Ai về Chày Đạp - Thạnh Hòa…

10:07, 18/07/2017

Địa danh Chày Đạp thuộc ấp 4, xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp. Di tích cách thành phố Vị Thanh (Hậu Giang) khoảng 40km theo Quốc lộ 61, đến cầu Cái Tắc rẽ phải 5km là đến nơi.

 

Ai về Chày Đạp - Thạnh Hòa,

Đi qua Đường Gỗ nghe hò hát vang

Thu thu lá úa đổ vàng,

Áo rằn Mỹ - Diệm, trăm thằng phơi thây...”

Dấu tích chiến tranh đã lùi dần, những chiếc cầu khang trang giờ được bắc qua rạch Chày Đạp…
Dấu tích chiến tranh đã lùi dần, những chiếc cầu khang trang giờ được bắc qua rạch Chày Đạp…

Địa danh Chày Đạp thuộc ấp 4, xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp. Di tích cách thành phố Vị Thanh (Hậu Giang) khoảng 40km theo Quốc lộ 61, đến cầu Cái Tắc rẽ phải 5km là đến nơi.

Thời kháng chiến chống Mỹ, Chày Đạp là một trong những vùng tranh chấp giữa ta và địch. Địch thường xuyên càn quét, bắn phá, thiết lập hệ thống đồn bót, dồn dân vào ấp chiến lược, dựng trận địa pháo 105 ly để chống lực lượng cách mạng.

Nhưng nhiều lần đụng độ với Tiểu đoàn Tây Đô, chúng đều thất bại. Năm 1960, địch tiếp tục đánh phá vùng căn cứ cách mạng, tìm diệt các đơn vị vũ trang tập trung của ta, chúng đưa cả tiểu đoàn thủy quân lục chiến càn quét vào vùng giải phóng như Long Sơn, Chày Đạp, Đường Gỗ…

Ở trận này, ta đã mai phục, chờ địch đến gần mới nổ súng, tiêu diệt trên 250 tên, tịch thu 120 súng các loại và nhiều quân trang, quân dụng. Với chiến thắng này, ta đã làm giảm sút ý chí của địch, củng cố niềm tin và nâng cao tinh thần chiến đấu của lực lượng vũ trang tỉnh Cần Thơ lúc bấy giờ. Vào năm 1964, quân ta tiếp tục đánh thắng Tiểu đoàn Bảo An 479, với 225 tên chết và bị thương…

Trận thắng thứ ba vào năm 1971, Tiểu đoàn Tây Đô tiếp tục bẻ gãy toàn bộ cuộc hành quân càn quét của địch, tiêu diệt gọn 1 đại đội Bảo An của Tiểu đoàn 479 thuộc Tiểu khu Phong Dinh.

Với Tiểu đoàn Tây Đô, 3 trận đánh ở Chày Đạp tuy chưa phải là trận đánh lớn, nhưng trận đánh có hiệu suất cao nhất, đặc biệt vào những thời điểm đơn vị đang gặp khó khăn về quân số…

Năm 2005, tỉnh Hậu Giang công nhận nơi đây là di tích lịch sử cấp tỉnh. Ông Lê Thành Phước, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hậu Giang, cho biết, hiện tại nơi đây chưa xây dựng bia chiến thắng, nhưng trong thời gian tới sẽ thực hiện điều này, để góp phần giới thiệu một giai đoạn lịch sử hào hùng qua những trận đánh, để giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

Chày Đạp là địa danh đã hằn vào trong tâm thức những người dân nơi đây và còn là tên gọi một con rạch thông ra Tỉnh lộ 928, thị trấn Rạch Gòi, thị trấn Cái Tắc (huyện Châu Thành A), xã Long Thạnh (huyện Phụng Hiệp).

Nơi đây xưa hoang hóa, giờ cây trái xanh tươi, nhiều vườn cây ăn trái đã phủ lên đất mẹ vốn hằn sâu vết thương chiến tranh. Những người lớn tuổi luôn kể lại cho con cháu mình nghe những trận đánh oai hùng năm xưa để khắc ghi công lao của thế hệ đi trước.

Đến đây, du khách muốn tìm hiểu về địa danh Chày Đạp, sẽ được những người dân sống ở đây kể lại rành mạch, thú vị, có cả những chuyện xưa và chuyện xây dựng cuộc sống mới hôm nay.

Trên con đường vào di tích rợp mát bóng cây, in xuống dòng sông, tạo nên không gian thơ mộng đầy hoài niệm, những câu chuyện kể của những người dân nơi đây sẽ khơi gợi không khí một thời hào hùng, của những con người thế hệ hôm nay đang tiếp nối truyền thống cha anh, ra sức học tập, rèn luyện để xứng đáng với máu xương đã đổ xuống cho vùng quê yên bình này!

Theo VĨNH TRÀ (Báo Hậu Giang)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh