đồng bào dân tộc thực hiện tốt các chính sách của Đảng và Nhà nước, tích cực đấu tranh với bọn người lợi dụng anh em thương binh để làm ăn phi pháp.
Anh là tấm gương sáng trong lao động sản xuất, lôi cuốn mọi người phát triển kinh tế vườn và áp dụng khoa học kỹ thuật vào đời sống. Hoàng Đức Tương là chiến sĩ thi đua toàn quốc.
* Phạm Thị Minh Thao là nữ thương binh mất cả 2 cánh tay, đã kiên trì luyện tập dùng đôi bàn chân thay tay để tự làm mọi công việc: giặt giũ, khâu vá và chăm sóc, nuôi nấng con cái thành người, chị còn dùng chân tập viết, phấn đấu học hết chương trình văn hóa cấp 3.
Chồng chị cũng là một thương binh nặng cùng an dưỡng ở Khu điều dưỡng thương binh Duy Tiên (Hà Nam).
Anh chị đã vượt qua khó khăn, xây dựng gia đình hạnh phúc. Chị được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng ba.
* Họa sĩ- Đại tá Lê Duy Ứng là thương binh nặng, quê Quảng Bình. Ông bị thương bỏng cả 2 mắt trên đường tiến quân tổng tiến công giải phóng Sài Gòn.
Với nghị lực phi thường, ông đã chiến thắng thương tật, bằng trí tưởng tượng phong phú đã sáng tác nhiều tranh vẽ, nặn tượng về Bác Hồ đạt giá trị nghệ thuật cao.
Ông được Viện Mắt Trung ương điều trị thành công, đem lại ánh sáng cho đôi mắt, tiếp tục con đường phấn đấu vì nghệ thuật của một họa sĩ quân đội.
* Nhạc sĩ Nguyễn Hồng Phúc là thương binh toàn thân bị liệt, nằm bất động trên giường điều trị, đã tự học và tìm đến niềm vui sáng tác âm nhạc.
Ông đã viết thành công nhiều ca khúc hay về đất nước, quê hương, đồng chí, đồng đội. Bài “Hương Tràm” do ông viết đã được Hội Nhạc sĩ Việt Nam tặng giải B (không có giải A) trong cuộc thi sáng tác ca khúc toàn quốc năm 1983.
* Anh hùng Trần Đức Thái cũng là thương binh nặng về an dưỡng ở gia đình. Ngày 5/8/1985, ông đã mưu trí dũng cảm đuổi bắt bọn cướp có dao găm, lựu đạn, bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa và an toàn tính mạng cho dân.
Tuy bị thương lần thứ hai vì lựu đạn của bọn côn đồ, bị mất thêm một chân trái và gãy cẳng tay phải, ông vẫn lạc quan, tiếp tục đem phần sức lực còn lại để đóng góp cho quê hương.
Trần Đức Thái đã được tặng Huân chương Chiến công hạng nhất và được phong là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
* Nhà văn thương binh Anh hùng Lao động Sơn Tùng, sinh ngày 8/8/1928 tại Hoa Mỹ (nay là Kim Mỹ) xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An (hiện sống tại khu phố Văn Chương, Hà Nội).
Năm 1971, ông vào chiến trường Đông Nam Bộ làm phóng viên Báo Thanh niên giải phóng. Trong trận tập kích của máy bay Mỹ, ông bị trọng thương do mảnh đạn M79 là thương binh nặng, đi lại khó khăn ông vẫn viết hàng chục cuốn sách, hầu hết là sách viết về cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Hồ.
Ông được Nhà nước phong tặng Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới.
LÊ HỒNG THIỆN (tổng hợp)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin